Trong 2 giờ, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi  trực tuyến với bạn đọc về tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt và lý giải nguyên nhân nhiều doanh nghiệp ngoại tạo được niềm tin vững chắc nơi người tiêu dùng Việt.

 

Tháng 7/2009, Bộ Chính trị ra thông báo số 264-TB/TW kêu gọi, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó mức độ tín nhiệm của người dân đối với hàng nội đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, tâm lý tin và chuộng hàng ngoại vẫn thắng thế bởi theo như một khảo sát gần đây, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài.

Giải thích điều này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: có 5 lý do chính khiến người tiêu dùng Việt Nam thiếu lòng tin vào các sản phẩm Việt. Đó là:

-    Thông tin, quảng bá ít, không rõ ràng, minh bạch

-    Sản phẩm thiếu đa dạng, chất lượng không ổn định, không đáp ứng các chỉ tiêu như công bố, thực hiện bảo hành không nghiêm túc

-    Giá cả đắt

-    Chính sách khuyến mại không rõ ràng, thực hiện khuyến mại không nghiêm túc

-    Dịch vụ cung cấp hàng hóa không thuận lợi, nhân viên bán hang ít được đào tạo, tính chuyên nghiệp thấp.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng ưa hàng ngoại do tin cậy chất lượng hàng hóa và nể phục văn hóa sản xuất của các doanh nghiệp đến từ những đất nước này.

Chẳng hạn như các thương hiệu Hàn Quốc đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần Việt Nam nhờ chiến lược kinh doanh tốc độ, liên tục thay đổi mẫu mã, cập nhật công nghệ mới…

Còn người Nhật thành công tạo được ấn tượng “cứ hàng Nhật là tốt, là bền” bất di bất dịch ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, cái tên Honda đồng nghĩa với xe máy hay slogan “nét như Sony” trở thành câu cửa miệng của người Việt. Đó là uy tín "vô đối" về chất lượng của các thương hiệu Nhật với người dùng Việt Nam.

{keywords}
Đại diện VietNamNet tặng hoa ông Hirofumi Kishi, TGĐ công ty TNHH Sapporo Việt Nam

Cội nguồn niềm tin tiêu dùng mà doanh nghiệp Nhật tạo dựng được là nhờ tác phong, cung cách quản lý kinh doanh cũng như quy trình quản trị chất lượng riêng biệt. Triết lí kinh doanh: nói ít, làm nhiều; sản phẩm chất lượng phải được vun trồng từ gốc đã ăn sâu vào từng doanh nghiệp, là cội rễ thành công của các doanh nghiệp này. Như thương hiệu bia lâu đời nhất Nhật Bản Sapporo đã chinh phục cả thế giới vẫn đang tự sản xuất lúa mạch và hoa bia để đảm bảo chất lượng bia thượng hạng và đồng nhất trên toàn thế giới.

Để bàn về thực trạng người Việt yêu hàng ngoại cũng như cách thức mà doanh nghiệp Nhật thuyết phục người dùng, VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến: Vì sao người Việt tin dùng hàng Nhật?

Khách mời:

- TS. Nguyễn Tất Thịnh, Giảng viên khoa Quản lý Nhà nước về Kinh tế, HV Hành chính Quốc gia, Hà Nội

- Ông Hirofumi Kishi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam

{keywords}
TS Nguyễn Tất Thịnh đến tòa soạn VietNamNet giao lưu với bạn đọc

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

SẢN XUẤT TỬ TẾ NHƯ NGƯỜI NHẬT, BAO GIỜ Ở VN?

Lại Mỹ Lệ, Nữ - 35 Tuổi Tôi thấy hàng Việt vẫn kém cạnh vì hàng ngoại lấn án, hàng Trung Quốc thì tràn lan. Ta cũng không thể ngăn cản được hàng TQ độc hại, thiếu an toàn (từ đồ ăn uống đến đồ chơi và nhiều vật dụng hàng ngày) ngày càng nhiều trên thị trường. Ngay cả hàng Việt bị TQ làm giả cũng nhiều. Vậy làm sao mà hàng Việt lên ngôi được?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Trung Quốc được xem là đại công trường sản xuất của thế giới, hiển nhiên là do các lợi thế sản xuất làm nên tính kinh tế quy mô toàn cầu. Hơn nữa TQ là nơi sản xuất ra mọi mặt hàng dân dụng nên bản thân điều đó đã có sức cạnh tranh trên rất nhiều các quốc gia, theo tôi được biết trên 120 nước đều có hàng hóa cuả TQ, và điều đó cũng làm cho hàng hóa nội địa của nhiều nước bị mất thị phần ngay tại nước mình.

Cho nên tình hình hàng hóa VN bị hàng TQ lán át, và tràn lan là điều tất yếu, nhất là trong hoạt động thị trường tự do theo khuôn khổ WTO. Mặt khác TQ cũng bị xem là nơi sản xuất hàng giả nhiều nhất trên thế giới. Điều đó khiến khó khăn hơn cho việc tiêu thụ hàng hóa của các DN nhiều nước và VN không là ngoại lệ. Nhưng đó cũng là mặt trái và điểm yếu của nền kinh tế TQ, chính họ cũng đang nhận ra và tìm cách khắc phục điều này với tư cách là 1 nước lớn trên bản đồ kinh tế chính trị thế giới.

Điều đó khiến cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa TQ cũng sẽ được cải thiện. Các DN VN  chỉ có cách gia tăng chất lượng sản phẩm, tận dụng lợi thế nội địa, liên kết các DN trong nước với nhau để có được chuỗi gia tăng hàng hóa và giảm chi phí sản xuất. Điều đó cũng gắn với ý thức và nỗ lực của các DN VN trong việc khẳng định mình tại thị trường nội địa. Hơn nữa phải có lộ trình xây dựng thương hiệu hàng hóa. 

Trần Hoàng Nhân, Nam - 20 Tuổi Kính gửi chuyên mục, tôi có một câu hỏi thắc mắc rất mong các vị diễn giả giải đáp là: giải pháp nào để nâng cao lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt?

TS Nguyễn Tất Thịnh:  Lòng tin là 1 điều đầu tiên, cũng là điều cuối cùng, khó khăn nhất, thiết yếu nhất trong mọi quá trình giao dịch. Lòng tin có được phải trên cơ sở từ đầu đến cuối bạn chứng minh với đối tác rằng toàn bộ các khâu và công đoạn là đúng cam kết về chất lượng và về mọi điều khác.

Chẳng hạn khởi đầu là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cuối cùng là khả năng của DN bạn đã chuyển đến đối tác những giá trị cam kết như thế nào. Trong sản xuất kinh doanh thì trình độ hoạt động của DN (bao gồm sản xuất, tổ chức và quản lý), tất cả phải chuẩn mực và minh bạch và tiêu chuẩn hóa. Hơn nữa nhìn vào 1 người đại diện, những người của 1 DN phải tạo được lòng tin về nhân cách, văn hóa, sự hiểu biết, các thiện ý trong giao tiếp. Tôi muốn nói rằng, lòng tin là điều bạn phải thể hiện bằng tất cả sự tốt đẹp của mình, bất chấp các lý do và phải đem đến những lợi ích thiết thực, có ý nghĩa lâu dài với các đối tác.

Bản thân việc làm thương hiệu không thôi không thể tạo nên lòng tin đó được. Tôi đã chứng kiến những DN có công nghệ rất hiện đại được nhập khẩu nhưng không thể có được lòng tin của đối tác vì lòng tin là có được từ con người với toàn bộ cách làm việc,  ứng xử của họ trong các hoàn canh khác nhau. 

Quỳnh Hoa, Nữ - 27 Tuổi TS có thể "bắt bệnh kê đơn" cho các căn bệnh về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam? Người Nhật giải quyết các căn bệnh này như thế nào?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Kể từ năm 2006 (bắt đầu VN vào WTO), nhiều DN VN có những căn bệnh như sau: Nền tảng yếu, hệ thống chưa chuẩn mực, liên kết kém, tầm nhìn gần, quản trị tùy tiện, khả năng thay đổi thấp... Về kinh doanh thì mù quáng trong đầu tư, mù mờ trong thị trường, mù màu về nhận định môi trường và hậu quả như chúng ta đã thấy: chất lượng hàng hóa sản phẩm thấp, cam kết khách hàng kém, suy giảm về các nguồn lực, thiếu khả năng phát triển xa. Đặc biệt khi bước vào hội nhập kinh tế toàn cầu thì DN nào muốn tồn tại cũng phải có cách làm ăn bài bản chuyên nghiệp, biến Dn mình hoạt động có chi phí thấp, tin cậy và hiệu quả quy mô. Trong đó khả năng áp dụng KHCN cao găn với chất lượng nguồn nhân lực là quyết định.

{keywords}
TS Nguyễn Tất Thịnh trả lời bạn đọc

Hiện nay, mấu chốt với nhiều DN VN là bảo tồn duy trì và củng cố những giá trị hiện có về tổ chức kênh phân phối, thương hiệu, tài chính. Đồng thời quyết liệt trong việc nhận dạng và điều trị những bệnh tật và hư hỏng nằm ngay trong hệ thống của mình. 

Người Nhật phương châm của họ là "kaizen" nghĩa là đổi mới, cải tiến và nâng cấp không ngừng từ từng khâu đến cả hệ thống, từ từng cá nhân đến toàn bộ tổ chức, từ công nghệ đến các phương thức quản lý... mà cốt lõi là nhận ra những điều bất cập cản trở, bệnh tật và khắc phục nó ngay lập tức. Giảm lỗi và sửa sai là tinh thần chủ đạo, cũng như triết lý cuộc sống vậy, để hay hơn, tốt hơn.

Hong Van, Nữ - 28 Tuổi Từ kinh nghiệm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ về Văn hóa kinh doanh, thị trường, quản trị, marketing, ông thấy văn hóa doanh nghiệp Việt hiện đang ở mức độ như thế nào? Những tồn tại nào trong văn hóa kinh doanh khiến hàng Việt chưa chinh phục được người tiêu dùng?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Có thể nói ngay rằng rất nhiều người có văn hóa và mong muốn tổ chức mình có văn hóa chung nhưng điều đó không có nghĩa là hình thành được văn hóa DN. Nhiều nơi quan niệm rằng: cứ có phương tiện làm việc hiện đại, logo và slogan kêu như khẩu hiệu  của bức tranh cổ động, hội sở hoành tráng là có văn hóa tổ chức. Nhưng đó chỉ là 1 phần nhỏ để có thể làm nên văn hóa DN. Đại bộ phận các DN vừa và nhỏ VN cần phải khắc phục triệt để và mạnh mẽ những rào cản đi đến việc xây dựng văn hóa DN là: kỷ luật tổ chức yếu, quản lý nội bộ kém, tinh thần thái độ làm việc sai lệch, quan hệ nhân sự méo mó....

