Khách đến nhà hàng sẽ được phục vụ bữa ăn trong bóng tối. Mức giá cho mỗi suất ăn món Á tại nhà hàng này là 560.000 đồng.

“Khi ở ngoài thì bọn em lệ thuộc vào những người sáng mắt nhưng khi vào đây thì ngược lại, tất cả người bình thường phải lệ thuộc vào bọn em. Điều đó làm em thấy mình không hề vô dụng”, anh Nghĩa, một nhân viên phục vụ nhà hàng, cho biết.

Người khiếm thị làm nhân viên phục vụ

“Dạ thực” là cụm từ để chỉ cách thưởng thức món ăn đặc biệt khi thị giác bị che mờ hoàn toàn và xúc giác “lên ngôi”.

Dò dẫm theo chân một người phục vụ vào trong bàn ăn, chúng tôi nhiều lần suýt vấp ngã vì không gian trong quán cực kỳ tăm tối. Một chút ánh sáng lọt vào cũng không hề có. Người dẫn đường cho khách là một anh chàng khiếm thị.

{keywords}

Khách đặt tay lên vai người khiếm thị để được hướng dẫn vào bàn ăn

Nhà hàng nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Điểm đặc biệt nhất tại đây không chỉ là không gian “tối như hũ nút” mà hơn cả, khách phải phụ thuộc hoàn toàn mọi hành động vào “đôi mắt” là những người khiếm thị.

Có lẽ điều đặc biệt nhất chưa phải là ý tưởng dạ thực của nhà hàng, điều làm chúng tôi tò mò là câu chuyện về người khiếm thị và đôi mắt đặc biệt của họ trong nhà hàng “bán” bóng tối.

M.Nghĩa (quận Bình Thạnh) là một nhân viên kỳ cựu của nhà hàng trong 2 năm qua. Anh bị khiếm thị từ khi lên 4 tuổi, nhưng vẫn lấy hai tấm bằng đại học tại TP.HCM.

"Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý, tôi đi xin việc ở 5 chỗ, nhưng khi gọi đến phỏng vấn người ta biết mình khiếm thị thì đều tìm cách từ chối. Khi đó tôi biết rằng người khiếm thị rất khó có thể hòa nhập cộng đồng", anh Nghĩa nói.

May mắn mỉm cười với anh khi được một trung tâm hỗ trợ người khuyết tật giới thiệu làm việc tại nhà hàng ăn trong bóng tối. Chính công việc này đã mở ra cho anh nhiều trải nghiệm.

“Đi ra ngoài tôi phải lệ thuộc vào người khác nhưng khi vào đây thì tất cả mọi người phải lệ thuộc vào tôi. Bản thân thấy mình thực sự không còn mặc cảm vì vô dụng”, anh Nghĩa cho biết.

Điều làm anh thích thú đó là nhà hàng thường phục người nước ngoài nên những trải nghiệm và kiến thức anh thu thập được cũng rất phong phú và đa dạng.

Anh được trau dồi khả năng ngoại ngữ, hiểu biết thêm về văn hóa của nhiều nước. Đặc biệt theo lời anh, mọi người vào nhà hàng đều cởi mở chia sẻ những câu chuyện của mình từ khắp nơi trên thế giới.

"Điều đó làm tôi thấy vui và bớt cảm giác tự ti về bản thân”, anh nói.

Ban đầu vào làm việc, anh rất ngại giao tiếp vì tiếng Anh kém. Dần dà về sau anh đã khắc phục được bằng việc tự học và giao tiếp nhiều với người nước ngoài.

Chủ quán cũng giúp đỡ những người phục vụ có thể giao tiếp tốt hơn, tham gia những khóa đào tạo giao tiếp để nhân viên phục vụ tự tin hơn. Có những ngày làm việc cao điểm khi khách đông nghẹt, anh đã vấp ngã trong phòng tối.

Câu chuyện của anh Nghĩa chỉ là một trong 54 câu chuyện cuộc đời đầy trăn trở những người dẫn đường trong quán “dạ thực”. Và có lẽ, điểm chung của họ là những người đem lại ánh sáng trong bóng tối cho những thực khách.

Khách chỉ ghé một lần

Chia sẻ về mô hình kinh doanh nhà hàng độc đáo này, anh Vũ Anh Tú, chủ nhà hàng, cho biết anh cùng người bạn có tên là Germ (gốc Hà Lan) đã trải nghiệm những không gian ăn trong bóng tối như thế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó, hai người nhen nhóm ý tưởng để mở một nhà hàng tương tự tại Việt Nam.

