Chỉ 2-3% hộ nông dân cả nước kí hợp đồng với DN, 60% DN kí hợp đồng chỉ thu mua, gom sản phẩm, 58% HTX không tổ chức sản xuất theo thị trường… là những con số gây sốc được đưa ra trong một hội thảo nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp và người nông dân có nhiều lợi thế khi liên kết với nhau. Liên kết với nông dân, DN có được nguồn nguyên liệu tập trung và chủ động, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng nên giá trị nông sản cao. Có DN đứng sau, nông dân chắc chắn đầu ra ổn định, lâu dài và được đảm bảo vật tư nông nghiệp không sợ hàng nhái, hàng giả và các dịch vụ nông nghiệp.

{keywords}

Tuy nhiên, ông Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra những con số gây sốc: “Chỉ có 2-3% hộ nông dân trên cả nước ký hợp đồng với doanh nghiệp và 60% doanh nghiệp ký hợp đồng với người nông dân không tham gia đầu tư cho họ mà chỉ thu mua, gom sản phẩm - phương thức mà ông gọi thẳng là “ăn sẵn”; 85% hợp tác xã trên cả nước không tổ chức sản xuất theo thị trường, người nông dân nuôi trồng xong không hề biết mình sẽ tiêu thụ sản phẩm kiểu gì và ở đâu, ngay cả trong các hợp tác xã cà phê của Trung Nguyên, chỉ có 1% được tổ chức theo hướng thị trường”.

"Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ là do nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn duy trì thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống, mang nặng tính tự phát và nhỏ lẻ. Vì đơn độc trong sản xuất nên nông dân không mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật làm giảm đi tính hiệu quả. Còn các DN do thiếu những chính sách cụ thể hỗ trợ nên chưa có kế hoạch bài bản mang tính lâu dài, chung sức cùng nhà nông. Trong khi đó các ngành chức năng vẫn chưa có những chính sách, chủ trương mạnh mẽ, quyết liệt nhập cuộc", Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận xét.

Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút DN đầu tư, khuyến khích DN “bắt tay” với nông dân, tuy nhiên hiện vẫn chưa có nhiều DN thực hiện được bởi còn nhiều khó khăn và vướng mắc.

Vậy làm sao để có được những cái “bắt tay” thật chặt giữa DN và nông dân? Theo những người trong cuộc, đó là một cuộc vận động mà người kĩ thuật viên chuyển giao công nghệ của DN phải “đi tới đi lui, chỉ trỏ, kề cà vài ba li rượu, trao đổi thân tình với họ để hai bên hiểu nhau”. Doanh nghiệp phải đặt mình vào vị trí người nông dân và tìm cách nâng cao năng lực của họ thay vì o ép. Còn Nhà nước cần hỗ trợ mối liên kết này bằng việc xây dựng “xã hội thông tin”. Có thêm nhiều kênh thông tin tiếp cận người nông dân giúp họ hiểu về thị trường, về kỹ thuật sản xuất để nâng cao tri thức và năng lực cho mình. Đồng thời cũng cần có bộ khung về pháp lý với các quy định, chính sách cụ thể, hỗ trợ DN không chỉ trong sản xuất mà còn can thiệp khi sự cố xảy ra.

Vân Anh