Theo khảo sát của riêng tôi, ở nhiều Dn có tình trạng làm việc:  thói quen hơn kế hoạch, thuận tiện hơn kỹ năng, cảm tính hơn lý tính, cá nhân hơn tổ chức, quan hệ hơn chuẩn mực, tùy tiện hơn hợp tác... đều là những căn bệnh hiểm nghèo hủy hoại văn hóa DN. 1 số các DN lớn (đặc biệt của nhà nước) tuy có tên tuổi và thương hiệu lớn nhưng hay bị xã hội liên tưởng đến những cung cách và quản lý yếu kém, suy đồi... cho nên cũng khó có thể có được văn hóa DN.  

Hàng hóa sản phẩm của VN  không ngại  là chất lượng còn thấp, không ngại tính năng sử dụng còn ít (bởi thực tế nhiều nước cũng có thể bán được những sản phẩm rất bình thường của họ), mà điều cản trở chính yếu khiến hàng Việt chưa chinh phục được đại số NTD (đặc biệt là ở tầng lớp có khả năng lựa chọn cao) vì những yếu tố phi văn hóa, phản cảm văn hóa trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng nó đến tay NTD (như quảng cáo phản cảm, cách bán hàng chụp giật, vi phạm các cam kết, thái độ của người bán hàng thiếu lễ độ và lịch sự,khả năng sửa sai rất thấp...)

Manh Tuan, Nam - 27 Tuổi Thưa TS Thịnh, tôi thấy có một hiện tượng ở quê tôi, khi mới vào các KCN, rất hay có hiện tượng bỏ việc, ăn cắp vặt. Vấn đề này có liên quan tới quản trị doanh nghiệp và quản trị con người? Vậy quản trị cách nào để tránh hiện tượng này?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Tôi đã có nhiều cuộc khảo sát thực trạng lao động ở các KCN phía bắc và phía Nam, từng có những tiếp xúc trao đổi với các nhà quản trị và người lao động ở các DN nơi đó, nên thấy những nhận xét của bạn là rất thẳng thắn. Thực tế rằng các DN ở KCN thường thực hiện chính sách khai thác, sử dụng lao động tại chỗ như 1 mục tiêu xã hội được khuyến khích. Nhưng các nhà đầu tư và quản trị khá thất vọng , nhiều khi "bó tay" về thực trạng như bạn nói. Đó cũng là 1 trong những nguyên nhân khá nhiều DN không muốn đầu tư tiếp, mở rộng hoặc thoái lui tại địa bàn VN. Nhiều người lao động xuất phát từ nông thôn có nhiều hạn chế trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt bị nhiễm ý nghĩ về tư bản la bóc lột, cộng với cả nhưng thói tật xấu và tệ nạn mắc phải nên đã có những hành vi ăn cắp vặt hoặc rút ruột DN.

Giải pháp là phải tiến hành các biện pháp kỹ càng tròng tuyển dụng, huấn luyện vào môi trường làm việc của DN, đặc biệt là đề cao kỷ luật lao động, giám sát chặt chẽ các định mức vào sản phẩm, và tiến hành kiểm soát ngay từng tổ đôi và quy cách trách nhiệm cá nhân rõ ràng, cụ thể. Tôi muốn nói với việc sai trái thì không được thỏa hiệp, không được lây nhiễm.

Mai Hồng, Nữ - 25 Tuổi Thưa TS Thịnh, cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã có hàng ngàn doanh nghiệp Việt phá sản. Theo ông đâu là lí do của sự phá sản hàng loạt này? Việc phá sản này có liên quan đến chính sách, đường lối quản trị doanh nghiệp hay không?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Cuộc khủng hoang KT bắt đầu từ 2008 đến nay không phải là hàng ngàn mà hơn 100 ngàn DN VN đã lâm vào tình trạng đình đốn, đóng cửa hoặc phá sản. Lý do của việc đó các chuyên gia KT đã từng có những dự báo và cảnh báo từ phương diện kinh tế vĩ mô và cách kinh doanh vi mô. Nhưng tựu lại là: sự thiếu minh bạch của các chính sách kinh tế vĩ mô, hiệu lực quản lý kinh tế của nhà nước thấp gây nên những hội chứng đầu cơ, bầy đàn, mù quáng vì những lợi ích trước mắt. 

Về bản thân các DN thì thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư dàn trải vào những ngành không có lợi thế, sai lầm trong quản lý tài chính, lệch lạc về đầu tư, yếu kém về quản trị, tự phát trong việc tham gia vào thị trường... Hiển nhiên là dù môi trường vĩ mô có phức tạp hay biến động như thế nào thì những người đứng đầu DN chính là những "thuyền trưởng của con tàu DN hội nhập vào biển lớn WTO" phải có tầm nhìn, bản lĩnh, tri thức về tổ chức và quản lý để từ đó hoạch định ra những chính sách mục tiêu cho chính DN mình ứng phó, thích nghi chủ động trong các  lộ trình kinh doanh. Còn khá nhiều các doanh nhân là người "bơi thuyền dũng cảm trên sông hồ" chứ chưa phải là những "thuyền trưởng của con tàu DN đi ra những bến cảng lớn trong quy mô quốc tế". Bởi vậy ngày nay việc quản trị thành công kinh doanh của DN còn phụ thuộc rất nhiều vào tri thức kinh doanh và quản lý trong không gian kinh tế mạng của thế giới. 

Thu Ly, Nữ - 30 Tuổi Ở công ty Việt Nam, khi sếp đã quý ai đó thì trong khi đánh giá nâng lương hoặc thăng cấp thì thường ưu ái người đó hơn. Bên công ty Nhật có hiện tượng này không?

Ông Hirofumi Kishi: Ở Nhật thường không có nét văn hóa doanh nghiệp như  vậy. Chúng tôi thường không có chính sách tuyển dụng nhân viên mới từ những người thân, người quen của những nhân viên đang làm việc. Điều này có nghĩa rằng điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp Nhật Bản đảm bảo tính công bằng cao nhất. Ngoài ra, trong công việc kết quả cuối cùng mới là chỉ tiêu đánh giá chứ không phải là những mối quan hệ giữa các cá nhân.

Đặng Thái Vinh, Nam - 46 Tuổi Hiện nay nhiều sinh viên mới ra trường rất muốn vào làm trong công ty Nhật vì lương cao, trong khi một số người làm cho công ty Nhật 1 thời gian lại "out" ra vì áp lực. Phải chăng nhân lực Việt chưa thể thích nghi được với những áp lực của nền kinh tế phát triển?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Theo tôi được biết, những sinh viên tốt nghiệp mức khá trở lên ở các trường có tiếng thích làm việc trong các công ty Nhật Bản, không chỉ là lương cao mà thực tế sẽ học được rất nhiều về phương pháp làm việc, kỷ luật tổ chức, đối nhân xử thế... Tuy nhiên đó chỉ là những ý thích ban đầu, với những cương vị nhỏ nhưng sau này để tiếp tục làm việc lâu dài và đảm nhiệm những vai trò lớn hơn các bạn phải đạt được lòng tin với những người quản lý và lãnh đạo của Dn Nhật Bản. Điều đó không hề là sự khéo léo trong quan hệ cá nhân mà toàn bộ chất lượng, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh vượt khó và sảng tạo, nỗ lực không ngừng cho mục tiêu chúng của tổ chức. ưĐiều đó nhiều khi vượt quá những "năng lực trần", và "nền tảng văn hóa" của chính bạn. Ví như có người làm việc nhỏ thì tốt, làm việc với ít người thì hay, tiêu món tiền nhỏ thì khôn, đi 1 đoạn đường ngắn thì hăng hái nhưng hơn thế thì thua. Một trong những khả năng để phát triển bản thân là vượt qua khó khăn và chiến thắng những áp lực, và khi qua được, bạn đã là người tin cậy. 

văn chiến, Nam - 19 Tuổi Thưa TS Thịnh, người trẻ Việt khá thích nhảy việc trong khi đó ở Nhật có xu hướng làm việc cả đời. Sự khác nhau này có phải bắt nguồn từ việc nhận, đào tạo và các ưu đãi dành cho nhân viên mới giữa DN Việt và DN Nhật? Sự khác biệt này dẫn đến hiệu quả công việc khác nhau như thế nào?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Trước năm 1995, việc sử dụng nhân sự ở các DN, cơ quan Nhật Bản có khuynh hướng thăng tiến nội bộ và chung thân suốt đời. Cho nên dòng nhân sự ổn định và chuyên môn hóa khá cao. Chính điều đó cũng tạo nên 1 khả năng các DN NHật Bản có điều kiện để thực hiện đào tạo nội bộ và thực hiện các chính sách ưu đãi về nhân sự. Nhưng sau này chu kỳ kinh donah ngắn lại, sự cạnh tranh quốc tế rất mạnh mẽ về nhân lực cho nên khuynh hướng làm việc cả đời của 1 người tại 1 DN ở Nhật Bản đã giảm rất mạnh, không còn là 1 đặc hiệu, đặc thù trong quan trị nhân sự của họj  nữa. Do đó, các DN có cơ hội xã hội hóa nguồn nhân lực,  tạo nên những dòng lưu chuyển nhân sự giữa các tổ chức và các DN với nhau làm hoạt hóa, năng động, chất lượng cạnh tranh nguồn nhân lực mang tính xã hội.

Người trẻ ở VN không hẳn là thích nhẩy việc, nhưng rõ ràng là trình độ đào tạo nhân lực cuarc các trường học nghề, đại học VN chưa đáp ứng được cho người lao động trẻ ra trường có được những kỹ năng và khả năng làm việc thiết yếu nhất. ĐỒng thời rất nhiều DN VN cũng chưa thực hiện có các chính sách nhân sự khuyến khích và ưu đãi, và dài hạn nên tình trạng nhẩy việc của các bạn trẻ là rất phổ biến. Gây ra những hệ quả không ổn định về nhân sự của các DN, đồng thời suy giảm giá trị về lòng tin của các tổ chức khác khi tiếp nhận những người nhảy việc quá nhiều. Dù sao đó cũng là 1 thực tế để các bạn trẻ biết tận dùng từng cơ hội ở từng nơi để nhanh chóng trau dồi khả năng lao động của mình. Cánhân tôi không tin những người sau 30 tuổi nhảy việc 3 lần ở 3 nơi khác nhau. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" và bạn phải tìm được 1 nói và thể hiện sự việc của mình. 

Hong Hanh, Nam, 31 tuổi
Thưa ông Hirofumi Kishi, khi làm việc với người Việt Nam, ông thấy đâu là điểm mạnh và điểm yếu của người Việt? Điểm mạnh điểm yếu này sẽ ảnh hưởng như thế nào với việc quản lý một doanh nghiệp? Và ông sẽ đưa ra lời khuyên gì?

