Nhiều du khách bị ngăn cản không được tham quan con đường giữa biển ở Điệp Sơn vì không thuê canô của doanh nghiệp.

Ngày 15-8, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết sở sẽ có ý kiến với UBND huyện Vạn Ninh liên quan đến thông tin du khách bị ngăn cản khi đến Điệp Sơn du lịch.

Trò bịp bợm ở Hòn Bịp

Thôn Điệp Sơn thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh gồm 3 hòn đảo nhỏ là Hòn Bịp, Hòn Quạ và Hòn Ó. Giữa các đảo được nối với nhau bằng một dải cát trắng đi lại được khi thủy triều xuống. Khoảng 2 năm gần đây, Điệp Sơn được du khách trong và ngoài nước biết đến với trải nghiệm cảm giác đi bộ trên con đường giữa biển xanh. Những người mê du lịch đặt tên cho điểm đến này là "thủy đạo Điệp Sơn". Trong đó, con đường nối Hòn Bịp đến Hòn Quạ là dài và đẹp nhất.

{keywords}

Bến canô tự phát đưa đón khách ra Điệp Sơn

Trung tuần tháng 8, hàng chục đoàn khách chen nhau lên canô tại cầu gỗ sát cảng cá thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Thấy tôi đứng lưỡng lự, một phụ nữ liền đến mời chào đi canô với giá 200.000 đồng/người cho chiều đi và về, 350.000 đồng/người có thêm ăn trưa. Khi chúng tôi nói đã đặt tour và đi canô ở một điểm khác gần đó, người này bĩu môi cho biết: "Chỉ có canô bên chị thì mới cập vào thủy đạo Điệp Sơn, cầu phao và nhà hàng mà trên mạng đăng tải. Em đi canô bên đó thì không thể cập bãi của tụi chị được đâu, cũng không thể đặt chân vào bãi chơi của tụi chị. Tụi chị độc quyền tại bãi Bịp luôn".

Tưởng người này chỉ "dọa", chúng tôi lên canô ở 1 điểm gần đó để ra Điệp Sơn. Cùng đi có rất nhiều du khách đến từ TP HCM, Trung Quốc và Singapore của một công ty du lịch. Tuy nhiên, khi ra đến Hòn Bịp, cách thủy đạo khoảng 200 m, nhóm du khách này bị một người xưng là nhân viên ở đây chặn lại không cho vào. Người này khẳng định họ độc quyền khai thác du lịch ở thủy đạo Điệp Sơn. Khách đoàn muốn vào chơi phải quay lại bờ sử dụng canô của công ty họ. Trong đoàn khách có cả người tàn tật, người nước ngoài nhưng người này nhất quyết không cho vào. "Công ty thì họ biết chỗ đó của ai, làm giá bao nhiêu. Họ biết hết rồi mà vẫn cố chấp. Em phải cho họ biết là em chặn khách tour" - người này quả quyết.

Trong khi đó, rất nhiều du khách rất bức xúc, tỏ ra thất vọng. "Chúng tôi đã bỏ công, bỏ chi phí đến đây rồi mà cứ bắt đứng vậy không cho vào. Sao có kiểu du lịch độc quyền như vậy được?" - ông Mai Ngọc Đáng, du khách từ TP HCM, nói. Còn chị Quyên, hướng dẫn đoàn khách này, thở dài: "Người ta không cho mình vào thì đi đường khác chứ biết sao bây giờ". Đơn vị dẫn tour sau đó phải dẫn khách qua thủy đạo khác và trả lại một phần chi phí cho du khách vì không được vào thủy đạo ở Hòn Bịp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Mẫn, trưởng thôn Điệp Sơn, trung bình mỗi ngày đảo đón khoảng 500-600 lượt khách; vào dịp cuối tuần, ngày lễ, con số này lên đến cả ngàn lượt. Mỗi du khách hiện nay phải bỏ ra 200.000 đồng để thuê canô ra đảo. Như vậy, chỉ tính riêng tiền dịch vụ vận chuyển, các cá nhân, doanh nghiệp đã thu về từ 100-200 triệu đồng/ngày. Chính vì món lợi "khủng" này nên Điệp Sơn nảy sinh nhiều tiêu cực khiến du khách và các công ty lữ hành bức xúc.

Du lịch biến tướng, quản chưa được

Ông C., điều hành tour của công ty lữ hành ở Nha Trang, cho biết: Tình trạng phát triển du lịch tự phát, độc quyền khai thác dịch vụ đã tạo nên hình ảnh du lịch dị dạng và thiếu bền vững. "Đơn vị độc quyền đưa đón khách qua Điệp Sơn không niêm yết giá, không xuất vé khác gì trốn thuế! Khi chúng tôi phàn nàn dịch vụ vận chuyển, bắt khách chờ cả giờ thì họ đột ngột tăng giá vận chuyển lên 350.000 đồng/người thay vì 200.000 đồng như trước. Đơn vị này thích thì cho đi, không thích thì thôi" - ông C. phản ánh. Tệ hơn, nếu khách nào phàn nàn sẽ bị nhân viên quát nạt và bỏ lại trên đảo. Nhiều doanh nghiệp đành nín nhịn vì phải đáp ứng nhu cầu đưa khách ra đảo.

Trước tình trạng này, ông Trần Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết huyện đã có đề án quản lý và phát triển du lịch ở Điệp Sơn và đang gửi các sở, ngành để lấy ý kiến. Trước mắt, huyện đồng ý cho Công ty CP Sơn Nam làm các dịch vụ ở Hòn Bịp trong 5 năm kể từ ngày 1-7-2017.

Theo ông Khiêm, công ty phải chấp hành các quy định pháp luật, các quy chế đặt ra. Công ty phải bảo đảm quyền tự do đi lại của người dân. Đây là vấn đề mới phát sinh, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nên huyện sẽ có cuộc họp với các cơ quan chức năng để giải quyết, chấn chỉnh sự việc.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, khẳng định Điệp Sơn là điểm du lịch mới nổi, du lịch tự phát nên chưa có cơ chế, quản lý, vận hành. Cách làm du lịch như hiện nay là chưa ổn.

Thời gian tới, sở sẽ làm việc với UBND huyện Vạn Ninh để tăng cường công tác quản lý và đề nghị huyện có phương án bảo đảm an ninh trật tự để bảo vệ du khách, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu du lịch Khánh Hòa.

Chém tài công đưa khách ra Điệp Sơn

Ông Trần Ngọc Khiêm xác nhận tháng 4-2016, một tài công chạy canô chở khách du lịch qua đảo Điệp Sơn khi đang nằm ngủ trong nhà ở thị trấn Vạn Giã thì bị nhóm 4 kẻ bịt mặt xông vào, dùng vật sắc chém ở đầu, cánh tay, vai phải, lưng. Trong đó, vành tai phải bị chém gần đứt lìa, tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 29%. Theo phản ánh của người dân, ở các điểm thuê canô, thời gian gần đây xuất hiện một số người ngăn cản việc đón khách, thậm chí còn bị họ rào chắn đường xuống canô bằng lưới B40.

(Theo NLĐ)