Trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn với tăng trưởng bình quân chỉ đạt 1,2% năm 2016 thì nông nghiệp công nghệ cao thực sự là một cứu cánh.

Kinh nghiệm từ Lâm Đồng, TP.HCM

Từ những năm 1990, Lâm Đồng đã xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong những đột phá phát triển; nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Đến nay, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, 100% số xã trên địa bàn đã có đề án phát triển sản xuất được phê duyệt và đang triển khai thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, bò sữa, cá nước lạnh…

Toàn tỉnh hiện có trên 39.237 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 15% diện tích đất canh tác. Trong đó có 14.063 ha rau, hoa, cây đặc sản, 5.635 ha chè, 15.335 ha cà phê, 3.585 ha lúa.

Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy định khá đầy đủ, toàn diện, từ đất đai, hạ tầng đến tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển thị trường…

UBND tỉnh Lâm Đồng xác định, theo xu thế phát triển, nhu cầu của thị trường ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gây tác động bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi tất yếu. Với hệ thống chính sách hỗ trợ, kinh nghiệm và điều kiện khí hậu thuận lợi, Lâm Đồng đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Một địa phương khác khá thành công với phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là TP.HCM. 2 năm qua, nông nghiệp TP.HCM tiếp tục tái cấu trúc theo hướng ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào việc sản xuất nông nghiệp đô thị. Nhờ đó, năm 2016 giá trị sản xuất bình quân 1ha đạt 410 triệu đồng, tăng 9,3% so cùng kỳ (con số này năm 2011 chỉ mới là 170 triệu đồng).

{keywords}
Ảnh minh họa. Ảnh:Theo SGGP

TPHCM đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha nhờ xác định cây trồng, vật nuôi có giá trị và phù hợp với nông nghiệp đô thị, như rau cho doanh thu bình quân 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, hoa lan khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm, bò sữa với quy mô 20 con khoảng 800 triệu đồng/năm, nuôi tôm sú công nghiệp khoảng 800 triệu đồng/ha/năm, cá cảnh với giá trị quy ra ha/năm đạt trên 1 tỷ đồng.

Để công nghệ cao là đòn bẩy cho nông thôn mới

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn nên tăng trưởng bình quân chỉ đạt 1,2% năm 2016 thì nông nghiệp công nghệ cao là cứu cánh cho đà tăng trưởng của nông nghiệp.

Không chỉ đơn thuần là chuyện chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì mà các địa phương cần ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng vật nuôi theo hướng xanh sạch. Chính quyền cần kiến tạo chính sách, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp tập trung chuyển đổi theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ phát triển chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận cho người nông dân, gắn với việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó cần hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, đem ứng dụng khoa học kĩ thuật chuyển giao cho nông dân tăng năng suất sản phẩm, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Vân Anh