Ông Hirofumi Kishi: Người Việt đặc biệt chăm chỉ, có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi. Do đó, nếu có phương pháp đào tạo phù hợp, chúng tôi cho rằng các bạn sẽ có bước phát triển lớn.

Tuy vậy, do tính chất chung của một đất nước trẻ, nhiều bạn còn thiếu kinh nghiệm và chưa chịu cọ xát thực tế nhiều. Để giúp các bạn có cơ hội thử thách, hãy đừng ngần ngại tạo điều kiện cho các bạn đưa ra ý kiến, đề xuất và tự mình thực hiện nhiều loại công việc. Qua đó, quá trình Kaizen liên tục sẽ giúp các bạn có sự phát triển bản thân mình vững chắc hơn, sau này, cho dù làm việc ở đâu, với ai, các bạn cũng hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình.

Dương Hoàng Thanh, Nam - 37 Tuổi Tôi được biết nhiều hàng thủ công VN đã có 1 thị phần dù không nhiều nhưng cũng cố định ở Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ nét tương đồng giữa những sản phẩm Việt và Nhật Bản?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Tôi đã từng được đến các công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thủ công của Nhật Bản. tại đó, còn có cả những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài. Với toàn bộ sự hiểu biết và quan sát của tôi có thể nói với bạn rằng: mọi mặt hàng thủ công người Nhật đêu có thể sản xuất, hơn nữa nếu nhập khẩu thì họ đã tiếp tục gia công lên 1 trình độ chất lượng và thẩm mỹ rất cao. Hàng thủ công cũng là 1 niềm tự hào của người Nhật về truyền thống văn hóa, về khéo léo trong lao động và tỉ mỉ trong chất lượng, nghệ thuật về phong cách. Nếu có nét tương đồng giữa những sản phẩm thủ công của Việt và Nhật thì đó chính là ý tưởng văn hóa làm nên sản phẩm, được thiết kế bởi những nghệ nhân, có nhiều nguồn gốc từ trong các tích truyện. Nhưng sự khác biệt rất cơ bản mà tôi cảm nhận là sự tinh tế giữa sản phẩm Việt và sản phẩm Nhật rất khác nhau. 

Tôi cho rằng hàng thủ công hiện nay vãn phải kế thừa những truyền thống và cách thức "mang tính thủ công" của chính nó, thổi hồn văn hóa đậm đặc hơn, hơn nữa phải được gia công bởi công nghệ tinh xảo, và được quảng bá trong các chiến dịch văn hóa - thương mại. Hàng thủ công của VN đã có mặt tại thị trường Nhật Bản dù ổn định về lượng và chủng loại nhưng thực ra thị phần rất nhỏ và giá trị thương mại còn rất thấp, do kinh nghiệm xâm nhập vào thị trường Nhật còn yếu, đơn lẻ của từng DN, bằng những hình thức marketing truyền thống và tính sơ chế còn quá nhiều. 

thanh dat, Nam - 42 Tuổi Xin hỏi TS Nguyễn Tất Thịnh, tôi đang quản lý 1 xưởng may nhỏ khoảng 100 công nhân. Do quy mô nhỏ lại mới mở nên công việc còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc quản lý nhân công. Nếu khoán việc thì chưa đủ việc để khoán đủ cho công nhân làm đảm bảo ngày công, nhưng nếu không làm khoán mà khi công việc dồn lại, phải làm thêm giờ thì lại phải trả lương ngoài giờ cho công nhân rất cao, tính tiền sản phẩm công nhân làm với tiền thu về công ty phải bù lỗ. Ông có thể cho chúng tôi lời khuyên trong trường hợp này làm thế nào để vẫn giữ được công nhân, vừa giúp công ty vượt qua khó khăn? Khi công nhân ko hài lòng về mức lương của minh viết chia sẻ trên facebook bôi nhọ công ty. Vậy có nên cho công nhân này nghỉ việc. Ông có thể cho lời khuyên trong trường hợp này nên xử lý thế nào?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Trong trường hợp này của DN bạn, với loại hình may mặc gia công như vậy phụ thuộc thất thường vào đơn đặt hàng của đối tác và số lượng sản phẩm là rất quan trọng thì bạn cứ việc khoán (số lượng và chất lượng gắn với từng kỳ kế hoạch và các định mức đầu vào, đầu ra). Bạn nên có kế hoạch sớm và chủ động để huy động và điều phối nhân công cho phù hợp, đừng khiến người lao động rơi vào tình cảnh bị động trong cuộc sống của họ, và cũng đừng "vắt chanh bỏ vỏ". Tuy nhiên không phải các mức độ cần thiết của mọi người lao động là như nhau và không phải cào bằng về chính sách lương thưởng cũng như cách mà bạn đối xử, đãi ngộ. Phải có những con người ưu tiên, vầ tạo ra những trưởng nhóm không những chỉ giúp bạn điều hành sản xuất tại tổ đội mà còn thay bạn triển khai các chính sách đánh giá lương thưởng cũng như huy động người lao động trong những hoàn cảnh và thời vụ khách nhau (chính họ là những người tuyển dụng xã hội thay bạn) do đó họ phải có những ưu tiên về chính sách. 

Bạn cần phân tích đặc điểm và tần suất sản xuất theo mùa vụ để chia các nhóm nhân công ra các hạng A, B, C (hạng A: thường xuyên, hàng B: thời vụ, hạng C: đặc nhiệm).  Chúc bạn thành công. 

KHÁCH HÀNG THỎA MÃN, ĐÒI HỎI SỐNG CÒN CỦA NSX NHẬT

Văn Chiến, Nam - 29 tuổi
Không ít ý kiến cho rằng: Chất lượng sản phẩm là chìa khóa thành công cho mỗi doanh nghiệp. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Hirofumi Kishi: Tôi hoàn toàn đồng ý rằng chất lượng là mấu chốt tạo nên sự thành công cho một doanh nghiệp. Điều này càng thể hiện rõ nét trong lĩnh vực sản xuất chế biến đồ uống và thực phẩm như công ty chúng tôi. Tôi cho rằng khi xã hội phát triển, con người sẽ dần dần chọn cho mình những sản phẩm có chất lượng tốt để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của mình. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém, chắc chắn rằng doanh nghiệp đó sẽ không thể có được sự phát triển, sự thành công một cách bền vững được.

Ông Hirofumi Kishi: Ở Nhật Bản, chúng tôi có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia JIS nổi tiếng. Tùy từng lĩnh vực, các doanh nghiệp đều phải tuân thủ JIS. Nếu không, họ sẽ bị xử phạt rất nặng và chịu hậu quả về mặt hình ảnh doanh nghiệp trước người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, các hệ thống tiêu chuẩn TCVN đã được ban hành, tuy nhiên do biện pháp chế tài chưa đủ mạnh nên việc áp dụng vào thực tiễn còn chậm và kém hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần có hệ thống kiểm soát, cụ thể là chế tài, đối với các doanh nghiệp trong việc áp dụng TCVN. Một khi các doanh nghiệp tuân thủ tốt các tiêu chuẩn này, chắc chắn rằng người dân sẽ dần tin tưởng hơn, từ đó tạo thêm uy tín cho TCVN.

Minh Loan, Nữ - 27 Tuổi Từ sau sự cố nhà máy điện Fukushima, tôi luôn e ngại các sản phẩm của Nhật nhiễm phóng xạ, liệu các sản phầm có an toàn hay không?

Ông Hirofumi Kishi: Mặc dù sự cố không may đó đã xảy ra, tuy nhiên Nhật Bản với những tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt của mình luôn bảo đảm những sản phẩm cung cấp đến tay người tiêu dùng có chất lượng và độ an toàn cao nhất. Sapporo chúng tôi cũng không phải là ngoại lệ, những sản phẩm bia mà chúng tôi cung cấp tại Nhật Bản cũng như Việt Nam luôn bảo đảm tiêu chuẩn an toàn chất lượng.

{keywords}
Ông Hirofumi Kishi đang giao lưu với bạn đọc VietNamNet

Thu Hà, Nữ - 25 tuổi
Ông có thể chia sẻ về quy trình quản lý chất lượng chung của doanh nghiệp Nhật Bản, và cụ thể là tại Công ty TNHH Sapporo Việt Nam?

Ông Hirofumi Kishi: Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp nói chung và nhà sản xuất nói riêng có quan điểm quản lý chất lượng cực kỳ nghiêm khắc. Trong tất cả các công đoạn sản xuất, doanh nghiệp Nhật bản sử dụng hệ thống ghi chép, lưu lại toàn bộ các dữ liệu liên quan đến sản xuất, sau đó sẽ tiến hành phân tích và tìm ra những điểm cải tiến. Họ lặp đi lặp lại điều đó để luôn đạt được mức độ chất lượng cao nhất có thể.

Đối với Sapporo, những kinh nghiệm quản lý chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt mà chúng tôi tích lũy được tại Nhật Bản hiện đang được áp dụng ngay tại nhà máy bia ở Việt Nam.

Tran Van Hoang, Nam - 32 Tuổi Kính thưa Ông Hirofumi Kishi, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam. Là 1 TGD người Nhật tại VN, Ông nghi như thế nào về câu nói : Giá cả các mặt hàng SX theo Công nghệ của Nhật luôn rất cao - mà câu nói này lại xuất phát từ người chính người Nhật, chứ không phải người Việt Nam.

Ông Hirofumi Kishi: Người Nhật luôn có tính cầu toàn, do đó trong sản xuất người ta vẫn ưu tiên lựa chọn những nguyên vật liệu có chất lượng cao nhất, máy móc thiết bị tốt nhất, đây là một trong những yếu tố làm cho giá thành sản phẩm tăng lên. Thêm vào đó, những sản phẩm này nếu xuất khẩu sang nước ngoài lại phải chịu một mức thuế quan khá cao góp phần đưa giá bán lên cao hơn nữa. Bù lại, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn những sản phẩm này.

Hong Nhung Nữ, 22 tuổi
Trong kinh doanh, người Việt có câu "Chữ tín quý hơn vàng". Tuy nhiên không phải lúc nào người Việt cũng thực hiện được điều đó. Quan điểm về chữ Tín trong kinh doanh của người Nhật như thế nào? Cách người Nhật thực hiện nó? Ông có thể chia sẻ thêm tại Nhật Bản nếu doanh nghiệp vi phạm chữ Tín thì điều gì sẽ xảy ra với họ?

Ở Nhật Bản, việc giữ chữ tín đã trở thành một nét văn hóa, nghĩa là bất cứ ai cũng có ý thức về việc này. Ý thức đó được nuôi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ từ sự giáo dục của gia đình. Trong một xã hội mà ai cũng giữ chữ tín như vậy, nếu có ai không tuân thủ, chắc chắn sẽ rất được chú ý theo hướng tiêu cực. Và như vậy, họ nhanh chóng đánh mất hình ảnh của mình trước mọi người.

