Việc cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được điều chỉnh theo luật chuyên ngành, được tự do thỏa thuận lãi suất trừ khi NHNN có những điều chỉnh mang tính chất cấp bách, đột xuất sẽ tạo ra một bước chuyển mới, giúp các NH ‘vượt ngưỡng’ khó hiện nay để rộng thêm đường đưa vốn vào cuộc sống.

Bỏ ngưỡng 150%

Tại BLDS năm 2005, quy định trần lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gây ra nhiều hạn chế cho các TCTD. Với quy định này, khi lạm phát tăng cao và chi phí quá lớn thì các TCTD cũng buộc phải nâng mức lãi suất cho vay, nhưng bị luật khống chế.

Ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã ra Nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động theo cơ chế thị trường. Thế nhưng, việc đưa quy định về trần lãi suất vào BDLS (sửa đổi) khiến giới chuyên gia cho rằng đây việc không phù hợp trong việc vận hành lãi suất theo thị trường và xu thế tự do hóa lãi suất.

{keywords}
Các tổ chức tín dụng được từ do thỏa thuận lãi suất

Tại kỳ họp lần này, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp đến từ các đại biểu và ý kiến về vấn đề này. Theo đó, các ĐBQH đã bày tỏ sự ủng hộ việc nên loại các TCTD ra khỏi nhóm đối tượng áp trần lãi suất; đồng thời, để các TCTD được hoạt động theo luật chuyên ngành và chỉ nên áp quy định về trần lãi suất với nhóm tín dụng phi chính thức.

Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, dự thảo có “đuôi” quy định về trần lãi suất của BLDS “sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác”. Đây chính là quy định mở cho các TCTD. Bởi nếu không có phần “đuôi” này, quy định về lãi suất tại điều 468 sẽ được coi là một ngưỡng cản của tiến trình hướng tới tự do hóa lãi suất.

{keywords}

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH cũng cho rằng, việc áp trần lãi suất với các TCTD như quy định tại dự thảo BLDS (sửa đổi) sẽ làm méo mó hoạt động tín dụng. Bởi quy định lãi suất nên để luật chuyên ngành mà ở đây là Luật các TCTD chi phối, thay vì quy định tại Luật Dân sự. Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất tại BLDS đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là hoàn toàn không cần thiết.

Ông Lực phân tích, theo tinh thần của các quy định tại Luật NHNN và Luật các TCTD, hoạt động của các TCTD trong điều kiện bình thường sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện có diễn biến bất thường, NHNN mới xác định cơ chế điều chỉnh phù hợp. Thêm vào đó, NHNN với chức năng là cơ quan quản lý đối với các TCTD, thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, NHNN có thể điều chỉnh mức lãi suất kinh doanh của các TCTD. Lãi suất của các TCTD phụ thuộc vào mục tiêu nới lỏng hay thặt chặt chính sách tiền tệ của NHNN, có những thời điểm lãi suất của các TCTD được nâng lên rất cao để góp phần chống lạm phát. Nói cách khác, lãi suất trong hoạt động NH được điều chỉnh bởi các công cụ chính sách tiền tệ và được cơ quan chuyên ngành là NHNN quản lý theo các quy định của Luật chuyên ngành là Luật NHNN và Luật các TCTD.

Giảm hệ lụy

Đại biểu Trần Du Lịch tán thành quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nên quy định cứng trần lãi suất với các TCTD mà nên để cho luật chuyên ngành điều chỉnh. Bởi nếu quy định cứng nhắc như vậy sẽ gây ra hệ lụy không tốt cho cả các TCTD, DN và người dân.

Theo ông Lịch, các TCTD được điều chỉnh bằng Luật các TCTD và điều chỉnh bằng công cụ NHNN rồi, bây giờ làm luật dân sự lại chi phối sẽ rất dễ gây chồng chéo. Tội cho vay nặng lãi, tức là hành vi ép buộc người dân xảy ra rất nhiều trong thực tế đời sống. Người ta cho vay ngày, cho vay đêm… nhưng chúng ta có áp dụng được luật được đâu. Do vậy, nếu cứ một mực quy định như vậy thì chỉ có hệ thống ngân hàng gặp khó mà chưa chắc chúng ta đã dẹp được nạn “tín dụng đen”.

Vì thế, theo ông Lịch, việc đưa các tổ chức ra khỏi nhóm đối tượng bị điều chỉnh trong điều 468 của BLDS (sửa đổi) là hoàn toàn đúng đắn, bởi tự do lãi suất là xu hướng phát triển chung của toàn thế giới và Việt Nam đã hội nhập thì phải đi theo xu hướng ấy.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, TCTD sinh ra để cho vay, mà cho vay theo dự án. Những dự án nhìn thấy rõ lợi nhuận rồi, khả thi rồi thì có thể lãi suất rất nhẹ. Còn những dự án rủi ro thì lãi suất phải cao hơn, cái đó không bị khống chế bởi những phương án quy định tại BLDS (sửa đổi). Những phương án được nêu tại BLDS chỉ khống chế trong quan hệ dân với dân. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN và hệ thống ngân hàng cũng sẽ tự kiểm soát lẫn nhau...

Trước tính cần thiết của thực tế và ý kiến của nhiều đại biểu về quy định áp trần lãi suất tại BLDS (sửa đổi), Quốc hội đã lắng nghe và tiếp thu những đóng góp về quy định liên quan đến lãi suất ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng, việc Quốc hội quy định rõ “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” sẽ “rộng cửa” cho hoạt động của các TCTD đuợc hoạt động theo luật chuyên ngành là luật Tổ chức Tín dụng và luật Ngân hàng Nhà nước.

Nhờ vậy dịch vụ thẻ của các NHTM, dịch vụ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, hợp tác xã..., có điều kiện phát triển theo nền kinh tế thị trường, qua đó góp phần giúp người dân, DN dễ dàng tiếp cận đến nguồn vốn vay.

Huệ Tâm