Lan Anh kể: “Tôi và một số đồng nghiệp từng chịu ấm ức khi bị khách hàng vỗ mông để gọi đồ uống. Những lúc như vậy, chúng tôi vẫn phải bình tĩnh nhắc nhở, không được tỏ thái độ".

Nói đến tiếp viên hàng không, nhiều người thường nghĩ đến sự hào nhoáng, sung sướng. Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có thể đứng trong hàng ngũ của ngành, nhiều bạn trẻ đã phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt.

Tuyển chọn khắt khe, cạnh tranh khốc liệt

Hữu Thiện là hot boy nhóm hài BB&BG, đang công tác tại hãng hàng không Vietnam Airlines. 9X cho biết, anh phải trải qua 4 vòng tuyển chọn cam go về ngoại hình, kiến thức, sức khỏe... mới có thể trở thành tiếp viên hàng không. Tỉ lệ hồ sơ nộp vào ngành này rất cao. Bởi vậy, từ những vòng đầu, mọi người đã phải cạnh tranh khốc liệt.

Lan Anh (nữ tiếp viên hàng không có 4 năm kinh nghiệm) chia sẻ thêm: "Mình sợ nhất là phần kiểm tra tiền đình. Mọi người phải ngồi trên một chiếc ghế được xoay rất nhanh và đứng dậy đi theo đường thẳng. Nhiều bạn tâm lý không vững vàng thường không qua được vòng này”.

{keywords}

Để được tuyển chọn vào ngành hàng không, bạn sẽ phải trải qua nhiều vòng kiểm tra gắt gao.

Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn, các tiếp viên hàng không tương lai được đào tạo trong khóa học kéo dài 3 tháng. Với Yến Phương, môn học khiến cô ấn tượng nhất là xây dựng hình ảnh. Các giáo viên sẽ hướng dẫn cách trang điểm cho thật xinh đẹp, dạy kỹ năng đi đứng và giao tiếp, ứng xử để trở nên hoàn hảo trong mắt hành khách.

Chí Thành - hiện làm việc tại Vietjet Air - kể: "Chương trình đào tạo bao gồm những môn như an toàn bay, sơ cứu, thuật ngữ hàng không... ​​Khi hoàn thành, các bạn sẽ đi thực tập (line training) 20 chặng bay. Các tiếp viên trưởng trên từng chặng là người nhận xét xem bạn có đủ điều kiện làm tiếp viên chính thức hay không?".

"Làm dâu trăm họ​"

Trúng tuyển vào vị trí tiếp viên hàng không đã khó, để trụ vững với nghề còn vất vả hơn. Nghề này chẳng khác nào việc "làm dâu trăm họ", dù gặp bất cứ sự cố gì, vẫn phải luôn tươi cười với hành khách.

Lan Anh tâm sự, việc khách mắng chửi hay có thái độ bất hợp tác với tiếp viên hàng không xảy ra như cơm bữa. Quá đáng nhất là những trường hợp họ bực bội chuyện cá nhân nhưng khi lên máy bay lại trút giận sang tiếp viên.

Còn với Chí Thành, nghề này chẳng sướng như mọi người nghĩ. "Cái sướng đó còn tùy thuộc vào có yêu nghề hay không? Chuyện tiếp viên hàng không luôn xinh đẹp, được ở những nơi sang trọng, đẹp đẽ là có. Nhưng bù lại​, môi trường làm việc cũng có nhiều áp lực riêng, không đơn giản chỉ là nghề phục vụ" - Thành nói.

Đối với một tiếp viên hàng không, ngoài nhan sắc và trình độ học vấn, tính kiên trì, nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh chính là chìa khóa quyết định sự thành công.​ Lan Anh từng gặp một hành khách khó tính. Khi có một em nhỏ quấy khóc trên chuyến bay, cô đã hỏi han, hỗ trợ gia đình dỗ dành em, nhưng vẫn bị vị khách phía sau tỏ thái độ bực bội, la mắng vô cớ.

{keywords}

Tiếp viên hàng không phải chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng ứng phó trước những sự cố khó lường trên chuyến bay.

Yến Phương lại gặp phải hành khách say xỉn, không đủ tỉnh táo để cất cánh nên phải thuyết phục anh xuống máy bay. Sự cố này khiến chuyến bay bị delay (trì hoãn) một tiếng đồng hồ, làm ảnh hưởng đến những người khác. "​Nghề này là thế. Nhiều khi rõ ràng không phải lỗi của mình, nhưng vẫn phải nhận và làm cho khách hàng vui vẻ" - 9X trải lòng.

Khóc ròng vì bị sàm sỡ

Đối với các hãng hàng không, hành khách luôn là thượng đế. Dù có bất cứ việc gì xảy ra, tiếp viên vẫn phải niềm nở, cười nói nhẹ nhàng với họ.

Lan Anh kể: “Tôi và một số đồng nghiệp từng chịu ấm ức khi bị khách hàng vỗ mông để gọi đồ uống. Những lúc như vậy, chúng tôi vẫn phải bình tĩnh nhắc nhở, không được tỏ thái độ. Chỉ khi sự việc trở nên nghiêm trọng, tiếp viên mới có thể phản ứng và báo cáo với cơ trưởng để xử lý”.

Theo nữ tiếp viên hàng không, trên các chuyến bay, họ rất hay bị hành khách trêu ghẹo, còn việc sàm sỡ hay có hành vi quá đáng thỉnh thoảng mới xảy ra. Trước những tình huống nhạy cảm như trên, các tiếp viên phải nhanh nhạy và thể hiện sự thông minh trong cách ứng xử.

Thùy Dương - hiện công tác tại Vietnam Airlines - nói: "Bị sàm sỡ trên máy bay là sự cố không ai mong muốn. Cách giải quyết phù hợp nhất với tư cách tiếp viên hàng không là nhẹ nhàng nhắc nhở hành khách, lịch sự nhưng cần tỏ rõ thái độ kiên quyết, nhìn trực diện vào mắt đối phương, tránh các trường hợp hoảng loạn hay xảy ra to tiếng".

Lan Anh cũng cho biết, một số hành động khiếm nhã của khách hàng có thể để lại nỗi đau tinh thần với nhiều nữ tiếp viên, nhất là những người mới vào nghề. Bản thân cô từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình bị suy sụp, đành bỏ nghề giữa chừng.

Với Hữu Thiện, khách hàng có đủ kiểu người. Không chỉ nữ mới bị sàm sỡ, các nhân viên nam cũng nhiều lần “khóc ròng” với hành vi động chạm khiếm nhã. Anh từng thấy một đồng nghiệp gặp phải tình huống đi quá giới hạn.

9X tiết lộ, việc cự cãi hay phản ứng lại khách hàng là điều cấm kị trong ngành hàng không. Tiếp viên hay kể cả các bộ phận khác cần niềm nở trong mọi hoàn cảnh. Bất cứ một nhân viên nào bị phát hiện có thái độ không đúng mực với hành khách đều phải chịu kỷ luật, thậm chí là sa thải khỏi ngành.

(Theo Zing)