Hà Văn Thiêm, Nam, 39 tuổi
Có hay không việc hàng hóa tại Nhật phải đạt được một yêu cầu bắt buộc nào đó về chất lượng? Nếu có, đất nước Nhật Bản mất bao nhiêu thời gian cho việc xây dựng và vận hành các tiêu chuẩn (hàng rào) kỹ thuật đối với các loại hàng hóa?

Ông Hirofumi Kishi: Nhật Bản đã mất nhiều năm để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia JIS. Tiêu chuẩn này rất chi tiết, thực tiễn và khắt khe. Tùy lĩnh vực mà có các tiêu chuẩn áp dụng khác nhau, tuy nhiên các doanh nghiệp đều tuân thủ rất tốt. Nếu vi phạm JIS, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt rất nặng và làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của mình.

Nguyễn Hoàng, Nữ, 21 tuổi
Tại sao Nhật Bản không chú trọng đến thị trường nước ngoài. Theo tôi được biết, rất nhiều sản phẩm công nghệ ở nhật chỉ phục vụ trong nước và không đem ra ngoài

Ông Hirofumi Kishi: Về cơ bản, chúng tôi cho rằng Nhật Bản không có chủ trương như vậy. Hàng Nhật có chất lượng rất cao, do đó giá bán cũng khá cao so với các sản phẩm nước khác. Về mặt này, khả năng cạnh tranh tại nước ngoài sẽ bị hạn chế, do đó một số sản phẩm thường chỉ sử dụng tại Nhật mà ít được phổ biến tại nước ngoài.

VĂN HÓA KINH DOANH NHẬT - ĐẶC SẢN XÂY NIỀM TIN

Vũ Văn Linh, Nam - 24 Tuổi Thưa TS Thịnh, tôi được biết ông từng có những công trình nghiên cứu sâu về văn hóa kinh doanh của người Nhật. Theo ông, những bài học rút ra từ cung cách quản lý kinh doanh của người Nhật là gì? Việt Nam có thể học hỏi và đưa vào thực tiễn ngay bài học nào từ người Nhật?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Văn hóa kinh doanh của các DN Nhật Bản là "đặc sản" trong các tập giá trị làm nên chất lượng sản phẩm và sự thành công của các DN Nhật Bản. Điều này được cả thế giới công nhận và từng người Nhật cũng tự hào. Bản chất của văn hóa đó là: Xem con người là yếu tố quyết định, cách sử dụng và khuyến khích con người là yếu tố số 1, giải quyết tốt các quan hệ giữa con người là yếu tố xuyên suốt. Cả 3 điều đó đều dựa trên nền tảng tinh hoa văn hóa xã hội Nhật Bản: tự cường, tự chủ, tự hào, tự giác, tự tôn... đã trở thành từng giá trị lao động của mỗi người Nhật Bản.

Phương châm văn hóa của các DN Nhật là: vì cộng đồng, không xung đột với thiên địa nhân, theo đuổi những mục tiêu phát triển dài hạn. Từ đó đã chi phối và hướng đạo cung cách kinh doanh của người Nhật: chất lượng là hàng đầu, cam kết là trọng tâm, vì xã hội là xuyên suốt. 

Đương nhiên nên học tập, điều đơn giản dễ ứng là: mỗi doanh nghiệp VN không trì hoãn xay dựng những quy chế về chất lượng sản xuất, về kỷ luật tổ chức, về văn hóa kinh doanh hương tới những giá trị xã hội. Môi người lao động VN hàng ngày nên có thói quan nghĩ việc tốt, làm việc tốt cho cộng đồng từ những việc nhỏ. 

Mai Lan, Nữ, 20 tuổi
Cội rễ thành công của DN Nhật là từ văn hóa, tác phong làm việc; quy trình quản lý chất lượng và quản trị doanh nghiệp. Vậy ông có thể chia sẻ thực tế này từ công ty Sapporo?

Ông Hirofumi Kishi: Văn hóa của Sapporo chúng tôi, tại Nhật Bản cũng như tại Việt Nam, có 2 khía cạnh. Đối với khách hàng: Chất lượng và sự thỏa mãn của khách hàng là trên hết. Đối với nội bộ: Tạo môi trường giúp nhân viên phát triển mình thông qua các phương pháp Kaizen liên tục. Đạt được 2 khía cạnh trên, công ty sẽ tự có bước phát triển nhanh chóng và bền vững.

Lê Hương Lan, Nữ - 43 Tuổi Theo tôi điều làm nên uy tín của những sản phẩm Nhật Bản không chỉ bởi chất lượng mà sâu hơn từ chính cung cách làm việc của họ: nghiêm túc, chính xác, luôn tỉ mỉ. Trong khi đó, nhịp sống ở VN lại ngày 1 hối hả hơn, con người cũng trở nên "xáo xào" hơn. Xin hỏi TS. Thịnh, hiện chính phủ Việt Nam có chính sách nào để thay đổi tác phong, lề lối làm việc? Có cần thay đổi lề lối tác phong ngay từ trong sinh hoạt gia đình?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Đây là câu hỏi rất hay của bạn, không chỉ liên quan về sản xuất kinh doanh mà còn là vấn đề văn hóa, tập quán, xã hội. Văn hóa là nền tảng, là bệ phóng hướng tới sự văn minh và các sản phẩm kinh doanh chính là những biểu hiện của nền văn minh đó. Quan điểm chất lượng đối với các DN Nhật Bản là số 1, là không hy sinh, là không thỏa hiệp, là sống còn, chính điều đó đã làm nên thương hiệu và uy tín của các DN Nhật Bản trên toàn cầu. Rõ ràng là chất lượng được quyết định bởi phương thức sản xuất kinh doanh, trong đó ý thức lao động, tính chuyên nghiệp, sự nghiêm túc và kỷ luật khắt khe trong lao động của con người chiếm vị trí số 1.   

Sự kiện cách đây 3 năm hãng Toyota của Nhật Bản rút về hơn 2 triệu chiếc ô tô trên quy mô kênh phân phối toàn cầu của họ để khắc phục sự cố lỗi chân ga là thể hiện sự nghiêm túc cầu thị và quyết liệt trong việc đảm bảo và cam kết chất lượng.  

{keywords}
TS Nguyễn Tất Thịnh

Nhịp sống ở VN ngày càng hối hả hơn, không phải là lý do để thỏa hiệp hoặc bỏ qua về chất lượng mà càng phải chính xác , kế hoạch hóa, làm tốt từng điều nhỏ , từ mỗi người , từ hàng ngày đối với tất cả những người lao động VN.  Bởi vậy để phát triển, người VN  phải dứt khoát thay đổi những lề lối, tập quán, phong cách, văn hóa để hướng tới thực hiện được những chuẩn mực văn minh của DN, của xã hội... mới mong có kết quả lao động tốt. Tác phong làm việc của người Nhật là khẩn trương, chính xác, cam kết, hướng tới khách hàng , tất cả những điều đó cả thế giới cần học tập, không riêng gì người Việt., không phân biệt tuổi tác và nghệ nghiệp. Trước hết mỗi người phải có lòng tự trọng, tự tôn, tực cường. 

Lê Hồng Sơn, Nam - 24 Tuổi Xin hỏi ông Hirofumi Kishi một câu hỏi ngoài lề. Cách đây vài năm, khi mới đi làm, tôi có một ông sếp yêu cầu nhân viên: bất cứ khi nào sếp bước vào phòng, tất cả nhân viên đều phải đứng dậy và gập mình cúi chào. Ngoài ra còn có quy định, nhân viên không được cãi sếp hay thắc mắc về quyền lợi, kể cả khi công ty trả chậm lương. Vị sếp này nói đây văn hoá công ty ông ấy học từ các công ty Nhật. Tôi chưa từng làm ở công ty Nhật nên không kiểm chứng được điều này. Xin ông xác nhận giùm có đúng không?

Ông Hirofumi Kishi: Nhìn chung, xã hội Nhật Bản có một nét văn hóa đặc trưng đó là tính lịch thiệp và xã giao đặc biệt là đối với khách hàng, điều này tạo nên một ấn tượng tốt đẹp cho người đối diện. Việc chào hỏi là một nét văn hóa của Nhật, do đó trong nội bộ doanh nghiệp Nhật Bản cũng thể hiện điều này. Tuy nhiên, việc tranh luận ngay cả với cấp trên lại là một phong cách làm việc được khuyến khích, đặc biệt là đối với Sapporo chúng tôi. Chỉ có sự trao đổi tranh luận mới tìm ra những phương án công việc tốt nhất, hiệu quả nhất, ngoài ra nó còn giúp nhân viên nâng cao tính chủ động tích cực trong công việc, từ đó phát triển bản thân mình.

Huyền My, Nữ - 21 Tuổi Có câu "một người Việt bằng 3 người Nhật nhưng 3 người Việt Nam không bằng 3 người Nhật'. TS có thể giải thích ý nghĩa của câu này?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Tôi không biết là câu này từ đâu, ai nói, dựa trên những điều tra xã hội học nào. Có thể chỉ là sự ngộ nhận hoặc cách nói vui không chính thống. Tuy nhiên tôi cũng đồng cảm về ý nghĩa thực của câu nói đó rằng về mặt thông minh, trí tuệ, học hỏi các kiến thức mới, sức khỏe, mỗi người chúng ta cũng vốn có nhiều giá trị. Nhưng khi làm việc với nhau, hợp tác làm ăn, sống bên nhau... thì lại bị suy yếu đi năng lực của từng người hoặc là vô hiệu những năng lực của tổ chức, chính là do trình độ tổ chức và quản lý vậy. Hơn nữa còn có 1 nguyên nhân sâu xa về văn hóa cộng đồng: Thiếu tôn trọng tập thể, theo đuổi tính vị kỷ, đề cao cá nhân hơn người khác, cam kết yếu làm việc thiếu kế hoạch, kỷ cương và trật tự của mọi người trong nhóm lớn dễ bị rối loạn thiếu yếu tố của lãnh đạo và chỉ huy.  

Tôi có 1 ấn tượng về người Nhật khi họ nói về thành tựu chung thì dùng đại từ nhân xưng "chúng ta", khi họ nhận lỗi thì dùng đại từ nhân xưng "tôi". Người Nhật luôn đề cao lợi ích Công, mục tiêu chung của tổ chức. Họ tự thấu hiểu trong lịch sử và sự nghèo nàn về tài nguyên, khó khăn về địa lý... nên từ bé đến lớn, từ xưa đên nay, mọi người Nhật đều ý thức cao: sự thành công là do có tổ chức và biết cách làm việc với người khác, đội chữ "tôn trọng" lên đầu trong phương châm ứng xử. 

Nguyễn Vũ Hân, Nữ - 22 Tuổi Thưa TS Thịnh, được biết, ông là người từng học quản trị kinh doanh tại Nhật Bản và đang là chủ tịch HĐQT của một số công ty tại VN? Ông có áp dụng cách thức quản trị của người Nhật vào công ty ông hay không? Điều đó mang lại kết quả như thế nào?

