Khi nhắc tới câu chuyện mua nhà của mình, anh Trần Văn Thái (31 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn rùng mình sợ hãi. Anh cho rằng, mua nhà là chuyện trọng đại nên phải tính toán thật cẩn thận. Không nên cố mua rồi cày cật lực trả nợ. 

4 năm trước khi bước vào độ tuổi 27, anh Thái đang là nhân viên công sở. Lương tháng của anh chỉ được 14 triệu đồng/tháng. Do còn thanh niên, số lương ấy anh đưa cho gia đình 5 triệu góp tiền ăn. Còn lại 9 triệu/tháng anh tiêu pha hết. Vì thế, bố mẹ anh lúc nào cũng muốn anh tự tiết kiệm được mua được nhà, ổn định cuộc sống của bản thân.

{keywords}
 

Để chứng tỏ cho bố mẹ, anh Thái cũng quyết định mua căn chung cư trị giá 1,5 tỷ. “Không muốn bố mẹ đau đầu và phàn nàn quá nhiều về mình, tôi cố mua căn hộ này. Lúc ấy trong tay tôi chỉ có 200 triệu đồng. Tôi vay người thân được 300 triệu nữa. Còn lại 1 tỷ tôi vay ngân hàng", anh Thái kể.

Với số vốn vay 1 tỷ đồng, anh Thái vay ngân hàng trong thời gian 20 năm (240 tháng) với lãi suất ưu đãi trong 12 tháng đầu tiên là 8,29%/năm. Lãi suất sau thời gian ưu đãi là 10,5%/năm. Theo đó, tổng số tiền lãi và gốc anh Thái phải thanh toán hàng tháng là 12,4 triệu đồng.

“Đây quả thực là một số tiền không nhỏ và rất nặng nề. Chưa kể còn tiền vay nợ của người thân. Vì thế, để trả nhanh khoản nợ tiền nhà, tôi tìm cách sang nước ngoài để làm việc, cày tiền trả nợ nhanh nhất có thể. Nếu ở Việt Nam, ngày ngày gõ máy tính 8 tiếng rồi về thư giãn, không biết đến bao giờ mới trả được nợ. 

Nghĩ là làm, tôi cho một người bạn thuê lại căn hộ chung cư với giá 3,5 triệu đồng/tháng. Mỗi năm tính ra tôi có khoảng 42 triệu tiền cho thuê nhà. Số tiền này tôi nhờ mẹ đẻ thu hộ nên không động đến. Sang Đài Loan, tôi làm việc trong 1 nhà máy với mức lương tháng 30 triệu đồng. Ngoài ra, tôi tìm cách nhận thêm việc, tăng ca từ 7 sáng đến 10h tối", anh Thái chia sẻ. 

{keywords}
 

Ngày nào cũng vậy, bắt đầu từ 7h sáng cày đến khuya. Ngoài lương tháng 30 triệu, tiền cày thêm được 15 triệu nữa. Tổng 1 năm tôi kiếm được 540 triệu chưa tính 42 triệu tiền thuê nhà ở Việt Nam. Do ở nhà người quen bên Đài nên tôi chỉ phải đóng khoản tiền ăn cho bác ấy vài chục triệu đồng/năm. Vì vậy, mỗi năm tôi tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng”, anh Thái tính toán.

Suốt 3 năm trời làm việc cật lực bên Đài để trả nợ tiền mua nhà, anh Thái luôn sống trong tình cảnh không bạn bè, không trợ cấp cho người thân. Ngày về nước, anh mang được số tiền 1,5 tỷ về trả nợ.

“Tính ra 3 năm đi nước ngoài, mình làm ra hơn 1,6 tỷ đồng. Ăn tiêu bên đó 3 năm do có nhà bác hỗ trợ nên hết khoảng 100 triệu thôi. Số tiền còn lại đúng 1,5 tỷ, mình trả nợ người thân và tất toán trước hạn với ngân hàng. Cũng may ngân hàng vẫn cho trả nợ trước hạn, lại còn có nhiều chính sách miễn phí trả nợ trước hạn nữa”.

Khi trả hết nợ ngân hàng và người thân và chi tiêu lặt vặt, anh Thái còn cầm trong tay số tiền khoảng 150 triệu đồng. Cứ nghĩ đây sẽ là số vốn làm ăn sau 3 năm ở Đài Loan về, nào ngờ chưa kịp đi làm lại thì sức khỏe của anh Thái bỗng dưng bị xuống cấp trầm trọng.

{keywords}
 

“Tôi bị thoái hóa cột sống do ngồi quá lâu trong thời gian dài, mắt cận hơn 3 độ. Sau khi về nước trả nợ xong, tôi cảm nhận sức khỏe xuống dốc một cách rõ rệt dù lúc đấy chỉ mới 30 tuổi. Về nước, tôi mất 1 năm để nghỉ dưỡng và điều trị các bệnh lý. Tiền điều trị cũng khá tốn kém, mất cả nửa tỷ đồng nhưng sức khỏe của tôi không thể hồi phục hoàn toàn như xưa được”, anh Thái buồn bã.

Cũng may mắn cho người đàn ông này là có gia đình khá giả hậu thuẫn phía sau. Vì thế toàn bộ số tiền 500 triệu (trong đó đã tính cả 126 triệu tiền thuê nhà mẹ anh cầm giúp 3 năm qua) điều trị bệnh lý thoái hóa cột sống cho anh và nghỉ dưỡng cả năm không đi làm được, bố mẹ anh bỏ ra chi trả hết cho con trai.

“Ngẫm lại tôi vẫn thấy rùng mình sợ hãi. Tôi may mắn như thế nhưng còn nhiều người lại khác. Bởi rất có thể khi cố mua nhà xong, lỡ có sự cố gì không hay xảy ra thì họ có thể lại mất trắng căn nhà và mồ hôi công sức mình đã bỏ ra”.

Khi nhắc tới lời khuyên cho những người đang cố gắng mua nhà khi trong tay chỉ có chưa đến 1/3 số tiền, anh Thái lắc đầu: “Mua nhà thì cần phải cố gắng vay mượn. Nhưng đừng có cố quá, nên đi chậm từng bước vừa sức vẫn tốt hơn là lao tâm lao lực quá nhiều chỉ vì căn nhà”.

Thảo Nguyên