Chị Trần Thị Yến Loan có số vốn đóng góp là 4,5 tỉ đồng, chiếm 45% vốn điều lệ. Trong khi đó, Loan mới tốt nghiệp ĐH hai năm, vẫn còn nợ 30 triệu đồng vay từ ngân hàng.

Xã này không ai có nổi 3 tỉ đồng

Ngày 25-12, Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KHĐT Đà Nẵng cho biết đã rà soát lại các thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho công ty TNHH Thương mại và du lịch Tuệ Dân (công ty Tuệ Dân), tại địa chỉ 148 đường Xuân Thủy (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Các thủ tục đều đúng quy trình và không có bất kỳ sai phạm nào.

Công ty Tuệ Dân đăng ký kinh doanh 8 mặt hàng, ngành nghề trong đó có chăn, gối, nệm cao su ở showroom H.A (nơi được cho là "cấm cửa" khách Việt, chỉ bán hàng cho người Trung Quốc).

{keywords}
Ông Binh, bố bà Loan, sửng sốt khi hay tin con gái có 4,5 tỉ đồng để góp vốn mở công ty

Công ty có hai thành viên góp vốn là chị Nguyễn Hoàng Phú Yên (SN 1990, trú huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và chị Trần Thị Yến Loan (SN 1992, trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, công ty Tuệ Dân có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, trong đó chị Yên đóng góp 5,5 tỉ đồng và chị Loan đóng góp 4,5 tỉ đồng.

Chiều 25-12, PV đã có mặt tại gia đình chị Loan tại thôn Phú Đông, xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để tìm hiểu sự việc.

Bà Nguyễn Thị Trinh, trưởng thôn cho biết, chị Loan là con gái đầu của vợ chồng ông Trần Binh và bà Trần Thị Liên. Loan còn có 1 em trai và một em gái.

“Gia đình họ trước đây thuộc diện cận nghèo của xã. Cả 3 chị em đều học giỏi. Riêng Loan đỗ ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, gia đình phải vay tiền từ ngân hàng chính sách đi học.

{keywords}
Chị Loan

Tôi có biết Loan đã ra trường và đi làm việc nhưng không nắm cụ thể. Loan ra trường rồi thì gia đình ông Binh cũng không còn được hỗ trợ trong diện cận nghèo nữa”, bà Trinh cho hay.

Theo bà Trinh, do vừa làm trưởng thôn vừa kiêm luôn công tác dân vận nên bà nắm rõ gia đình nào có điều kiện trong thôn.

Bà cho hay, ở thôn Phú Đông người dân còn khá khó khăn. Nhiều người đi làm ăn xa ở Đà Nẵng, TP.HCM hay Hà Nội về quê có tí điều kiện nhưng cũng không có trong tay số tiền lớn vài tỉ đồng.

Đại úy Phạm Ngọc Hùng, Trưởng Công an xã Đại Hiệp cũng bất ngờ với thông tin Loan góp gần 4,5 tỉ đồng để mở công ty chuyên bán hàng cho khách Trung Quốc. Ông cho rằng, người giàu nhất xã Đại Hiệp cũng không có nổi 3 tỉ đồng.

“Có thể các anh nhầm Loan với một người nào khác”, Đại úy Hùng phân vân.

Tuy nhiên, ông đích thân tra cứu thông tin theo hồ sơ đăng ký kinh doanh của Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch đầu tư Đà Nẵng thì thông tin hoàn toàn trùng khớp.

“Gia đình đó còn khó khăn lắm. Gia đình họ không làm ruộng. Ông Binh tàn tật từ nhỏ nên chỉ làm được việc nhẹ. Ông ấy mới xin được việc ở xưởng may với lương 3 triệu đồng/tháng. Bà Liên thì bán bánh tráng Đại Lộc, dầu phụng ở chợ chỉ đủ tiền mua gạo ăn.

Em gái Loan là Trần Thị Thu Phượng học xong Cao đẳng du lịch Đà Nẵng đang ở nhà vì thất nghiệp. Loan mà mở công ty bán hàng thì đã nhận em mình đi làm rồi”, ông Hùng nhận định.

Gia đình sửng sốt

Gia đình Loan ở trong căn nhà cấp 4 ở thôn Phú Đông. Ông Binh, cha Loan, đi làm đến 17 giờ 30 phút chiều mới tan ca.

Ông Binh thừa nhận, trước đây gia đình thuộc diện cận nghèo. Bản thân ông thất nghiệp và chỉ phụ vợ việc vặt. Ông mới tìm được việc cách đây khoảng một năm với thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Vợ ông Binh, bà Liên buôn bán ở chợ. Buổi sáng, bà bày hàng bán ở chợ Đại Hiệp còn buổi chiều thì đạp xe đạp về chợ Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ngồi bán.