TS Nguyễn Tất Thịnh: Tôi đã từng góp phần xây dựng hệ thống QTKD cho nhiều DN, 1 số ít trong đó tôi là chủ tịch hoặc là thành viên HĐQT. Cho đến nay tôi thuần túy là người tư vân và giảng dạy về các phương pháp xây dựng hệ thống và tái cơ cấu các tổ chức. Tôi luôn luôn học hỏi những tinh hoa quản trị của những DN Nhật Bản và những DN Mỹ nổi tiếng trên thế giới. Cho nên đã từng áp dụng cách thức quản trị của người Nhật với mô hình 7S (strategy: chiến lược kinh doanh - thị trường - xã hội dài hạn/ structure: bộ máy thông minh hiệu quả chất lượng, chi phí thấp/ system: hệ thống hoạt hóa, tiêu chuẩn, tin cậy/ staff: nhân sự chuyên nghiệp và cạnh tranh/ style: các phong cách kết hợp tập trung và dân chủ xuyên suốt là văn hóa/ shooting mark: chuẩn mực về giá trị tinh thần xã hội, tôn ti và kỷ cương nội bộ, sự tôn vinh những cá nhân xuất sắc). 

Nhưng để áp dụng hoàn toàn với đại đa số DN VN là rất khó khăn vì chính văn hóa DN chưa thực được hình thành, nhiều người lao động mang thói xấu vào DN mà không có khuôn thước rõ ràng để họ điều chỉnh và thay đổi tích cực.  Nên điều đầu tiên để áp dụng là phải tạo ra kỷ cương, trật tự, và sự tuân thủ của người lao động với các quy chế của tổ chức. 

Vũ Phong, Nam - 22 tuổi
Kaizen, 5S… là những phong cách quản trị từ Nhật Bản nhưng gần đây cũng được khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Vậy theo ông, làm cách nào để có thể ứng dụng những phong cách ấy một cách hiệu quả vào doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Hirofumi Kishi: Điều quan trọng nhất là phải làm sao để chính từng nhân viên hiểu rõ những lợi ích mà Kaizen và 5S mang lại cho họ. Tức là, nếu khi thực hiện các phương pháp này mà họ nhận thấy công việc của họ trở nên tốt hơn, hiệu quả hơn, được cấp trên đánh giá cao hơn và cuối cùng là được tưởng thưởng xứng đáng thì họ sẽ tự ý thức để thực hiện.

Nếu không, dù cấp trên có ra lệnh, yêu cầu thì mức độ đáp ứng của nhân viên cũng rất thấp, dẫn đến việc áp dụng chỉ mang tính hình thức mà không mang lại hiệu quả thực tiễn nào. Đương nhiên, ban đầu chúng ta cần có những khóa đào tạo cơ bản để nhân viên nắm được nội dung của Kaizen và 5S. Chỉ có hiểu rõ thì mới áp dụng đúng đắn.

Ở Nhật Bản, Kaizen gắn liền với mỗi con người ngay từ thời còn nhỏ. Trong gia đình, cha mẹ, ông bà đã dạy cho con cái cách thức Kaizen liên tục. Sau này, khi vào công ty, sẽ không ai cần dạy nữa mà cần có áp dụng vào công việc mà thôi.

Hồng Minh, Nữ - 26 tuổi
Ở Nhật Bản, việc duy trì mối quan hệ bằng cách gọi điện và hẹn gặp trực tiếp được đánh giá cao hơn rất nhiều so với gửi thư, fax hay email và đó cũng được xem là dấu hiệu của sự tôn trọng đối tác. Đang lãnh đạo một tập đoàn đồ uống lớn tại Việt Nam với hàng trăm vấn đề phát sinh mỗi ngày, ông sắp xếp thời gian như thế nào để vừa chu toàn công việc vừa có thể duy trì mối quan hệ làm ăn của mình?

Ông Hirofumi Kishi: Mỗi công cụ như điện thoại, email, gặp mặt… đều có thế mạnh và điểm yếu riêng. Chúng ta phải biết tận dụng một cách hiệu quả. Ví dụ email tốt và hiệu quả khi cần truyền đạt một vấn đề cho nhiều người và cần để lại ký lục.

Điện thoại sẽ hiệu quả khi cần giải quyết công việc gấp, còn gặp mặt sẽ giúp giải quyết được những công việc phức tạp mà email hay gọi điện có thể không làm được hoặc làm được nhưng kém hiệu quả. Như vậy, khi tận dụng được lợi thế của từng hình thức, chúng ta sẽ có cách giải quyết công việc nhanh chóng và hiệu quả.

Bản thân chúng tôi cũng áp dụng theo cách trên đây và hoàn toàn có thể xử lý được tất cả các tình huống công việc hàng ngày mà không cần phải tất bật quá mức.

Nguyen Phuong Thao, Nữ - 28 tuổi
Nhật Bản là một xã hội luôn nhấn mạnh “Chúng tôi” thay vì “Tôi”. Các quyết định quan trọng thường được thảo luận và chỉ khi có sự nhất trí thì mới được đưa ra. Tuy nhiên là một nhà lãnh đạo, đôi khi trong một số tình huống ngặt nghèo buộc phải đưa ra quyết định nhanh, ông sẽ ưu tiên tự quyết hay chờ đợi một ý kiến thống nhất từ nhóm cộng sự làm việc chung?

Ông Hirofumi Kishi: Nói “Chúng tôi” thay vì “Tôi” đúng là một đặc trưng của người Nhật, khá khác biệt so với các dân tộc khác trên thế giới. Điều này đã trở thành nét văn hóa của xã hội Nhật Bản. Trong công việc, nó càng thể hiện rõ nét hơn với phương châm quản lý Top-Down. Nghĩa là, ý kiến về một vấn đề nào đó thường được đóng góp, chia sẻ từ cả cấp trên lẫn cấp dưới. Trong đó, cấp dưới mới là người chủ động đưa ra đề xuất, ý tưởng của mình một cách thoải mái để hỗ trợ tối đa cho cấp trên khi ra quyết định.

{keywords}
Ông Hirofumu Kishi



Đối với chúng tôi, để ra quyết định một vấn đề nào đó, chúng tôi cần hỏi ý kiến của người am hiểu về nó, am hiểu công việc đó. Chỉ sau khi có ý kiến đóng góp này chúng tôi mới đưa ra quyết định, bởi nó đảm bảo tính chính xác và hiệu quả cao nhất. Nghĩa rằng, chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định khi không nắm thật rõ mình đang quyết định điều gì.

Nếu là công ty quy mô nhỏ, giám đốc thường nắm tường tận các công việc, lúc ấy giám đốc có thể ra quyết định mà không cần hỏi ý kiến người khác. Tuy nhiên, với doanh nghiệp lớn, một người lãnh đạo không thể nắm chi tiết tất cả công việc, do đó để quyết định thì cần phải có ý kiến chuyên môn của người phụ trách.

Minh Trí, Nam - 21 tuổi
“Xin lỗi” là một việc tưởng chừng rất dễ, nhưng thật ra rất khó nhất là khi người đó đang đứng ở vị trí cao trong tổ chức. Không ai có thể thừa nhận mình sai một cách dễ dàng, và nhất là khi họ đang phạm sai lầm ảnh hưởng tới việc kinh doanh chung của công ty. Ông quan điểm về điều này như thế nào?

Ông Hirofumi Kishi: Với người Nhật, xin lỗi là một điều hoàn toàn bình thường. Bởi xin lỗi không phải là thất bại, không phải là bị cấp trên đánh giá thấp… mà đó chính là sự nhìn nhận thẳng thắn vào sự thật để có sự cải tiến cho công việc tiếp theo, rút ra kinh nghiệm cho mình.

Do đó, người Nhật chúng tôi quan niệm rằng, người nào biết xin lỗi là người có ý chí cầu tiến, phát triển mình và sẽ được đánh giá cao. Với chúng tôi, cho dù ở vị trí lãnh đạo, việc xin lỗi vẫn không hề thay đổi bản chất của nó và chúng tôi không hề ngần ngại về điều này.

Hồng Thu, Nữ - 26 Tuổi Ở Nhật thường có chính sách nhân viên trọn đời. Khi sang Việt Nam, các ông có thực hiện chính sách này không? Việt Nam có mức tính thâm niên, còn công ty ông có chính sách gì cho những nhân viên gắn bó lâu năm?

Ông Hirofumi Kishi: Tuyển dụng trọn đời là một đặc trưng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản. Nói như vậy không có nghĩa là VN không có chính sách này, thực ra hợp đồng lao động không thời hạn chính là một trong những hình thức áp dụng trong thực tế của chính sách này. Chỉ có một điều khác nhau là người Nhật thường rất ít khi thay đổi công việc của mình mà thôi. Tại VN, Sapporo vẫn là một công ty còn rất trẻ và chúng tôi đang có những chính sách đãi ngộ tương xứng để người lao động có thể gắn bó với công ty trong thời gian dài. Trong tương lai, chúng tôi sẽ áp dụng những hình thức khen thưởng đặc biệt cho các nhân viên làm việc lâu năm.

Thu Hà, Nữ - 26 Tuổi Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở Nhật, người cha thường đi làm đến 10h tối còn người mẹ thì ở nhà chăm con. Thế các triết lý, quan điểm kinh doanh lại thấm nhuần trong các cá nhân từ gia đình. Vậy người Nhật dành khoảng thời gian nào giáo dục con cái mà hiệu quả lại cao vậy? Ông có thể chia sẻ bí quyết từ bản thân ông?

Ông Hirofumi Kishi: Đúng là người Nhật thường tập trung vào công việc và rất bận rộn trong các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6, tuy nhiên vào cuối tuần họ luôn dành toàn bộ thời gian cho gia đình của mình, trong đó tập trung vào việc giáo dục con cái. Trường hợp của bản thân tôi, các ngày làm việc trong tuần tôi cũng có ít thời gian để gặp mặt toàn bộ thành viên trong gia đình. Trong những ngày này, công việc giáo dục con cái sẽ được vợ tôi chu toàn. Đến cuối tuần, tôi sẽ dành trọn thời gian bên gia đình và trò chuyện với các con.

Manh Tuan, Nam - 27 Tuổi Người Nhật trước khi làm 1 công việc nguy hiểm gì đó thường tổ chức hoạt động dự đoán nguy hiểm (tiếng Nhật gọi là: 危険予知). Xin ông cho biết hoạt động này như thế nào?

Ông Hirofumi Kishi: Các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt coi trọng tính an toàn, trong đó có sự an toàn của người lao động, do dó họ áp dụng phương pháp "K.Y.T" gọi là huấn luyện đào tạo dự báo nguy hiểm. Nghĩa là, tất cả các nhân viên sẽ rà soát lại nơi làm việc của mình để tìm ra những vị trí nguy hiểm, có khả năng gây thương tích. Từ đó, đưa ra giải pháp thích hợp nhất để ngăn chặn sự cố xảy ra.

