Là bởi vì nhạc sĩ Trần Tiến - một người Hà Nội “xịn” - đã viết “Ngẫu hứng phố” với câu mở đầu “Hà Nội cái gì cũng rẻ”. Ấy thế mà, hôm 29/3 vừa rồi Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố một con số trong đó khẳng định: Hà Nội “đắt đỏ” nhất cả nước, trên cả Lào Cai và TP.HCM. Ngạc nhiên chưa?

Thủ đô đắt đỏ

Năm 2015, lần đầu tiên chỉ số SCOLI - chỉ số giá sinh hoạt theo không gian được Cục Thống kê công bố. Đây là chỉ số phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định. Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội. Ở lần công bố đầu tiên, TPHCM đứng vị trí số 1 - trở thành nơi đắt đỏ nhất nước. Nhưng vị trí ấy đã chính thức nhường cho Hà Nội từ 2015.

{keywords}

Bát phở giá cao ở Hà Nội

Lãnh đạo Cục Thống kê cho biết có hai nhóm địa phương “đắt đỏ”. Thứ nhất là nhóm miền núi do việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, điều này làm cho giá cả các tỉnh trong vùng cao hơn so với các tỉnh khác trên cả nước. Thứ hai là các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, chi phí sinh hoạt đắt đỏ do khâu trung gian. Trong khi thiếu những biện pháp và chương trình bình ổn giá cả.

Miếng đậu cõng bao nhiêu loại phí?

Nhiều người bạn từ TPHCM ra Hà Nội, được mời nhậu ở những quán bia “bình dân” tại Hà Nội cứ thắc mắc về chuyện tại sao nhân viên ở đây luôn mời chào phục vụ món... đậu. Không đậu luộc thì đậu rán hoặc đơn giản là đậu… lướt ván. Đơn giản là: Đây chính là món mang lại “giá trị gia tăng lớn nhất”. Nói cho đúng, thì đậu là món dễ... lãi nhất.

Này nhé, một đĩa đậu “lướt ván” - tức là rán rất non gồm 3 bìa đậu, mua tại chợ chỉ 9.000 đồng. Thêm một chút dầu mỡ để “lướt”, vài cái rau thơm, ít mắm tôm, vài lát ớt và khi ra đến bàn nhậu nó đã lên tới... 40.000 đồng. Vậy là tăng gần 4 lần cho một quy trình từ chợ ra tới bàn nhậu.

Một cậu bạn, từng mạnh dạn mở quán bia bán cho công chức khi được hỏi rằng “lương tâm có bị cắn rứt khi... ăn dày?”, cậu ta nói rằng: “Trông thì tưởng là lãi lớn nhưng anh biết một miếng đậu nhà em phải gánh bao nhiêu loại thuế phí không? Phí xăng dầu, phí vận chuyển, phí môn bài các loại… Đó là chưa kể loại thuế phí không chính thức kiểu như “làm thế nào để được xe máy của khách trên vỉa hè mà không bị cơ quan chức năng hỏi thăm”.

Hóa ra, miếng đậu đầy đủ mùi xã hội thế thì làm sao không thành miếng đậu vàng. Điều này cũng lý giải tại sao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ thẳng mặt lực lượng “bảo kê” cho quán bia vỉa hè ở Hà Nội. “80% quán bia vỉa hè có công an chống lưng” - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nói như vậy hồi đầu tháng 3. Thế nhưng đã có ai chịu trách nhiệm chưa? Có quán bia nào bị “chỉ tận tay - day tận mặt chưa”? Xin thưa là chưa, và vì thế, miếng đậu, cốc bia nó đắt là được “chấm” vào thứ gia vị mang tên bảo kê kia đấy.

Đấy là chuyện nhậu nhẹt và miếng đậu xét ra “chưa ăn thua” so với một túi trà Lipton. Một gói trà 25 túi bán ở siêu thị khoảng 40.000 đồng, tính ra chưa đến 2.000 đồng/ túi. Vậy mà khi vào đến quán giải khát nó trở thành công thức thế này túi trà + nước nóng + lát chanh + chút đường= 35.000 đồng. Vâng một ly trà đen là 35.000 đồng không kém, gấp hơn 10 lần giá thành. Vậy nhưng chúng ta vẫn uống, vẫn vui, vẫn trả tiền mà hình như ít khi tính toán tại sao nó lại bị “đội giá” khủng khiếp đến thế.