Ông Binh hoàn toàn bất ngờ, sửng sốt khi chúng tôi đưa thông tin Loan có 4,5 tỉ đồng để góp vốn thành lập công ty.

“Chắc các anh nhầm với ái đó. Con tôi mới ra trường hai năm, đi làm thuê thì lấy đâu ra tiền để mà buôn bán”, ông Binh nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa hình ảnh bà Loan ra thì ông Binh khẳng định đó là con gái mình.

“Nó học khoa tiếng Trung, trường Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng. Tốt nghiệp ra trường nó xin được việc ở Hội An (Quảng Nam) làm bán hàng cho chủ người Trung Quốc.

Mấy tháng trước, nó về thăm nhà thì khoe đã chuyển ra Đà Nẵng làm việc vì công ty đầu tư tiền bạc để mở cửa hàng buôn bán ở đây.

Nó kể cho vợ chồng tôi biết lương tháng của nó khoảng 5 triệu đồng. Mỗi tháng, nó cho vợ chồng tôi 500.000 đồng.

Số tiền lương còn lại nó tích cóp một ít, một ít còn lại trả tiền vay của ngân hàng chính sách xã hội để đi học. Nó còn nợ 30 triệu đồng, em gái nó còn nợ 26 triệu đồng.

Đợt vừa rồi nó mới mua cái xe tay ga chừng 30 triệu đồng, tôi phải đi vay anh chị tôi 15 triệu cho nó mượn mới đủ”, ông Binh kể.

Theo ông Binh, con gái ông không có ai là bạn bè để có thể vay mượn được số tiền lớn như vậy. Gia đình ông cũng không có họ hàng nào giàu có.

“Gia đình tôi có cái sổ đỏ là giá trị. Nếu đem cầm sổ đỏ thì cũng chỉ được 1 tỉ đồng chứ không hơn. Mà sổ đỏ đó tôi vẫn còn cất trong tủ”, ông Binh nói.

Theo ông Binh, trong những lần về thăm nhà Loan có tâm sự về công việc mình đang làm. Loan kể mình bán chăn, đệm bằng cao su. Mỗi tháng nếu bán được nhiều hàng thì sẽ có thêm tiền thưởng.

Loan cũng kể rằng cửa hàng mới ở Đà Nẵng do chủ là những người Trung Quốc đầu tư tiền của để xây dựng (!?).

Chưa kinh doanh vẫn tăng vốn điều lệ gấp 5 lần

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch đầu tư Đà Nẵng cho biết, công ty Tuệ Dân không có vốn đầu tư của nước ngoài theo kê khai tại phòng đăng ký.

Công ty thành lập ngày 5-8-2015 với số vốn điều lệ 2 tỉ đồng, trong đó chị Loan góp vốn 900 triệu đồng.

Tiếp đó, dù chưa khai trương cửa hàng nhưng vào ngày 3-11-2015, công ty này làm thủ tục tăng vốn điều lệ gấp 5 lần lên 10 tỉ đồng và chị Loan góp 4,5 tỉ đồng. Chị Nguyễn Hoàng Phú Yên góp vốn 5,5 tỉ đồng nên làm giám đốc công ty.

Đến ngày 5-12 vừa qua, showroom H.A của công ty Tuệ Dân mới chính thức khai trương, mở cửa phục vụ các đoàn khách Trung Quốc. Tại buổi làm việc với PV ngày 23-12, chị Loan chỉ nhận mình làm nhiệm vụ thu ngân và là người làm thuê.

{keywords}
Chị Loan, áo đen, nhận mình là người làm thuê với vị trí thu ngân trong showroom H.A của công ty Tuệ Dân mà mình có 45% cổ phần.

Theo bà Nguyệt, việc công ty Tuệ Dân không đón khách người Việt Nam là vi phạm Luật doanh nghiệp và Luật thương mại.

“Khoảng 9, điều 8 Luật thương mại yêu cầu thực hiện đạo đức kinh doanh, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, không ảnh hưởng đến văn hóa, văn minh. Người kinh doanh không được làm trái thuần phong mỹ tục.

Người Việt Nam mình không có chuyện mở cửa kinh doanh mà cấm người này, người kia”, bà Nguyệt nói.

PV cũng cung cấp cho bà Nguyệt thông tin về gia thế và nghi ngờ nguồn gốc số tiền góp cổ phần. Tuy nhiên, bà Nguyệt cho biết đây không phải trách nhiệm của phòng đăng ký kinh doanh.

"Khi có phản ánh thông tin đăng ký không trung thực, không chính xác thì Cơ quan công an mà cụ thể là công an kinh tế phải vào cuộc điều tra. Nếu họ xác nhận thông tin phản ánh là đúng thì phòng đăng ký kinh doanh sẽ hủy hồ sơ thành lập công ty”, bà Nguyệt nói.

Theo Trí Thức Trẻ