HÀNG NHẬT 'THẬT NHƯ ĐẾM'

Trần Hoàng Anh, Nữ - 39 Tuổi Tôi thấy hàng "xách tay" thường có chất lượng cao hơn là hàng sản xuất trong nước, ngay cả bia cũng vậy. Xin nhà sản xuất cho biết, liệu Sapporo có chung tình trạng này? Người dùng có nên lùng mua hàng "made in Japan"?

Ông Hirofumi Kishi: Nhà máy Sapporo của chúng tôi tại Nhật Bản và Việt Nam hoàn toàn có cùng trình độ công nghệ, sử dụng cùng loại nguyên liệu được kiểm soát bởi cùng một tiêu chuẩn quản lý chất lượng nghiêm ngặt. Do đó, hoàn toàn không có sự phân biệt chất lượng giữa bia sản xuất tại Nhật Bản và Việt Nam.

Thành Nam, Nam - 45 Tuổi Cung cách làm việc của Nhật Bản, chất lượng hàng Nhật thì đúng là chẳng còn gì phải bàn rồi. Tuy nhiên, hàng sản xuất ở VN liệu có đảm bảo được đúng những tiêu chuẩn khắt khe nhất như ở chính quốc hay lại được thời gian ban đầu lấy uy tín rồi sau đó kệ muốn quản lý sao thì làm?

Ông Hirofumi Kishi: Tôi có thể khẳng định ngay rằng tại Sapporo hoàn toàn không bao giờ xảy ra điều này. Tiêu chuẩn chất lượng mà chúng tôi xây dựng đã được kiểm chứng xuyên suốt trong hơn 130 năm lịch sử và ngày nay tiêu chuẩn đó vẫn đang được áp dụng một cách nghiêm ngặt tại tất cả các nhà máy Sapporo trên toàn thế giới. Bất kỳ trong giai đoạn nào, những sản phẩm không đủ chất lượng cũng sẽ không thể vượt qua được những tiểu chuẩn khắt khe này. Không chỉ là những người lãnh đạo mà tất cả các nhân viên bên dưới đều được đào tạo và thấm nhuần ý thức kiểm soát chất lượng một cách đồng nhất.

Đào Hồng Anh, Nữ - 27 tuổi
Có thể nói, hiện nay trên thị trường đã và đang xuất hiện nhiều các sản phẩm kém chất lượng và bị làm giả. Trước tình trạng đó doanh nghiệp đã làm như thế nào để nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng?

Ông Hirofumi Kishi: Trước tiên, tại nhà máy, chúng tôi quản lý chặt chẽ tất cả các công đoạn, từ nguyên vật liệu đến công nghệ, con người và cả môi trường với tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Nhật Bản để có thể sản xuất ra sản phẩm với mức chất lượng cao nhất có thể.

Tiếp theo, trên thị trường, đội ngũ nhân viên kinh doanh của chúng tôi luôn nắm bắt thông tin thị trường, thông tin về sản phẩm để bảo đảm rằng những sản phẩm đến tay người tiêu dùng là sản phẩm của Công ty Sapporo Việt Nam đã được bảo chứng về chất lượng chứ không phải sản phẩm copy kém chất lượng.

Ngoài ra, trong công tác truyền thông, chúng tôi cũng cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về chất lượng cũng như hệ thống chất lượng của Sapporo, qua đó giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn sử dụng sản phẩm Sapporo.

Nguyen Hoang Ha, Nam, 28 tuổi
Tại Việt Nam có hiện tượng khi các thương hiệu uy tín mở rộng sản xuất bia, người dùng uống và thấy chất lượng bia của cùng một thương hiệu sản xuất ở vùng này không ngon bằng so với vùng khác. Nhật Bản cũng có khái niệm hàng sản xuất cho người Nhật và hàng xuất khẩu ra thị trường các nước khác. Vậy bia Sapporo được sản xuất tại Việt Nam có hương vị giống như bia Sapporo được sản xuất tại Nhật hay tại Âu Mỹ hay không? Liệu người Việt có được uống một loại bia mang “chất lượng nguyên bản” hay chỉ là một loại bia fake, mang thương hiệu Sapporo nhưng với chất lượng kém hơn?

Ông Hirofumi Kishi: Bia Sapporo có cùng một tiêu chuẩn chất lượng trên toàn thế giới. Tại Nhật Bản hay Việt Nam, chúng tôi đều sử dụng cùng một hệ thống công nghệ sản xuất và kiểm soát chất lượng hiện đại như nhau. Trên thực tế, nếu so sánh bia Sapporo tại Việt Nam và Nhật Bản, các bạn sẽ nhận ra rằng không có sự phân biệt nào về đẳng cấp chất lượng giữa hai loại.

Bích Ngọc, Nữ, 32 tuổi
Ngành đồ uống Việt Nam trong những năm qua gặp khá nhiều khủng hoảng về thông tin như: bia có cặn, bia vơi... Kinh doanh tại 40 thị trường, Sapporo có từng gặp những khủng hoảng này. Xin ông chia sẻ bí quyết quản trị tránh khủng hoảng và cách thức xử lý của công ty khi khủng hoảng xảy ra?

Ông Hirofumi Kishi: Sapporo chúng tôi có hệ thống kiểm soát chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Nhật Bản, tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các nhà máy Sapporo trên toàn thế giới. Nhờ đó, chúng tôi hoàn toàn có thể yên tâm trước những sự cố trên đây.

Trong vài trường hợp, sự cố có thể xảy ra ở phạm vi ngoài nhà máy do những nguyên nhân khách quan, khi phát hiện, chúng tôi có hệ thống phân tích cụ thể để nắm bắt rõ nhất vấn đề và đưa ra hướng xử lý.

Nguyen Vu, Nam, 34 tuổi
Honda Việt Nam đã từng bị lên án rất gay gắt về việc thả nổi mức giá xe máy, khiến các head tăng giá lên rất cao so với mức giá đề xuất. Điều tương tự cũng xảy ra ở thị trường bia: khi cứ đến giáp Tết Nguyên đán, giá bia lại tăng vọt? Quan điểm của ông về điều này như thế nào? Sapporo thả nội hay quản lý giá bia trong dịp cận Tết?

Ông Hirofumi Kishi: Trên thực tế, do quy định của pháp luật, nhà sản xuất không thể kiểm soát yếu tố giá cả trên thị trường. Do đó, chúng tôi đứng trên phương diện hợp tác với các nhà phân phối, đại lý… để nắm bắt tình hình giá cả thị trường và có biện pháp kịp thời khi thị trường tăng giá quá nóng.

Mặt khác, sự đảm bảo nguồn cung đầy đủ sẽ giúp Sapporo kiểm soát giá cả trên thị trường tốt hơn, đặc biệt trong dịp cuối năm sắp đến. Qua đó, tạo cho người tiêu dùng sự yên tâm, tin tưởng hơn vào nhãn hiệu Sapporo.

Hoàng Trọng Oánh, Nam - 42 tuổi
Ông có thể giới thiệu sơ nét về bộ máy nhân sự mà ông đang phải quản lý và điều hành? Sapporo Việt Nam có những chiến lược đào tạo, tổ chức nhân sự, đãi ngộ như thế nào để tạo nên một sức mạnh tập thể - điều làm nên niềm tự hào của người Nhật tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới?

Ông Hirofumi Kishi: Công ty chúng tôi đã tham gia thị trường Việt Nam khoảng 2 năm nay. Hiện nay chúng tôi có 10 người là các chuyên gia đến từ Nhật Bản còn lại là khoảng 340 nhân viên người Việt. Công ty chúng tôi có chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực Việt Nam dài hạn hơn so với các cty khác.

Chúng tôi dành từ 5-10 năm đào tạo một nhân viên, đặc biệt là nhân viên phụ trách khối kỹ thuật sản xuất tại nhà máy và nhân viên kinh doanh. Sở dĩ chúng tôi đào tạo hai đội ngũ này lâu dài như vậy vì chúng tôi muốn họ có nền tảng kiến thức vững chắc về kỹ thuật cũng như về kinh doanh, tiếp thị. Qua một quá trình, họ sẽ nhớ và hiểu được các kỹ năng một cách hiệu quả nhất. Khi nhân viên có sự phát triển như vậy thì chắc chắn rằng họ có thể đóng góp tốt cho công ty chúng tôi, ngoài ra, họ sẽ có sự phát triển riêng về năng lực, trí tuệ không chỉ ở công ty hiện tại mà ngay cả các công ty họ cộng tác sau này.

Nguyễn Trần Chung, Nam, 24 tuổi
Xin hỏi ông Hirofumi Kishi, tổng giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam. Thưa ông, trong khi Việt Nam đang là một trong những thị trường tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới hiện nay và rất nhiều hãng bia cùng nhau tranh giành thị phần, Sapporo đã có những bước đi chiến lược nào trong thời điểm hiện nay nhằm tăng thị phần tại Việt Nam?

Ông Hirofumi Kishi: Trong giai đoạn đầu, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng biết đến tên Sapporo và biết rằng Sapporo là một trong những loại bia cao cấp với chất lượng cao nhất đến từ Nhật Bản. Chúng tôi đang tích cực mở rộng các cơ hội uống thử dành cho quý khách hàng, qua đó, quý khách hàng sẽ cảm nhận được chất lượng của Sapporo và dần chọn Sapporo là thương hiệu quen thuộc của mình.

Hoàng Nam, Nam, 34 tuổi
Thưa ông Hirofumi Kishi, Sapporo là thương hiệu bia châu Á bạn chạy số 1 tại Mỹ trong nhiều năm liền. Ông có thể chia sẻ bí quyết của thành công này? Tại thị trường Việt Nam, Sapporo đặt ra mục tiêu như thế nào và sẽ thực hiện những gì để tiến tới mục tiêu đó?

Ông Hirofumi Kishi: Tại Mỹ, Sapporo chúng tôi chính thức thành lập văn phòng vào năm 1984, sớm nhất trong các nhà sản xuất bia Châu Á. Đó cũng là thời điểm mà người Mỹ có xu hướng thay đổi phong cách ẩm thực, chuyển từ thực đơn nhiều thịt sang các loại cá và thức ăn tốt cho sức khỏe. Và đó chính là thời điểm “bùng bổ” của các chuỗi nhà hàng Nhật Bản tại đây. Sapporo chúng tôi đã có mặt đúng thời điểm, mang bia Sapporo vào trong các nhà hàng này, để rồi sau đó dần dần mở rộng sang khác mảng thị trường khác. Cho đến nay, đã gần 30 năm chúng tôi giữ vững thương hiệu bia Châu Á số 1 tại Mỹ.

