Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đồng bộ biển quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Nội. Trong khi các nhà quản lý tự hào khi trật tự đô thị được đồng bộ  thì các DN và chuyên gia marketing lại phản đổi, cho rằng điều này ảnh hưởng lớn đến vấn đề nhận diện thương hiệu. Thậm chí có người còn nói: "Đến con phố này, chuyên gia marketing chỉ muốn bỏ nghề".

Quy chế quy định mỗi trụ sở hoặc nơi kinh doanh chỉ được phép đặt một biển hiệu, chiều cao tối đa hai mét, chiều ngang không quá giới hạn công trình với biển hiệu ngang; chiều cao tối đa bốn mét, ngang một mét với biển hiệu dọc.

Tuyến đường Lê Trọng Tấn đang khoác lên mình bộ "trang phục" hoàn toàn mới. Phố không còn mái che, biển hiệu quảng cáo được lắp đặt đồng bộ về kích thước, kiểu dáng với 2 màu chủ đạo xanh, đỏ tạo nên một tuyến phố gọn gàng. 

Đây là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội có quy định riêng về hình thức biển quảng cáo. Theo đó, trụ sở, phòng giao dịch của một số ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông vốn bị quây kín bởi đủ loại biển hiệu lập lòe đến hoa mắt sẽ không còn cơ hội ở đây.

{keywords}
Tuyến phố đầu tiên chỉ có hai loại biển quảng cáo xanh và đỏ. (Ảnh:D.Anh)

Khảo sát tuyến phố này cho thấy, nhiều thương hiệu đã bị thay đổi kiểu chữ, màu sắc logo do chỉ có hai loại màu xanh và đỏ, chữ trắng.

Đơn cử như biển hiệu của một đơn vị bán vé máy bay là màu xanh da trời, cùng tông màu với biển hiệu của cửa hàng bán bún đậu mắm tôm. Một hãng đồ hàng sang cũng phải cùng các nhận diện với hàng rửa xe máy kế bên.

{keywords}
Cùng một tuyến đường nhưng có hai cửa hàng Vinmart với hai kiểu chữ và logo khác nhau. (Ảnh:D.Anh)

Anh Lưu Quang Anh, một người dân cho hay: “Chung một loại biển quảng cáo sẽ giúp cho khu phố không bị lộn xộn nhưng lại gây khó khăn cho hộ kinh doanh vì tấm biển giống như một cách để nhận diện thương hiệu cho từng cửa hàng”.

Chủ một cửa hàng thì nói: “Trước đây, biển quảng cáo cửa hàng màu nâu vàng, khách quen dễ dàng nhận ra, nhưng từ khi có biển mới ít người chú ý nên cửa hàng cũng bị mất đi lượng khách đáng kể. Tôi làm đại lý cho một hãng may mặc lớn, nhận diện của họ là chữ đen nổi trên nền trắng nay đổi thành chữ trắng trên nền xanh. Không thể nhận ra hàng của mình nữa".

Ủng hộ sự thống nhất một số tiêu chí để bảng biển quảng cáo không lộn xộn như trên con phố này, nhưng đa số đưa ra ý kiến không nên có sự áp đặt màu sắc, kích cỡ. Màu sắc của thương hiệu của doanh nghiệp vốn đã tồn tại rất lâu và trở thành một đặc trưng giúp người tiêu dùng nhận diện.

{keywords}
Vietnam Airlines có cùng màu với bún đậu mắm tôm. (Ảnh: D.Anh)

Giám đốc martketing của DN cho rằng, bộ nhận diện thương hiệu của DN quan trọng nhất là logo và màu sắc chủ đạo. Doanh nghiệp phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi cho lựa chọn. Không ít thương hiệu bỏ ra cả tỷ đồng để làm nhận diện thương hiệu. Việc áp dụng chung một mẫu như vậy sẽ mất đi tính chuyên nghiệp, ấn tượng của của các thương hiệu. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là sự nhàm chán và không thu hút người tiêu dùng.

