Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, 9 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tính tăng 10,7%, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Những con số ấn tượng

Theo đó, hoạt động kinh tế trên các lĩnh vực tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm của 3 khu vực kinh tế: khu vực I: nông, lâm, thủy sản tăng 3,4%, đóng góp 0,2 điểm %; khu vực II: công nghiệp - xây dựng tăng 9,2%, đóng góp 4,5 điểm %; khu vực III: dịch vụ tăng 13,8%, đóng góp 4,8 điểm % trong tổng mức tăng chung. Thuế sản phẩm tăng 11,5%, đóng góp 1,2 điểm %.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ so với cơ cấu kinh tế năm 2017: KV I: Nông - lâm - thủy sản 6% (giảm 0,3%); KV II: Công nghiệp - xây dựng 50,2% (giảm 1,1%); KV III: Dịch vụ 43,8% (tăng 1,4%).

{keywords}
 

Điển hình, khu vực dịch vụ sôi động, nhiều cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch mới được đầu tư và đưa vào sử dụng, các sự kiện trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng khá, tăng cao nhất là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo (tăng 12,0%; đóng góp 1,4 điểm %); công nghiệp khai khoáng trên đà phục hồi (tăng 6,5%; đóng góp 1,2 điểm %); các dự án, công trình động lực, nhất là hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản duy trì sự ổn định.

Lộ trình trở thành cực tăng trưởng

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua Quảng Ninh đã huy động các nguồn lực để tập trung cho ba đột phá chiến lược là: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển; tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính năng động, minh bạch, trách nhiệm, hiện đại; tập trung thu hút nguồn nhân lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng đáp ứng chiến lược phát triển.

Trong đó sự phát triển về hạ tầng giao thông của Quảng Ninh là 1 trong những yếu tố quyết định tạo nên sức hút các dòng vốn đầu tư.Theo đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" của Quảng Ninh, dự kiến, tổng quỹ đất dành cho hệ thống giao thông của tỉnh đến 2020 là trên 12.000ha. Về nhu cầu đầu tư, giai đoạn 2011- 2020 cần gần 75.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 là gần 40.000 tỷ đồng.

{keywords}
 

Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong áp dụng các mô hình, phương thức mới trong thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm theo hình thức đầu tư PPP như: đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Tỉnh tích cực sớm hoàn thành các dự án: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, triển khai lập dự án hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục.

Việc xây dựng thể chế, cải cách hành chính được Quảng Ninh thực hiện theo hướng giảm thủ tục và thời gian giải quyết; thực hiện đủ 4 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại chỗ và tăng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4; đưa 231 điểm cầu trực tuyến tại 186 xã và các đơn vị vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.

Quảng Ninh tiên phong triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI), là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và vận hành mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh và toàn bộ 14 huyện, thị. Tỉnh đưa ra nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; nhiều mô hình mới được đưa vào vận hành hiệu quả, điển hình như Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) và chính quyền điện tử; lập fanpage về PCI trên mạng xã hội tạo kết nối giữa doanh nghiệp với các sở ngành.

Lãnh đạo Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, nhất là đội ngũ quản trị; đặc biệt chú xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc từng khẳng định "Với những nền tảng tạo được trong những năm qua về hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nguồn nhân lực, tổ chức, bộ máy… năm 2018 là "thời cơ vàng" cho bứt phá, tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh". Với đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, Quảng Ninh phấn đấu năm 2018 đạt mức tăng trưởng trên 11%. Hướng trở thành 1 cực tăng trưởng động lực của tam giác kinh tế phía Bắc, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tập trung vào 3 mũi nhọn kinh tế, đó là du lịch - văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao; trong thu hút các nguồn lực đầu tư sẽ dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

 Minh Minh