Tại Việt Nam, mục tiêu của Sapporo là góp phần làm phong phú hơn nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Cụ thể, với việc chọn Sapporo trong các dịp quan trọng như họp mặt, lễ tết, biếu tặng… hay những dịp thông thường khác, chúng tôi mong muốn sẽ mang lại những khoảnh khắc hạnh phúc, vui vẻ nhất cho mọi người. Để thực hiện điều này, một trong những chiến lược giai đoạn đầu của chúng tôi là quảng bá rộng rãi và giúp quý khách hàng có dịp hiểu rõ về Sapporo, về chất lượng cao nhất mà chúng tôi luôn tâm niệm.

Hoang Huong, Nữ, 34 tuổi
Khi sang Việt Nam xây nhà máy, Sapporo có lên kế hoạch chuyển giao công nghệ và đào tạo kĩ thuật cho người Việt?

Ông Hirofumi Kishi: Chúng tôi đã thực hiện việc đào tạo này từ trước đây và hiện vẫn đang tích cực triển khai. Trong thời gian tới, hệ thống công nghệ hiện đại của nhà máy Sapporo hoàn toàn có thể được vận hành bởi đội ngũ nhân viên người Việt.

Vu Hoai Nam, Nam, 33 tuổi
Đầu tư 86 triệu USD xây dựng nhà máy bia Sapporo Việt Nam đúng vào thời gian khủng hoảng kinh tế, dường như công ty Sapporo không chịu nhiều tác động của cuộc khủng hoảng này. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm quản trị vượt bão khủng hoảng của công ty ông?

Ông Hirofumi Kishi: Chúng tôi cho rằng khủng hoảng kinh tế chỉ là một dấu lặng tạm thời. Về lâu dài, Việt Nam vẫn là một đất nước có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cũng như phát triển thị trường bia. Mức tăng trưởng lớn chính là nét hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó có Sapporo chúng tôi.

Nguyễn Hoàng, Nam - 28 Tuổi Được biết, Việt Nam là địa điểm thứ 3 mà Sapporo đặt nhà máy. Ông có thể cho biết tại sao Sapporo chọn Việt Nam mà không phải là bất cứ nơi nào khác?

Ông Hirofumi Kishi: Sapporo đã tìm hiểu thị trường Đông Nam Á trong đó Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu, đặc biệt thị trường bia có quy mô lớn và tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Mặt khác, người Việt Nam rất thích loại thức uống này, đó là những lý do chính mà Sapporo quyết định đặt nhà máy tại thị trường Việt Nam.

Ngô Thu Hiền, Nữ - 28 tuổi
Việt Nam vẫn chưa qua được cơn bão khủng hoảng kinh tế. Trong khủng hoảng kinh tế nếu buộc phải cắt giảm chi phí doanh nghiệp, các doanh nghiệp thường sẽ nghĩ đến việc cắt giảm nhân sự trước tiên. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Hirofumi Kishi: Tôi nghĩ vấn đề này tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi DN. Đối với những cty đang muốn thu hẹp lại, họ không cần lực lượng nhân viên hùng hậu nữa thì việc cắt giảm nhân sự là điều cần thiết. Tuy nhiên theo quan điểm của cá nhân tôi, thay vì chúng ta tính đến việc cắt giảm kinh phí thì chúng ta thử tìm cách làm thế nào để gia tăng hiệu quả công việc bởi điều này sẽ tiết kiệm chi phí một cách lâu dài hơn là cắt giảm nhân sự vì những khó khăn trước mắt.

Ví dụ để nâng cao hiệu suất và tiết giảm kinh phí cho công ty, nếu chúng ta có những chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực của nhân viên một cách hiệu quả, thì khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng của công ty sẽ được tăng lên và lúc đó, hiệu quả công việc cũng sẽ tăng theo với cùng số lượng nhân sự. Nên nhớ rằng, khi chúng ta cắt giảm nhân sự thì thường sẽ tạo cho nhân viên sự không yên tâm bởi họ dễ dàng nghĩ rằng, không biết khi nào sẽ đến lượt mình bị công ty cho thôi việc. Và lúc đó, tình hình công ty sẽ có nhiều bất ổn.

Ngọc Giàu, Nam - 44 tuổi
Là một người nghiên cứu khá kỹ thị trường Việt Nam trước khi chính thức kinh doanh tại đây vào 2010, điều cốt lõi và quan trọng nhất trong kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp mà ông muốn chia sẻ đến đồng nghiệp của ông là gì khi họ cũng có ý định đầu tự vào Việt Nam?

Ông Hirofumi Kishi: Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2007. Như các bạn biết Việt Nam là nước dân số trẻ, do vậy, đội ngũ nhân sự của các bạn cũng rất trẻ và năng động, thông minh, nhanh nhạy. Một công ty khi tuyển dụng lao động tại thị trường này nên làm thế nào để người Việt Nam có đủ điều kiện phát triển các tố chất tiềm ẩn.

Tuy nhiên, đa số các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn đòi hỏi sự thành công trong một thời gian ngắn nhưng họ thiếu kinh nghiệm trong việc truyền đạt, đào tạo kỹ năng để giúp nhân viên đi đến thành công. Đâu đó tôi vẫn thấy nhân viên Việt Nam ngại thử nghiệm và rất sợ sự thất bại, bởi họ nghĩ rằng, thất bại sẽ bị cấp trên khiển trách hoặc bị cho thôi việc.

Do đó, về quản trị DN, tôi cho rằng chúng ta cần làm thế nào để nhân viên được trải nghiệm nhiều, hãy giao cho họ làm thật nhiều theo cách của họ. Đương nhiên trong giai đoạn đầu, thất bại là điều chắc chắn, nhưng đây chính là bài học tạo động lực giúp nhân viên hoàn thiện hơn theo thời gian. Đối với Sapporo Việt Nam, chúng tôi không quan trọng thất bại nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Với đồng nghiệp của tôi những nhà quản trị DN tại Việt Nam, nếu cùng tạo được một môi trương như vậy thì tôi tin rằng chúng ta sẽ cùng gặt hái những thành công trong tương lai.

Vu Ngoc Minh, Nam, 28 tuổi
Khi tìm hiểu về bia Sapporo, tôi thấy báo chí nhắc đến "tinh thần tiên phong" và hình ảnh ngôi sao trên vỏ lon bia? Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Ông Hirofumi Kishi: “Tinh thần tiên phong” đó chính là tinh thần xuyên suốt trong bề dày lịch sử của Tập đoàn Sapporo chúng tôi. Từ năm 1876, chúng tôi là những người tiên phong đi khai khẩn khu vực Sapporo (gọi là Kaitakushi) và lập nên nhà máy bia đầu tiên tại đây.

Ngôi sao màu vàng của chúng tôi là Ngôi sao Bắc Đẩu, một ngôi sao rất đặc biệt: không bao giờ thay đổi vị trí dù bạn nhìn nó ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào. Nó tượng trưng cho tính kiên định, vững chắc trong phương hướng, đường lối của Sapporo chúng tôi ngay từ khởi điểm cho đến hôm nay và cả trong tương lai.

Nguyễn Hoàng Thanh, Nam - 30 Tuổi Tôi được biết ông Hirofumi Kishi là truyền nhân đời thứ 4 của Sapporo vậy ông có dự định hướng con của mình thành truyền nhân đời thứ 5? và ở Nhật Bản có văn hoá cha truyền con nối trong kinh doanh không?

Ông Hirofumi Kishi: Tôi xin giải thích thêm về ý nghĩa của từ "Kaitakushi" đây là những người tiên phong khai khuẩn khu vực Hokkaido ngày xưa và tôi là một trong những truyền nhân của "Kaitakushi" và hiện nay tôi cũng đang thực hiện nhiệm vụ đó - khai phá thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Tôi hiện có 4 người con và tôi đều mong muốn 4 người con của mình đều tiếp tục kế thừa tinh thần "Kaitakushi" này.

Trần Trung Lĩnh, Nam - 40 Tuổi Tôi có nghe nói là có trường hợp thương hiệu bia khác tại Việt Nam thu gom nhầm vỏ chai của Sapporo & dán nhãn của mình cho đợt sản xuất tiếp theo? điều này thực hư thế nào? và tại Sapporo có khi nào xảy ra tình trạng tương tự hay không?

Ông Hirofumi Kishi: Đúng như thông tin của bạn đã nêu, chúng tôi cũng đã phát hiện một vài trường hợp sản phẩm bia Tiger sử dụng nhầm chai của Sapporo. Tuy nhiên, tại nhà máy chúng tôi điều này hoàn toàn không bao giờ xảy ra, bởi vì tất cả các chai rỗng trước khi đưa vào sản xuất đều được kiểm tra từng chai một. Nếu có chai lạ nào lọt vào hệ thống sẽ phát hiện ra ngay lập tức.

Tra Vinh, Nam - 33 Tuổi Chất lượng bia ngon phụ thuộc vào nguồn nước. Nguồn nước của 3 nhà máy Sapporo chắc chắn khác nhau. Làm cách nào mà Sapporo giữ được hương vị đồng nhất của bia trên toàn cầu? Việc bảo vệ nguồn nước để phát triển lâu dài được tiến hành như thế nào?

Ông Hirofumi Kishi: Tại Sapporo chúng tôi có hệ thống phân tích và xử lý nguồn nước đầu vào trước khi đưa vào sử dụng. Kết quả đầu ra của nguồn nước này phải đạt tiêu chuẩn chung mà tập đoàn Sapporo thiết lập. Do đó, mặc dù có sự khác nhau về nguồn nước ban đầu nhưng với công nghệ xử lý của chúng tôi, chất lượng nguồn nước đưa vào sử dụng sẽ được bảo đảm tính đồng nhất. Hiện nay, ở Long An chúng tôi sở hữu một nguồn nước ổn định với các thông số lý hóa đạt yêu cầu và phù hợp cho sản xuất bia.

Anh Đào, Nữ - 25 Tuổi Xin được hỏi ông Hirofumi Kishi, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sapporo Việt Nam. Hiện nay chi phí sản xuất tại VIệt Nam rẻ hơn Nhật Bản, vì thế Sapporo có kế hoạch xuất Bia được sản xuất tại Việt Nam sang tiêu thụ ở thị trường Nhật Bản hay không ?. Câu hỏi thứ 2: Hương vị của Bia sản xuất tại Việt Nam, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam có khác với hương vị bia được sản xuất ở Nhật hay không ?

Ông Hirofumi Kishi: Đúng là chi phí sản xuất tại VN thấp hơn Nhật Bản tuy nhiên nếu xuất khẩu sản phẩm bia từ VN sang Nhật thì chúng ta còn tốn nhiều chi phí khác như vận chuyển, thuế quan... Do đó, giá thành khi đến Nhật Bản cũng có thể không khác nhiều so với sản phẩm nội địa Nhật Bản. Vì vậy, trước mắt chúng tôi chưa có kế hoạch xuất khẩu sang Nhật Bản, tuy nhiên chúng tôi đã đưa sản phẩm bia sản xuất tại VN sang hơn 10 quốc gia tập trung tại khu vực Châu Á.