Người Hà Nội “sang chảnh”

Hồi đầu tháng 3 năm nay, Bloomberg công bố một khảo sát khiến người Hà Nội… tự hào vì độ sang chảnh của mình. Khảo sát của Bloomberg cho thấy người Hà Nội phải dành 12% thu nhập bình quân ngày để ăn sáng, trong khi con số tại Osaka (Nhật) chỉ là 1%. Cơ sở để đưa ra nhận định trên, Bloomberg vừa công bố chỉ số Global City Breakfast Index, tính toán chi phí trung bình và khả năng chi trả một bữa sáng thông thường tại 129 thành phố trên thế giới. Bữa sáng tiêu chuẩn được hãng này chọn gồm cốc sữa, một quả trứng, hai lát bánh mỳ và một lát hoa quả. Theo đó, nếu tính tỉ lệ chi phí bữa sáng trên thu nhập ngày, các thành phố tại Việt Nam (Hà Nội, TPHCM) nằm ở nhóm cao nhất (4,4% trở lên). Cụ thể tại Hà Nội, tỉ lệ này là 12%.

Bloomberg đã lấy giá cả thị trường trong 12 - 18 tháng gần đây trên Numbeo - website cung cấp dữ liệu về thành phố và các quốc gia. Theo chỉ số trên, người dân ở Abu Dhabi (UAE), Osaka (Nhật Bản) và Zurich (Thụy Sĩ) có thể kiếm đủ tiền ăn sáng chỉ trong 5 phút. Trong khi đó, người Ghana cần gần một giờ, và người dân Caracas (Venezuela) cần tới gần 9 giờ. Đáng tiếc là Bloomberg không chỉ rõ người Hà Nội phải mất bao nhiêu phút làm việc để có thể kiếm cho mình một bữa ăn sáng “chuẩn Hà Nội”.

Giá bữa sáng tại Zurich và Geneva chỉ tương đương hơn 1% thu nhập ngày của người dân. Trong khi đó, người dân ở Kiev (Ukraina) mất khoảng 6%. Tại Châu Á, chi phí này tại Osaka là dưới 1%, còn Hà Nội là 12%. Riêng Caracas ở Venezuela là… 111%. Bỏ Caracas đi, hãy lấy Hà Nội là một thực tế. Bữa sáng, đơn giản chỉ là bát phở đã có giá 40.000 đồng. Như vậy thì một tháng, trung bình người Hà Nội sẽ tiêu khoảng 1.200.000 đồng cho việc ăn sáng. Đó là khả năng lớn nhưng chẳng ai đảm bảo lương trung bình của người Hà Nội là 10 triệu đồng. Vậy thì Bloomberg sai hay con số “chỉ để ăn sáng” lớn hơn nhiều có 12% kia.

Các chuyên gia lý giải, ở Hà Nội, thường người ta ăn sáng theo kiểu đường ai nấy đi, bữa ai nấy lo. Thói quen này có lẽ cũng gây tốn kém và góp phần làm tăng giá bữa sáng trong quỹ lương của mỗi người không nhỏ. Giả dụ chúng ta cứ ăn đủ chất theo tiêu chuẩn hoặc ăn sáng đơn giản tự làm một nắm xôi hai quả trứng ốp, thì có lẽ cũng không đến mức bữa sáng của người Hà Nội chiếm 12% thu nhập.

Hà Nội… chẳng cái gì rẻ

Tôi có anh bạn kiên quyết giữ căn nhà thuộc loại mỏng dính, chỉ sâu chưa đầy 1m nhưng lại có vị trí đắc địa là mặt tiền ở một con phố sầm uất của Hà Nội. Không thể ở nổi căn nhà dị dạng như vậy nhưng bán cũng không dễ bởi cái giá cho mấy mét vuông ấy lên tới... hàng tỉ đồng. Ở Hàng Bài từng xảy ra một vụ đền bù mà cái giá của nó khiến người ta choáng váng: 1 tỉ đồng/m2. Nếu như một căn nhà mặt phố chỉ rộng 50m2 được bán với giá 45 tỉ đồng, tức là khoảng 2 triệu USD (đủ để mua một biệt thự rộng vài hécta, có bể bơi, sân vườn ở... Mỹ) thì chuyện những căn nhà cũ nát cũng có giá tới vài trăm triệu/m2 cũng không phải chuyện lạ.

Có một anh bạn từng bán phở, mở quán ở khu Cầu Giấy, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km thì chỉ dám đưa ra mức đồng giá 30.000 đồng/bát. Thế nhưng khi vào phố cổ, nó phải là 40.000-45.000 đồng dù cũng từng ấy thịt, bánh. Cái giá phụ trội lên tới 20% ấy chỉ đơn giản là “ở trong phố”. Và điều này cũng lý giải tại sao hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người Hà Nội ở phố cổ vẫn vui vẻ bám trụ với những căn nhà bé bằng “lỗ mũi”, lối vào chỉ rộng chưa đến 80cm, toilet công cộng hôi hám, bẩn thỉu.

Vì thế cái câu Hà Nội “cái gì cũng rẻ”, hóa ra lại rất phù hợp với ngày này. Ngày Cá tháng Tư.

(Theo Lao Động)