- Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng liên kết 4 nhà được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát dòng vốn, tháo gỡ khó khăn tồn kho vật liệu xây dựng và BĐS.

Khai thông vốn

Theo Bộ Xây dựng, qua rà soát của 47 địa phương đã có 287 dự án tạm dừng với diện tích đất 14.819 ha, chiếm 14,5%, diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 4.395 ha. Các dự án tạm dừng chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ tín dụng NHNN cho rằng, thị trường BĐS đóng băng là do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau: người dân không dám đóng tiền tiếp vì e ngại mua nhà trên giấy, nhà thầu không dám ứng trước vật tư nhân công, NH không dám giải ngân... dẫn đến nợ đọng dây dưa tăng cao.

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, dòng tiền đang bị tắc nghẽn. Nhiều dự án BĐS đang trong tình trạng dở dang do thiếu nguồn vốn để triển khai tiếp.

Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, sự dịch chuyển của hàng hóa (vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào) và sự dịch chuyển của lượng tiền tệ (tín dụng, tiền đầu tư, tiền đặt cọc) tuy tách biệt nhưng lại là hai mặt của một đồng tiền và đáng lý phải gắn bó rất mật thiết với nhau. Những năm gần đây, hai khâu này càng ngày càng tách rời nhau ra và gây nên khủng hoảng trong lãnh vực xây dựng và thị trường BĐS. Hàng hóa ứ đọng, không có người mua, hay mua mà không được thanh toán.

{keywords}

Trong lúc thị trường khó khăn, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng do Ngân hàng xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh liên kết với các ngân hàng thương mại bơm ra thị trường sẽ tháo gỡ khó khăn về vốn, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí; tạo điều kiện cho các DN đang có nợ quá hạn có thể vay vốn, giúp dự án có đủ vốn để triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Theo Vụ tín dụng NHNN, 8 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình liên kết 4 nhà là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (Vietinbank), Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHBank), Xây dựng Việt Nam (VNCB), Sài Gòn Hà Nội (SHB) và Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank). Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được giao làm đầu mối.

Trong chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho vay thương mại và sản xuất, VNCB dự kiến cung ứng khoảng 10 nghìn tỷ đồng tín dụng ngắn hạn cho VLXD và được quay vòng trong năm 2014. VNCB sẽ ký kết hợp tác triển khai chương trình với các Ngân hàng liên minh cung ứng vốn như MBBank, OceanBank, SCB, Nam Á Bank, VP Bank, HD Bank,...

Nắn dòng tiền đúng địa chỉ

Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho biết, điểm ưu việt của chương trình là tất cả các bên tham gia (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng SX VLXD - Ngân hàng) cùng ký kết trên 1 hợp đồng; nhiều ngân hàng TM cùng tham gia tài trợ các doanh nghiệp trong chuỗi.

Trong chuỗi liên kết, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, kết nối cùng các Ngân hàng TM cung cấp nguồn vốn. Trong khi đó, Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh VLXD, trang thiết bị nội ngoại thất..

{keywords}

Việc đáp ứng nhu cầu VLXD trong chuỗi được thực hiện thông qua Nhà Tổ chức chợ/sàn mua bán VLXD với các dự án khả thi, Nhà sản xuất được cho vay không nhất thiết cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng VLXD cung ứng cho công trình, phương thức trả chậm, các NH chủ động tiếp cận DN, các doanh nghiệp có khoản nợ ở các NH khác được khoanh nợ và tiếp tục cho vay theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ tín dụng NHNN cho rằng, đây là động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đang dở dang, tăng cường hợp tác của các tổ chức tín dụng trong quản lý dòng tiền, củng cố lòng tin, tín nhiệm trong kinh doanh, giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lặp, tăng cường công khai minh bạch trong cho vay đầu tư xây dựng.

Theo ông Hiếu, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng đã thiết kế một cơ chế hợp lý để nối kết hai khâu hàng hóa và tiền tệ/tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ, và cuối cùng kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các sản phẩm BĐS cũng như giúp tiêu thụ những sản phẩm này qua những chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia chương trình.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, mô hình liên kết 4 nhà là hướng đi triển vọng của thị trường BĐS. Bộ Xây dựng sẽ xem xét thúc đẩy mô hình liên kết đi theo hướng này.

Để củng cố lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng/bất động sản, vai trò của các NHTM đóng vị trí quan trọng nhằm giám sát quá trình vận động dòng tiền trong chuỗi liên kết, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng.

Theo ông Phan Thành Mai, ngân hàng chỉ cho vay trên một hợp đồng, tài khoản của các bên được mở tại ngân hàng. Như vậy sẽ đảm bảo được dòng tiền đi vào đúng công trình, dự án không bị sử dụng sai mục đích. Nếu sai thì ngân hàng lập tức phong tỏa tài khoản, ngừng cấp vốn.

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, mô hình liên kết "4 nhà" sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công, dẫn đến cả 3 nhà: chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng đều nợ ngân hàng và nguy cơ dẫn đến nợ xấu rất cao"

Đại diện Vụ tín dụng cho rằng, mô hình liên kết 4 nhà hiện nay mà ngân hàng đang thực hiện chỉ là mô hình đơn khép kín trong một NH. Trong khi đó trên thực tế các "nhà" có mối quan hệ tín dụng tại nhiều tổ chức tín dụng khác nhau. Vì thế NHNN đã chỉ đạo triển khai sản phẩm liên kết 4 nhà trong đó các NH phải cùng nhau liên kết với các nhà đầu tư nhằm quản lý chặt chẽ dòng tiền.

Duy Anh