Thuy Giang, Nữ - 30 Tuổi Khi khai thác thị trường Việt Nam, Sapporo có lên kế hoạch đóng góp ngược lại cho cộng đồng nơi Sapporo đặt nhà máy cũng như cho xã hội Việt Nam? Nếu có trong 2 năm qua Sapporo đã thực hiện những gì?

Ông Hirofumi Kishi: Về mục tiêu dài hạn chúng tôi mong muốn sẽ góp phần làm phong phú nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam thông qua các sản phẩm của mình. Trong từng giai đoạn, chúng tôi đều có kế hoạch đào tạo cho đội ngũ nhân viên Việt Nam về kiến thức, kỹ năng liên quan đến sản xuất, kinh doanh cũng như quản trị doanh nghiệp thông qua đó góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực Việt Nam. Mặt khác, bảo vệ môi trường cũng là một khía cạnh mà chúng tôi cực kỳ quan tâm điều này thể hiện qua nhà máy mà chúng tôi đã xây dựng có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao nhất. Ngoài ra, chúng tôi đang chuẩn bị khởi động một Quỹ học bổng Sapporo dành cho các sinh viên xuất sắc của Việt Nam.

Tran Thanh Tra, Nữ - 22 Tuổi Có quan điểm cho rằng, nhiều DN Việt thất bại vì chi quá ít cho nghiên cứu thị trường. Ở Nhật, mức chi phí nghiên cứu thị trường với 1 công ty chiếm khoảng bao nhiêu %? Trước khi sang Việt Nam, Sapporo đã nghiên cứu thị trường trong bao lâu?

Ông Hirofumi Kishi: Công ty Nhật luôn định hướng phát triển lâu dài và bền vững, do đó họ luôn có một kế hoạch điều tra thị trường cực kỳ nghiêm túc và chi tiết. Đối với Sapporo thì trước khi đến Việt Nam chúng tôi đã trải qua gần 2 năm tìm hiều thị trường, tiếp đến trong công tác thăm dò thị hiếu của người tiêu dùng chúng tôi cũng đã cần đến 1.5 năm mới nắm bắt được đầy đủ đặc trưng thị hiếu của thị trường. 

Vũ Văn Giàu, Nam - 23 Tuổi Thưa ông Hirofumi Kishi, để có thể vào làm việc ở công ty Sapporo Việt Nam, một người lao động cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì?

Tuấn Anh, Nam - 26 Tuổi Ông có thể nói rõ hơn về công nghệ Fresh keep? Tôi không tin lắm về việc công nghệ Fresh keep sẽ tạo ra một loại bia ngon hơn bởi tôi cho rằng mỗi loại bia đều có bí quyết tạo ra hương vị độc đáo riêng của mình

Ông Hirofumi Kishi: Dĩ nhiên mỗi hãng bia đều có những bí quyết, công thức riêng để tạo ra hương vị đặc trưng của mình. Tuy nhiên, tại Sapporo bên cạnh những yếu tố này chúng tôi còn phát triển ra công nghệ Fresh Keep độc quyền để góp phần nâng cao chất lượng và mùi vị của bia. Fresh Keep làm một công nghệ giúp hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa nước bia và không khí trong tất cả các công đoạn sản xuất, nhờ đó bia sẽ giữ được mùi vị và hương vị thơm ngon trong thời gian dài.

Lê Vũ, Nam - 31 tuổi
Ông đánh giá thế nào về thị trường bia Việt Nam và xu hướng uống bia của người tiêu dùng Việt Nam?

Ông Hirofumi Kishi: Việt Nam là thị trường có lực lượng dân số trẻ chiếm rất lớn. Tốc độ phát triển kinh tế cao cũng là một thế mạnh của Việt Nam. Đối với thị trường bia, văn hóa Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với loại thức uống này. Người Việt Nam đặc biệt thích uống bia. Thị trường bia cũng đang có sự tăng trưởng đáng kể, và mức tăng trưởng đó vẫn tiếp tục trong tương lai và đó là điều không phải bàn cãi.

Trần Ngọc Hòa, Nam - 29 tuổi
Hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng bức bối tại Việt Nam, và thực tế đã có nhiều thương hiệu nước ngoài sang Việt Nam đầu tư vướng phải những vụ tai tiếng về môi trường. Ông có thể chia sẻ quan điểm về điều này? Và chia sẻ giải pháp xử lý & bảo vệ môi trường tại Sapporo (thế giới & Việt Nam).

Ông Hirofumi Kishi: Vấn đề môi trường không chỉ của riêng Việt Nam mà là vấn đề có tính toàn cầu. Tại Nhật Bản cách đây hơn 40 năm, chính phủ và doanh nghiệp đã triển khai các công tác bảo vệ môi trường một cách tích cực. Tại Sapporo chúng tôi ở Nhật Bản cũng như Việt Nam, chúng tôi xây dựng một nhà máy thân thiện với môi trường và chú trọng đầu tư cho các hệ thống xử lý nước thải, tái chế rác thải… Hiện tại, nước thải của chúng tôi sau khi xử lý còn sạch hơn cả nước sông tự nhiên.

Ngoài ra, trong vấn đề bảo vệ môi trường, việc đào tạo và giáo dục nhân viên cũng rất quan trọng. Chúng tôi hướng dẫn cho các bạn nhân viên về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường mà Sapporo đang thực hiện. Thông qua đó, không chỉ trong phạm vi nhà máy mà trong cả cuộc sống của họ về sau này, ý thức bảo vệ môi trường của họ sẽ được nâng cao hơn.

Vũ Văn Minh, Nam - 54 Tuổi Tôi ở Thái Bình. Tôi đang là nhà phân phối cho sản phẩm sữa và hàng gia dụng. Tôi mới biết tới bia Sapporo và muốn trở thành nhà phân phối tại Thái Bình cho sản phẩm này. Điều kiện trở thành nhà phân phối của công ty là gì? Tôi có thể tìm kiếm thông tin thêm ở đâu?

Ông Hirofumi Kishi: Hiện nay, tại thị trường phía Bắc chúng tôi đang tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu tại Hà Nội. Trong thời gian tới sau khi người tiêu dùng Hà Nội đã biết đến Sapporo một cách rộng rãi chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng khu vực kinh doanh sang các tỉnh thành khác. Về điều kiện của nhà phân phối, chúng tôi cũng không thiết lập những yêu cầu nào đặc biệt chỉ cần đối tác là người quan tâm và tin tưởng vào sản phẩm Nhật Bản.

Ông Hirofumi Kishi: Sapporo Việt Nam luôn chào đón những ứng viên có 3 đặc trưng sau:

  1. Bạn là người phải thích bia.

  2. Bạn mong muốn học tập những nét văn hóa doanh nghiệp hiện đại của công ty Nhật, từ đó tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân mình.

  3. Bạn mong muốn làm việc lâu dài với công ty.

Vũ Tiến Thành, Nam - 25 Tuổi để vào làm ở công ty Nhật tại Việt Nam, cần những điều kiện gì, tiếng Nhật có phải là điều kiện bắt buộc? cụ thể tại Sapporo Việt Nam có tuyển dụng sinh viên mới ra trường?

Ông Hirofumi Kishi: Tiếng Nhật không phải là điều kiện bắt buộc để vào làm việc tại Sapporo VN, tuy nhiên tùy vị trí công việc có thể yêu cầu biết thêm tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Chúng tôi đánh giá ứng viên thông qua sự nhiệt tình, năng động cũng như bản lĩnh mà họ thể hiện. Do đó, cho dù là sinh viên mới ra trường nếu các bạn đáp ứng được những yếu tố này chúng tôi sẽ luôn hoan nghênh các bạn đến với Sapporo VN.

Nguyễn Kiên Trung, Nam, 30 tuổi
Tôi được biết đến cái tên Sapporo qua thương vụ đội bóng Sapporo Nhật Bản mua lại cầu thủ Công Vinh của Việt Nam. Liệu đây có phải chiến lược marketing của công ty Sapporo để tên thương hiệu trở nên quen thuộc với người dùng Việt?

Ông Hirofumi Kishi: Tại Nhật Bản, Sapporo Breweries Ltd. là một trong những nhà tài trợ cho CLB Consadole Sapporo. Chúng tôi có cùng tên gọi vì cùng là tên địa danh - Thành phố Sapporo, tuy nhiên là hai đơn vị hoàn toàn độc lập. Cũng giống như Sài Gòn các bạn, có nhiều tổ chức, đoàn thể cùng lấy cái tên của thành phố làm tên của mình vậy. CLB Consadole cần cầu thủ giỏi để bổ sung cho đội bóng nhằm hướng tới mục tiêu lên hạng. Và với tư cách nhà tài trợ, Sapporo Breweries Ltd. ở Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ việc tìm kiếm thêm cầu thủ giỏi cho đội bóng, cho dù đó là cầu thủ nào.

Thành Đức, Nam - 36 Tuổi Giá thành Sapporo vẫn cao so với mức thu nhập trung bình. Sapporo có bao giờ nghĩ đến chuyện hạ giá để hút khách?

Ông Hirofumi Kishi: Sapporo chúng tôi đến Việt Nam và định vị sản phẩm của mình ở phân khúc cao cấp, tuy nhiên chúng tôi mong muốn rằng không chỉ những người có thu nhập cao mà tất cả người tiêu dùng Việt Nam đều có điều kiện sử dụng sản phẩm Sapporo. Có thể đối với những người chưa có điều kiện sử dụng Sapporo hằng ngày do giá thành cao, tuy nhiên chúng tôi mong muốn rằng trong những dịp đặc biệt như lễ, tết, họp mặt... Sapporo sẽ được chọn lựa để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

Chung, Nam - 36 Tuổi Tôi biết đến thương hiệu Sapporo đã lâu nhưng lại không thấy bán phổ biến. Như tôi ở khu vực Hoàng Mai, hỏi mấy đại lý gần nhà thì đều lắc đầu. Phải chăng Hương vị đồng nhất của Nhật Bản "kén" người uống đến thế?

Ông Hirofumi Kishi: Với chiến lược phát triển thị trường của chúng tôi, khu vực Hà Nội hiện chỉ có một số điểm bán có sản phẩm Sapporo như các nhà hàng Nhật, nhà hàng cao cấp của VN, sân golf... Để phát triển rộng rãi hơn tại khu vực này chúng tôi cần thêm một ít thời gian nữa để triển khai như đã từng làm ở TP.HCM. Hy vọng rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, ngoài TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ, người tiêu dùng Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc sẽ tìm thấy Sapporo tại các hệ thống phân phối phổ biến.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi của bạn đọc gửi đến quá lớn, nên nhiều câu hỏi chưa được các khách mời giải đáp. VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị bạn đọc đến các chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn!

VietNamNet