Thời điểm cuộc cạnh tranh về ý tưởng kinh doanh trở nên khốc liệt, anh và Germ quyết tâm thực hiện “đứa con tinh thần” này. Đây cũng là nhà hàng trong bóng tối đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014.

Bằng việc liên kết với các trung tâm bảo trợ người khuyết tại thành phố, anh bắt đầu tìm và nhận nhân viên phục vụ là người khiếm thị, vừa để tạo công ăn việc làm vừa tạo động lực giúp họ hòa nhập, tự chủ hơn trong cuộc sống.

“Những buổi gặp gỡ và những câu chuyện về nghị lực sống của các bạn khiếm thị trở thành nguồn động lực và cảm hứng cho chúng tôi thực hiện dự án này”, anh Tú cho hay.

Thời gian đầu hoạt động, nhà hàng chỉ có thể nhận 10-15 nhân viên khiếm thị, cùng khoản thời gian khá dài để đào tạo và giúp họ có thể nói tiếng Anh tốt hơn.

Chưa kể lúc mới mở quán, nhiều khách người Việt bỡ ngỡ đến nỗi làm rơi vỡ chén, đĩa, ly tách, thậm chí bổ nhào vào nhân viên phục vụ vì không thể thích nghi trong bóng tối. Nhưng mô hình này đã trở thành một điểm đến mới lạ cho nhiều người.

Sau gần 4 năm hoạt động, hiện nhà hàng có 11 nhân viên là những người khiếm thị và 5-6 người câm, điếc. Mỗi lao động tại đây có thu nhập 5-7 triệu đồng.

{keywords}

Khách hoàn toàn chỉ cảm nhận thức ăn bằng vị giác và thính giác.

Điều ngạc nhiên là khi ngồi vào bàn ăn, âm thanh hướng dẫn sử dụng các dụng cụ quen thuộc như muỗng, nĩa, ly tách được nhân viên nhắc nhở liên tục.

“Các món ăn sẽ được dọn lên theo chiều kim đồng hồ, muỗng nĩa lần lượt nằm bên phải và trái của bạn…”. Chỉ dẫn đó cũng là cách để khách thích nghi trong bóng tối. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, người ăn chỉ được dùng muỗng, nĩa, thay vì dao, để xử lý đồ ăn.

Anh Tú cho biết thông thường, người khiếm thị, người mù hoàn toàn hay chọn những công việc như massage, bán vé số,… Còn tại đây, họ được đảm bảo một công việc an toàn và đặc biệt giúp họ tự tin, thích thú hơn khi được phép “dẫn dắt”, hướng dẫn những người bình thường ăn uống.

“Chúng tôi luôn có một niềm đam mê đối với hoạt động xã hội. Thông qua dự án này, chúng tôi mong muốn góp sức vào việc nâng cao nhận thức đối với cộng đồng người khiếm thị cho người Việt”, anh Tú nói thêm.

Thực tế, mô hình kinh doanh này cũng không hoàn toàn hiệu quả. Khó khăn lớn nhất có lẽ đến từ ý tưởng kinh doanh độc, lạ nhưng giá dịch vụ đắt đỏ.

Theo chủ nhà hàng, khách đến thưởng thức món ăn và trải nghiệm nên rất ít người quay lại lần 2-3.

{keywords}

Tất cả nhân viên phục vụ tại nhà hàng, trừ bộ phận bếp đều là người khiếm thị. 

“Mỗi ngày, trung bình cửa hàng tôi tiếp 50-70 khách vào buổi trưa và tối. Khách chỉ đến đây một lần để trải nghiệm. Trừ trường hợp người thích đi với bạn bè, người yêu và gia đình thì có thể đến đây vài lần trong đời, nhưng đa phần chỉ đến một lần. Thực khách chủ yếu chỉ là khách ngoại quốc”, Tú nói thêm.

Theo anh, người Việt chưa thể cởi mở và nhìn nhận tính xã hội của mô hình này. Thông qua quan sát, khách Việt còn khá e ngại khi để một người khiếm thị phục vụ, cộng thêm đa số khách hàng cho là chi phí quá đắt cho một lần trải nghiệm (560.000 đồng một người đối với món Á).

Trong tương lai, anh Tú sẽ tiếp tục nghiên cứu một dự án nhà hàng mới mà người phục vụ là người câm và điếc, bằng cách khách sẽ ra dấu hiệu bằng tay trên thực đơn để gọi món.

“Dự án mới này sẽ giúp nhiều cho người câm và điếc có việc làm phù hợp, nhưng bằng một biện pháp làm chủ bản thân hơn, tái hòa nhập cộng đồng hơn”, Tú nói thêm.

(Theo Zing)