Trong khó khăn, cắt giảm nhân sự được nhiều DN tính đến đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN dù bán bớt tài sản vẫn cố giữ người. Đối với họ đó là nguồn lực quý phải bảo vệ cho sự phát triển lâu dài của DN.

Phải giữ thợ giỏi

Tại một DN sản xuất ô tô ở phía Bắc, dù đã trải qua một năm 2012 vô cùng khó khăn khi xe bán giảm, dây chuyển phải tạm ngừng sản xuất, lao động luân phiên nghỉ việc… tuy nhiên, DN này vẫn bằng mọi cách duy trì đội ngũ lao động

Cụ thể, không có lao động nào bị mất việc, những lao động tạm nghỉ vẫn không bị cắt lương. Đến tết, lương thưởng vẫn duy trì như mọi năm, tháng lương thứ 13 ngoài ra còn thưởng theo doanh thu, mỗi lao động cũng được hơn 1 tháng lương nữa. Ngoài ra những chế độ an sinh khác như đi du lịch, cưới xin, thai sản... vẫn đảm bảo.

Theo lãnh đạo DN này, 2013 kinh tế vẫn khó khăn, thị trường ô tô chưa thể khởi sắc thì DN vẫn còn vất vả. Tuy nhiên, công ty quyết tâm đảm bảo tốt nhất đời sống cho người lao động, để mọi người yên tâm làm việc để giữ người.

Thực tế, ngay  từ khi quyết định đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao này, DN đã xác định con người là yếu tố quan trọng nhất để làm nên thành công. Người lao động Việt Nam vốn rất cần cù, khéo léo đã là nhân tố quan trọng nhất giúp DN thành công.  Nhiều sáng tạo, nhiều sáng kiến của công nhân Việt Nam nay đã được DN này áp dụng trong hệ thống trên toàn cầu.

Vì vậy, lãnh đạo DN nhấn mạnh, nếu không chăm lo tốt cho người lao động khó có thể thành công.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, giám đốc một hàng ô tô có tiếng trong nước cũng cho biết, dù đã cắt giảm nhiều thứ nhưng không để lao động nào mất việc, lương thưởng vẫn đảm bảo, các chế độ đãi ngộ vẫn giữ nguyên. Thậm chí, trong năm qua đã có 2 lần nâng lương cho người lao động. Ngoài ra là chế độ thưởng cao cho những ai phát huy sáng kiến trong sản xuất.


Vị giám đốc này tâm sự, lao động ngành ô tô đào tạo mất rất nhiều thời gian, công sức. Để một người thợ cơ khí trở nên thạo nghề phải mất 3-5 năm và thậm chí phải gửi ra nước ngoài học, chi phí tới cả chục ngàn USD/ người. Nếu không có những người như vậy thì nhiều vị trí sẽ không có ai đảm nhận và điều này sẽ tác động đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt còn chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau này của DN.

Trong thời gian tới, công nghiệp ô tô tại Việt Nam sẽ phát triển, không chỉ có lắp ráp mà còn cả sản xuất... Nếu không chuẩn bị đội ngũ từ bây giờ thì đến lúc đó sẽ không thể chủ động trong sản xuất. Khi đó mới tìm người, mới bắt tay vào đào tạo thì quá chậm không thể đuổi kịp các DN khác được.  Vì vậy phải tính ngay từ khi xây dựng DN và đã đào tạo được một đội ngũ thợ lành nghề thì cần biết giữ họ bằng mọi cách không thể để mất.

Theo đó, muốn giữ được người, ngoài chế độ đãi ngộ phải tốt, phải tạo ra sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động với DN để mỗi cá nhân đều yên tâm làm việc, yên tâm trau dồi nâng cao trình độ. Đảm bảo sự cạnh tranh trong môi trường bình đẳng để mọi người cùng có cơ hội thăng tiến như nhau.

Chăm lo nguồn lực quý

Ông chủ một DN bao bì cao cấp ở Hà Nội cho biết, năm nay kinh doanh bao bì cao cấp rất khó khăn, DN lao đao nhưng quyết không sa thải nhân cộng.

