Đánh giá về triển vọng kinh tế 2013, đa số các DN khi được hỏi đều bi quan cho rằng không sáng sủa hơn 2012. Niềm tin vào triển vọng phát triển của kinh tế trong thời gian tới đang khá thấp đã khiến DN co cụm, không dám vay vốn, mở rộng kinh doanh.

Cạn niềm tin

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng niềm tin của DN vào triển vọng phát triển của kinh tế VN trong thời gian tới đang khá thấp đã khiến họ không dám đầu tư và không dám vay tiền kinh doanh mới.

Theo bà Lan, mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm từ 14% đầu năm xuống 9%/năm song thực thế hiện nay việc cho vay ra của các ngân hàng khá thấp, dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 10/2012 mới tăng trưởng có 3,36%, điều này có một phần nguyên nhân là do các DN không dám vay vốn để kinh doanh.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, vòng quay vốn đang diễn ra rất chậm. Trong điều kiện bình thường của nền kinh tế, vòng quay tiền trung bình vào khoảng 2,5 lần/năm, nay giảm xuống chỉ còn 1 lần/năm, thậm chí chỉ xấp xỉ 0,9 lần. Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng đình trệ trong sản xuất, kinh doanh.

Vòng quay tiền chậm, theo ông Nghĩa có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng là do lòng tin suy giảm về triển vọng kinh tế. Khi lòng tin suy giảm, DN không dám mở rộng quy mô, thậm chí thu hẹp lại, còn người tiêu dùng cũng tằn tiện trong chi tiêu...

Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), mới đây đã công bố Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 2013 qua góc nhìn của DN hàng đầu" cho thấy, các DN lo ngại triển vọng năm 2013 sẽ không sáng sủa hơn so với năm 2012.

Có tới 55% số DN cho rằng nền kinh tế sẽ không cải thiện nhiều trong năm 2013. Số DN cho rằng tình hình kinh doanh trong năm 2013 sẽ xấu hơn năm 2012 nhiều hơn số DN tin vào điều ngược lại. Tới 2/3 số DN được hỏi tin rằng nền kinh tế sẽ không phục hồi được trong năm 2013. Niềm tin nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2013 đã giảm đi so với thời điểm tháng 8/2012 khi mà có đến 60% đại diện các DN được điều tra cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2013 hoặc sớm hơn.

Tâm lý phòng thủ

Theo bà Lan, con số 40.000 DN đóng cửa và giải thể từ đầu năm đến nay và sẽ còn tăng lên là bất thường và đáng báo động, chứ không đơn giản chỉ là hoạt động đào thải của thị trường.

Tại sao chúng ta đã có các giải pháp cứu trợ DN, nhưng thực tế các DN vẫn phá sản và hoạt động co cụm? Bà Lan cho rằng các gói giải pháp chưa được thực hiện một cách đồng bộ, có giải pháp đúng nhưng không thực hiện đúng các cam kết của các văn bản chính sách. Nói tóm lại, đúng như các DN nhận xét, chính sách hiện nay không đi vào cuộc sống nhiều.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, chẳng hạn như nợ xấu đã được bàn nhiều, song nhiều biện pháp đã bàn đến nay vẫn chưa được thực hiện. Hàng tồn kho vấn đề đau đầu của các DN cũng không có những giải pháp hữu hiệu, trong khi kích cầu tiêu dùng cũng không. Việc áp trần lãi suất đã được nhiều chuyên gia đề cập vào thời điểm nóng bỏng nhất khi lãi suất lên đến 20% thì đến nay mới đang được xem xét. Giảm thuế thu nhập DN, chỉ cứu được những DN đang tiêu thụ được hàng hóa...

Theo tiến sỹ Nguyễn Đại Lai, mặc dù Chính phủ và các Ngân hàng đã đưa ra các gói giải pháp như giảm lãi suất, giảm thuế song hàng loạt DN đóng cửa từ đầu năm đến nay cho thấy các biện pháp này dường như là chưa đủ.

Ngoài sự bi quan về triển vọng của nền kinh tế, các DN còn chỉ ra những thách thức chính sẽ gặp phải trong năm 2013. Đó là bất ổn về môi trường kinh doanh, sự suy giảm về cầu tiêu dùng trên thị trường, giá và nguyên vật liệu tăng. Ngoài ra, là lo ngại về sự biến động trong chính sách quản lý cũng như sự khó khăn trong việc huy động vốn. Đây chính là những vấn đề khiến DN không dám mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food, cho rằng quan trọng nhất hiện nay DN mong chờ những chính sách kịp thời từ phía cơ quan quản lý để ổn định tâm lý người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể có tiền nhưng không dám chi tiêu vì họ không biết kinh tế ngày mai sẽ thế nào. Đây là vấn đề làm đau đầu các DN. Chúng tôi sản xuất nhưng không có ai mua, hàng tồn kho tăng, vốn ứ đọng thì làm gì còn động lực để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Công ty đầu tư và phát triển Văn Lang cho biết, với tình hình hiện nay tiếp tục kéo dài thì nhiều DN nhỏ và vừa sẽ phải sớm rút lui khỏi thị trường vì chưa kịp mở rộng đã bị thuế phí cao và lãi vay cao đè bẹp. Thuế giá trị gia tăng hiện nay được áp 10% tại sao không giảm xuống 5%, ông Ngọc đặt câu hỏi. Thuế này được tính vào giá bán đến tay người tiêu dùng, khi giá cao thì DN không bán được hàng.

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Thúy Đạt (Nam Định), DN sản xuất khăn xuất khẩu cho biết, trước đây DN ông vay vốn của 5 ngân hàng, nhưng giờ chỉ còn vay của 3 ngân hàng và sắp tới sẽ chấm dứt hợp đồng với một ngân hàng nữa. Vì làm còng lưng mà không đủ nuôi ngân hàng, vậy thì làm chi cho vất vả.

Trần Thủy