Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam từ đầu năm 2014 đã giảm xuống còn 50% so với mức 60% của năm ngoái, theo lộ trình AFTA, thế nhưng giá một số mẫu xe được nhập khẩu từ khu vực này vẫn chưa được giảm tương ứng?

Với mức giảm 10 điểm phần trăm thuế nhập khẩu so với năm ngoái, nhiều người có ý định mua xe kỳ vọng từ đầu năm nay giá xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ giảm so với trước đây.

Tuy nhiên, tình hình trên thị trường gần như không thay đổi, thậm chí một số ít mẫu xe nhập khẩu có giá bán còn cao hơn; nhất là những dòng xe có dung tích xi-lanh nhỏ mà một số liên doanh lắp ráp xe trong nước chưa sản xuất hoặc ngưng sản xuất, chuyển sang nhập khẩu từ nhà máy ở Thái Lan và Indonesia.

Các nhà nhập khẩu các dòng xe phổ thông cũng xác nhận giá bán ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ở một số nước từ khu vực ASEAN từ đầu năm đến nay không có giảm tương ứng theo mức thuế so với trước đây.

{keywords}

Ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN chưa được giàm giá như kỳ vọng của người tiêu dùng

Giải thích về điều này ở bên lề của một cuộc họp báo về Triển lãm Motorshow 2014 tại TP.HCM gần đây, đại diện của Ford Việt Nam và Toyota Việt Nam cho rằng thuế nhập khẩu giảm chỉ là một phần trong giá bán; vì giá một chiếc xe nhập khẩu về còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như chi phí vận chuyển, đời xe, tỉ giá tiền đồng với đô la Mỹ...

Đơn cử như cùng một mẫu xe đó của năm 2013 nhưng sang năm 2014 là đã khác về giá bán vì đời xe năm 2014 được thay đổi về kiểu dáng, nâng cấp công nghệ hiện đại hơn, với nhiều lựa chọn phụ kiện hơn... nên giá bán chắc chắn sẽ không thể như mẫu xe của năm trước đó.

Mặt khác, theo giới quan sát, hiện nay các dòng xe phổ thông với các thương hiệu Toyota, Ford, Honda, Mazda, Kia... đang bán chạy tại thị trường Việt Nam đều được lắp ráp trong nước bởi thuế nhập khẩu bộ linh kiện những dòng xe này chỉ khoảng từ 15-25%, vẫn thấp hơn đáng kể so với thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Theo các doanh nghiệp ô tô Việt Nam, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về mức 50% khiến cho giá một sô mẫu xe nhập khẩu chỉ bằng giá của xe lắp ráp trong nước. Bởi vậy, con đường mà các liên doanh, hãng xe lựa chọn vẫn không có gì thay đổi.

Mặt khác, nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN ở phân khúc xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi hiện nay cũng chỉ có vài mẫu xe với kiểu dáng và động cơ nhỏ như Toyota Yaris và các mẫu xe bán tải như Toyota Hilux, Ford Ranger, Nissan Navara, Chevrolet Colorado... ít được ưa chuộng.

Theo giới phân tích, các hãng xe, liên doanh ô tô hiện nay vừa là nhà sản xuất nhưng đồng thời là nhà nhập khẩu thì chắc chắn các hãng xe không thể tạo điều kiện thuận lợi để mẫu xe cùng phân khúc của chính mình lắp ráp trong nước bị gặp khó khăn về tiêu thụ so với xe nhập khẩu về.

Đối với các mẫu xe bán tải (xe pick-up) mà các liên doanh đã ngưng sản xuất hoàn toàn và cho nhập khẩu từ các nhà máy ở Thái Lan, hiện nay dù thuế đã giảm nhiều, nhưng đối với người tiêu dùng trong nước thì loại xe vừa chở người và chở hàng hóa này chưa phải là phổ biến.

Trong khi đó, một số mẫu xe du lịch phổ thông khác như Hyundai thì nhập khẩu từ Hàn Quốc, Ấn Độ - những quốc gia không nằm trong khối chịu ảnh hưởng thuế này.

Tương tự, đối với phân khúc xe sang đắt tiền với sự góp mặt của các thương hiệu như BMW, Audi, Lexus, Infinity, Porsche, Cadilac... thì đều có nguồn gốc nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản hay các nước châu Âu (trừ Mercedes có một số sản phẩm được lắp ráp ở Việt Nam). Đa số các thương hiệu sang trọng này đều được sản xuất tại bản quốc, không có cơ hội hưởng thuế nhập khẩu 50% nên giá cả cũng không thay đổi nhiều so với hiện nay.

Như vậy những kỳ vọng về giá xe giảm theo tính toán của người tiêu dùng trước đây khi mua xe nhập khẩu nguyên chiếc theo lộ trình giảm thuế khó thành hiện thực trong thời điểm hiện tại này.

Mặc dù vậy, một số nhà lắp ráp ô tô cũng thừa nhận, nếu thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm xuống mức dưới 30%, chắc chắn các doanh nghiệp ô tô đang hoạt động tại Việt Nam sẽ có những tính toán khác, bởi chêch lệch thuế linh kiện và xe nhập khẩu không còn nhiều, nhất là nếu tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam không tăng mạnh so với hiện nay.

Bên cạnh đó, ngay cả với những mẫu xe có sản lượng lớn, vẫn có lợi thế cạnh tranh nhưng cũng bị gây sức ép. Điều này sẽ tạo ra áp lực khiến cho xe lắp ráp sản xuất trong nước phải tìm cách giảm giá thấp hơn để cạnh tranh hoặc nhận thấy sản xuất không có hiệu quả sẽ phải ngừng và chuyển sang nhập khẩu.

Theo lộ trình giảm thuế đến năm 2018 về 0%, giới phân tích dự báo các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc có dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ bị ảnh hưởng về giá trong những năm sau.

(Theo TBKTSG)