“Người đi đường ban đầu họ sẽ chú ý vì cả khu phố biển quảng cáo y như nhau nhưng về mặt gây ấn tượng thì không còn hiệu quả. Mỗi nhãn hàng sẽ có bộ nhận diện thương hiệu riêng và màu sắc cũng là yếu tố quyết định, nếu chỉ có 2 màu xanh và đỏ, thì những nhãn màu khác sẽ phải làm như thế nào”, ông cho biết thêm.

{keywords}
Cửa hàng Bitis không theo chữ màu trắng. (Ảnh;D.Anh)

Đồng tình quan điểm này, luật sư Đặng Hữu Biên cho rằng, quảng cáo để thu hút khách hàng. Việc sắp xếp y như nhau sẽ làm mất đi tính hiệu quả của quảng cáo và gây nhàm chán cho người dân. Về chủ thể kinh doanh, họ phần nào bị ảnh hưởng bởi không được tự làm quảng cáo theo đúng tiêu chí riêng của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Truyền thông Vietgate, cơ quan chức năng chỉ nên quy định kích cỡ của biển quảng cáo. Không thể bắt buộc về mầu sắc và phông chữ cũng như các yêu cầu khác vì mang tính áp đặt và ảnh hưởng tới bộ nhận diện thương hiệu. 

Các hãng đều có quy định rất chặt chẽ về nhận diện thương hiệu như logo đặt ở đâu, có thể đổi màu được không, kích cỡ ra sao, màu sắc của phông chữ thế nào..., trong đó không được can thiệp vào logo, thay đổi màu sắc.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu, cho biết, biển quảng cáo tại nhiều khu phố trên thế giới rất lộn xộn. Tuy nhiên, đây lại là cách gây nên ấn tượng, hấp dẫn khách du lịch, điển hình như Hong Kong, phố mua sắm nổi tiếng nhất của London là Oxford hay quảng trường Times Square.

Trong khi đó, một chuyên gia marketing nói, một bộ nhân diện thương hiệu của DN lớn hay một biển quảng cáo cửa hàng tư nhân đều có ý nghĩa riêng và thể hiện thông điệp nhận diện của DN đó. Có DN đầu tư cả triệu đô làm thương hiệu nhưng nếu đến phố này, "chuyên gia marketing như tôi chỉ có nước bó tay và muốn bỏ nghề".

Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, việc treo biển đồng loạt quảng cáo đã được đông đảo người dân đông thuận. Trên tuyến đường này, hầu hết các cửa hàng, đại lý, nếu muốn lắp logo phải có quyết định của công ty, thống nhất đây là đại lý chính thức hay đại lý cấp 1,... Các đơn vị phải có văn bản để chứng minh đủ điều kiện lắp logo, công nhận màu sắc thương hiệu, quận sẽ báo cáo thành phố sẵn sàng thực hiện.

Theo bà Phạm Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin (quận Thanh Xuân), cho biết, màu sắc cũng như kích cỡ của biển quảng cáo đưa ra đều có sự lấy ý kiến, đồng thuận từ phía người dân. Quận Thanh Xuân thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc màu cơ bản là xanh và đỏ, được người dân đồng tình.

Theo quận Thanh Xuân, ngày 23.2, UBND TP.Hà Nội giao cho quận này triển khai công tác chình trang bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn. Qua đó, quận đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội xây dựng hồ sơ thiết kế chỉnh trang mặt tiền các công trình.

Cơ quan chức năng đã tổ chức họp, phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến người dân về phương thức và cách làm. Số hộ gia đình và tổ chức đã thống nhất chủ trương là 153, còn lại 6 hộ không cư trú tại Hà Nội nhưng sau cuộc họp đã gửi phiếu thống nhất ý kiến.

Về số kinh phí để làm biển hiệu, bà Hương cho biết, các biển hiệu hai bên đường, cửa hàng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng cấp, đồng chất liệu và thực hiện theo phương thức xã hội hóa.

Nam Hải