Nhắc đến thực phẩm organic, người tiêu dùng thường liên tưởng đến loại thực phẩm cao cấp với giá đắt đỏ mà chỉ một số người giàu có mới có thể mua dùng.

Rau organics: đất trồng cũng phải sạch

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn trở thành “quốc nạn” như hiện nay thì để các bà nội trợ tìm được một sản phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng khó như “hái sao trên trời”. Tuy nhiên, thực tế là thị trường hiện nay vẫn có những sản phẩm sạch, thậm chí còn hơn cả sạch, có thể gọi là siêu sạch. Đó là thực phẩm hữu cơ organic.

Ở Việt Nam, khái niệm về organic còn khá mới mẻ, các doanh nghiệp tham gia sản xuất cũng chưa nhiều. Nên đa số người tiêu dùng Việt Nam chưa có nhiều thông tin để tiếp cận nguồn thực phẩm này.

Theo ông Lê Thành - một chuyên gia am hiểu về Organics cho biết, sản xuất rau quả organics phải tuân theo quy trình rất khắt khe của nông nghiệp, môi trường, nước thải, phân hữu cơ trồng rau quả phải được nhập từ nước ngoài.

Ông Thành cho rằng rau organics còn đẳng cấp hơn rau sạch. Theo quan niệm của mọi người, rau sạch là rau không phun thuốc trừ sâu là đủ, nhưng rất có thể được trồng ở những vùng đất bị ô nhiễm thì cũng chưa thể sạch hoàn toàn. Còn rau organic phải theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế, đến đất trồng cũng phải sạch.

Ông Lê Thành đưa ra dẫn chứng: “Ở Đà Lạt, muốn trồng các loại rau organics chúng tôi đã phải gửi đất sang Đức. Sau khi tiến hành kiểm tra, xét nghiệm, có thể vài năm sau, nếu đủ tiêu chuẩn chúng tôi mới được trồng rau. Bên cạnh đó, ngoài vùng trồng rau thì chúng tôi cũng phải thiết lập vùng vệ tinh xung quanh để bảo vệ vườn rau organics. Bởi lẽ, khi các vùng trồng xung quanh họ phun thuốc thì có thể nó sẽ bay sang ảnh hưởng đến khu trồng rau organics”.

{keywords}

Rau cao cấp giá có “cao cấp”?

Một số người cũng biết đến nguồn thực phẩm được sản xuất theo quy trình organics, tuy nhiên họ có chung một suy nghĩ thực phẩm cao cấp như vậy chỉ dành cho các đại gia, vì giá của nó khá đắt. Trước ý kiến này, ông Lê Thành không có suy nghĩ như vậy. Theo ông, chỉ cần cân đối lại chi tiêu trong gia đình một chút là có thể dùng được sản phẩm organic. Chẳng hạn, bạn có thể bớt đi ăn nhà hàng một chút, hay thay vì mua 2 bộ quần áo bạn chỉ nên mua 1 bộ...

Ông Lê Thành đưa ra dẫn chứng, như thịt heo được bày bán ở Hội quán của ông có giá dao động từ 200.000-300.000 đồng/kg tùy loại; thịt gà 230.000 đồng/kg; rau sống được trải qua 36 quy trình, người mua rau về có thể bày ra đĩa ăn luôn cũng chỉ có giá hơn 20.000 đồng/300g; sữa dành cho bé 900g có giá khoảng 480.000 đồng; sữa tắm của bé cũng vào khoảng hơn 200.000 đồng... Nếu đem so với giá bán ở các hệ thống siêu thị khác thì mức giá này không đắt hơn bao nhiêu.

Vì là người đã sử dụng thực phẩm organic được 2 năm nay, chị Nguyễn Hà Phương (Q.7 - TP.HCM) cho biết không phải chỉ người có tiền mới mua được mà ngay cả người thu nhập ở mức trung bình cũng có thể sử dụng sản phẩm này.

“Thay bằng việc đầu tư quá nhiều cho du lịch, hay tụ tập bạn bè ở những nhà hàng sang trọng, nhậu nhẹt quá đà hay chi tiêu quá nhiều cho quần áo, chúng ta nên cắt bớt những chi tiêu không hợp lý bù vào để mua thực phẩm sạch bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình”, chị Phương nêu ra giải pháp.

Organics - cần một phép màu để đa dạng hóa

Organics là dòng thực phẩm cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Con đường xuất khẩu các sản phẩm organic được quốc tế công nhận rất rộng mở. “Hiện chúng tôi không đủ hàng hóa để xuất khẩu”, ông Lê Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thành, để một doanh nghiệp sản xuất được dòng sản phẩm này đòi hỏi rất nhiều vốn. “Để sản xuất được thực phẩm organic đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, trong khi đại đa phần đất của các doanh nghiệp làm dự án này đều là đất nông nghiệp nên không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng được”, ông Thành cho biết.

Chính vì thiếu vốn nên hiện các doanh nghiệp sản xuất organics ở Việt Nam chỉ mới sản xuất thô chứ chưa có nhà máy chế biến nên giá trị gia tăng còn chưa cao và các sản phẩm chưa đa dạng. Ngoài ra, ông Lê Thành cũng cho biết: “Ở Việt Nam các bộ ngành vẫn chưa quan tâm đến các công ty sản xuất organics, bởi số lượng doanh nghiệp tham gia còn ít”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có cơ chế cho lĩnh vực này. Theo ông Lê Thành thì trước đây ở Mỹ, gia đình J.I Rodale là người đã tiên phong làm organics, sau đó thành lập Viện nghiên cứu và cố vấn cho Chính phủ Mỹ. Và bây giờ, ở Mỹ nhắc đến người có công đầu về organic phải nhắc đến gia đình này. Ở Việt Nam cũng đang đi đúng quy trình này. Hiện hơn 10 thương hiệu sản xuất organic ở Việt Nam có nhiều người đã đi tu nghiệp ở nước ngoài về và đã kiên trì 10 năm theo đuổi lĩnh vực này. Bây giờ các đơn vị đang tâm huyết với organics rất mong nhà nước có cơ chế dành cho lĩnh vực này để các doanh nghiệp có thể mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, ông Lê Thành cũng khẳng định vấn đề thông tin còn yếu và thiếu, nên nhiều nhà đầu tư chưa thu hút được nguồn vốn. Vấn đề khó khăn nữa mà organic đang phải đối mặt là nhiều người đã làm giả thực phẩm organic. Điều này đã gây khó khăn và sóng gió cho người làm ăn chân chính. 

Theo ông J.I Rodale, cha đẻ của ngành trồng trọt hữu cơ ở Mỹ, thực phẩm hữu cơ là sản phẩm không có thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Trong đó, thực phẩm hữu cơ động vật được nuôi ở những vùng riêng biệt mà thức ăn hay nước uống không có hóa chất nào như thuốc bảo vệ thực vật. Động vật được nuôi lớn tự nhiên không sử dụng một loại chất kích thích tăng trưởng nào cả.

Thực phẩm hữu cơ thực vật là rau củ quả được trồng tự nhiên, tưới bón bằng phân thiên nhiên chứ không dùng một loại hóa chất bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học nào.

Phân thiên nhiên được làm từ xác động vật, từ các cây cỏ mục nát. Diệt trừ sâu bọ bằng thiên địch hoặc các biện pháp sinh học khác. Và đất trồng cũng phải là đất sạch, tức phải bao nhiêu năm không sử dụng hóa chất hoặc đất phải được cải tạo lại đủ tiêu chuẩn sạch mới được trồng.

(Theo NTD)