Thời điểm này đang vào chính vụ su hào tại miền Bắc, cộng với việc thời tiết thuận lợi nên sản lượng su hào cung ứng ra thị trường rất lớn. Cung vượt quá cầu nên giá su hào rẻ như cho, các lái buôn ép giá thu mua tại ruộng chỉ từ 500 – 1000 đồng/củ.

Thôn Trung Hoa, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh được biết đến là nơi trồng nhiều rau nhất Hà Nội. Năm nay, cả xã đều trồng su hào nhưng thu nhập chả được bao nhiêu, thậm chí còn chả đủ tiền phân bón.

Chị Nguyễn Thị Khuyên có một sào trồng su hào tại đây cho biết, tiền giống đã mất 1 triệu đồng, tiền phân tro lại mất thêm 1 triệu đồng nữa. Mất bao công chăm bón gần 2 tháng trời mà cả sào thu lại được có hơn 2 triệu, có những nhà 1 sào 10 thước cũng chỉ bán được có 2,7 triệu, coi như đi làm mất không, chẳng được đồng nào.

{keywords}

"Mà lái buôn vào đây cũng ít nên chủ yếu phải đi bán lẻ, gặp khách thì bán 2.000 đồng/củ, còn không mang vào chợ Vân Đình bán chỉ được 1.000 – 1.500 đồng/củ. Nhà nào chịu khó chở xa thì mang vào Hà Nội, sang Trâu Quỳ, Đồng Kỵ thì được giá hơn chút", chị Khuyên ngao ngán chia sẻ.

Theo chị Khuyên, bình thường mọi năm, chỉ vài chuyến xe về là vãn đồng nhưng năm nay nhiều su hào quá, lái buôn vào mua cũng không xuể, vài hôm trước có bao nhiêu xe lạnh về nhưng cũng không ăn thua.

{keywords}

Anh Nguyễn Hữu Chế cũng có vài sào trồng su hào cũng than thở: Năm ngoái rét già, su hào trồng ở Trung Quốc, Sapa, Lào Cai,...đều hỏng hết, chỉ mỗi Đông Anh còn, nên mỗi sào cũng cho thu hoạch mười mấy triệu đồng. Mười mấy năm nay mới được 1 vụ như năm ngoái. Năm nay, thời tiết thuận nên su hào được mùa cộng với việc những người năm ngoái bỏ ruộng, năm nay lại đổ xô đi trồng su hào nên giá đã rẻ lại càng rẻ thêm.

"Thời điểm này năm ngoái, giá su hào tại Đông Anh lên tới 6.000 – 6.500 đồng/củ tại ruộng nhưng cách đây 10 ngày tụt giá thê thảm còn 800 đồng/củ ngon nặng 7 – 8 lạng. Các loại củ nhỏ 5 lạng hay củ to hơn 1 kg còn chỉ bán được với giá 400 - 500 đồng/củ. Đến hôm nay còn gỡ gạc được chút vì có nhiều xe lạnh đến đóng hàng chuyển vào miền Nam, nên giá đã nhích lên 1.000 - 1.200 đồng/củ", anh Chế cho biết.

Anh Chế cũng hi vọng, năm nay vựa rau Đà Lạt đang thiếu hụt trầm trọng thì khoảng nửa tháng nữa sẽ có nhiều xe lạnh về xã đóng một vài chục tấn về miền Trung và miền Nam bán Tết. Lúc đó giá su hào sẽ có thể tăng thêm một chút giúp bà con đỡ khổ.

"Su hào là loại rau củ rất lành chỉ trồng tới tầm 50 ngày là có thể thu hoạch, nếu để quá 50 ngày củ sẽ to. Nhiều người không thích ăn củ to vì có lõi, chỉ có các hàng cơm và lái buôn mới mua củ to nhưng cũng chỉ bán được 500 đồng/củ. Một số củ nứt, củ nhỏ không bán được thì lại mang về băm cho gà hoặc xào lên để gia đình ăn", anh chia sẻ.

{keywords}

Ngoài ra, su hào không phun được thuốc kích thích vì nếu phun thì sẽ bị dài củ, gặp thời tiết nắng, nồm thì củ sẽ bị thối. Vợ anh Chế cho biết, su hào không cần phun thuốc sâu, chỉ có muội trắng bên ngoài làm giảm chất lượng củ, nên phun trước thu hoạch 20 – 30 ngày là được.

Trong khi miền Bắc rau "rẻ như cho" thì trong miền Trung và miền Nam, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và ngập lụt, giá rau đang cao chóng mặt và dự kiến sẽ thiếu hụt rau cho vụ Tết nguyên đán.

Chị Phạm Thị Tâm (TP. Cần Thơ) cho biết, giá su hào mua tại chợ bán lẻ ở Cần Thơ đang là 15.000 đồng/củ. "Nếu mua 2 củ thì được giảm bớt còn 29.000 đồng/2 củ", chị Tâm cho biết.

Cách đây hơn 1 tháng, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang trong đợt cao điểm mùa mưa, cũng là thời kỳ thu hoạch chính các loại nông sản đặc trưng của địa phương. Mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích rau tại đây bị hư hại nặng, trong khi đó thị trường đang tiêu thụ mạnh đẩy giá các loại rau củ tăng chóng mặt.

Theo dự đoán của nhiều nông hộ tại Đà Lạt, tình hình khan hiếm rau xanh và giá tăng cao sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới. Vì thời tiết mưa nhiều khiến sản lượng rau ngoài trời bị hư hại nhiều, không đạt sản lượng cao.

Đợt mưa lũ vừa qua, hầu hết các vùng trồng rau lớn ở Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng bị mất trắng do bị “ngâm” trong nước nhiều ngày. Sau lũ, việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng đã khiến rau, củ trở thành mặt hàng tăng giá mạnh nhất ở tỉnh này.

Vùng chuyên canh rau lớn nhất Quảng Ngãi là Tịnh Long và Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) với tổng diện tích hơn 300 ha trước đây mỗi ngày cung ứng ra thị trường hàng chục tấn rau xanh các loại, nhưng thời điểm hiện tại, hai xã này không còn rau để bán.

(Theo Dân trí)