Để giữ lại những nhân công thiết kế, in ấn… lành nghề, mấy nhiều năm đào tạo, giám đốc đã phải tìm mọi cách có hợp đồng … dù chấp nhận lỗ để có việc nhằm giữ người. Bởi nếu để mất nhân công lành nghề và gắn bó thì lâu dài DN cũng coi như mất nghiệp

Câu chuyện giữ người càng trở nên nóng bỏng trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm...  khi mỗ bận sau tết lại có 30 – 50% công nhân bỏ việc.

Để giữ người , nhiều DN đã xây dựng chiến lược thu hút nhân sự lâu dài. Ngoài mức lương cạnh tranh, chăm lo đời sống hàng ngày thì những ngày lễ, Tết DN đều có những cách tri ân nhân viên rất đặc biệt.

Một DN may ở TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tăng lương, giảm giờ làm, hạn chế tối đa việc tăng ca trong những ngày thường và chấm dứt làm việc ngày chủ nhật...

Khi đưa ra chính sách này, nhiều người đã lo ngại nhưng thực tế đi vào sản xuất thì hiệu quả tăng cao. Do đầu tư và sắp xếp sản xuất hợp lý, người lao động được nghỉ ngơi đúng mức nên năng suất tăng cao, thu nhập cũng tăng nên người lao động rất phấn khởi. Trong năm qua số lao động trở lại làm việc sau Tết lên tới 95%.

Đặc biệt, vào dịp tết, một DN chế biến thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh đã cử lãnh đạo đưa và đón công nhân về tận quê ăn tết, thăm hỏi gia đình người lao động.

Cụ thể, dịp tết này, ngoài các chế độ thưởng, DN lo xe cả hai chiều đi và và về. Dù đa số công nhân ở tân Bắc miền Trung nhưng đích thân giám đốc nhân sự đi cùng đoàn xe đưa công nhân về rồi mới quay về lo tết cho mình. Sau tết, cũng đích thân giám đốc nhân sự ra đón công nhân trở lại.

Đại diện DN cho rằng, tết là dịp đại diện công ty thăm hỏi để người thân của công nhân yên tâm khi thấy con em họ được chăm sóc chu đáo, công nhân cũng thấy gắn bó với công ty hơn. Năm 2013, DN mở xưởng mới, cần thêm khoảng 300 lao động. Vì thế, cần giữ được công nhân cũ và tuyển thêm công nhân mới. Mình chăm lo người lao động tốt thì việc tuyển dụng thêm người mới sẽ dễ dàng từ sự giới thiệu của công nhân cũ.

Theo Hiệp hội Dệt - May Vchế độ đãi ngộ mà DN dành người lao động chưa được quan tâm đúng mức, thì việc họ “dứt áo ra đi” là điều dễ hiểu. Người lao động “nhảy việc” ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất của DN, khi đó DN sẽ phải liên tục tuyển người mới, tốn kém trong đào tạo mà sản xuất không ổn định, sản phẩm làm ra không tốt do số lao động mới vào chưa quen việc... Như vậy tính ra nâng cao đời sống an sinh xã hội để lao động gắn bó không rời bỏ công ty tính ra hiệu quả hơn là cắt giảm lương thưởng khi sản xuất kinh doanh không bị xáo trộn, chất lượng, năng suất cao.

Lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam sẽ không thể kéo dài mãi. Để tăng giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì Việt Nam cần có nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng, trình độ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Muốn như vậy thì ngoài việc đẩy mạnh đào tạo nâng cao tay nghề trình độ, chế độ đãi ngộ dành cho người lao động giữ vai trò quan trọng. Nếu đãi ngộ không tốt người lao động không chuyên tâm cho công việc, chỉ nghĩ đến bỏ đi thì sản xuất sẽ khó phát triển, ngược lại cứ bỏ đi liên tục, người lao động sẽ không có điều kiện nâng cao tay nghề, còn các DN thì chán nản giảm động lực trong công tác đào tạo, cuối cùng tất cả đều thiệt thòi.

Vì thế, dù khó khăn những DN có chiến lược dài hạn đều bằng mọi cách giữ lấy nguồn lực quý nhất là con người để phát triển bền vững.

Trần Thủy