Nhằm kéo giảm dòng di cư ra nước ngoài "chui" của cán bộ cấp tỉnh, chính quyền Trung Quốc (TQ) thu hồi hộ chiếu của họ, không cho họ xuất cảnh. Hậu quả là các công ty du lịch bị giảm lượng khách.

Hồi tháng 6, chính quyền nhiều tỉnh ở TQ bắt đầu thu hồi hộ chiếu của cán bộ địa phương, và nhiều "quan trần trụi" bị điều tra.

"Quan trần trụi" là từ để chỉ các cán bộ đã đưa vợ con ra nước ngoài định cư, đem theo tài sản, phần họ chẳng có gì.

Tấm hộ chiếu như phao cứu sinh

Trong 20 năm qua, số "quan" này ngày càng tăng ở TQ. Cũng đã xảy ra nhiều quan chức trốn luôn, không hồi hương. Từ cuối năm 2008, nhiều cán bộ đã bị thu hồi các loại giấy tờ xuất cảnh.

Tỉnh Chiết Giang yêu cầu cán bộ từ cấp phó trở lên, cùng cán bộ sở công an, tư pháp, viện kiểm sát phải nộp chiếu cho chính quyền tỉnh cùng giấy phép xuất - nhập cảnh vào Hồng Kông và Macau.

Hồi tháng 9.2001, chính quyền thành phố Thượng Hải cùng các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông và Phúc Kiến, đều bắt đầu "săn" các cán bộ trốn ra nước ngoài và có những biện pháp ngăn chặn cán bộ "vượt biên".

Gần đây, chính quyền Quảng Đông phát hiện 1.000 "quan trần trụi". Nhưng dù bị dọa cách chức, chỉ có 200 "quan" chịu đem vợ con trở về TQ.

{keywords}

Một công dân TQ cầm hộ chiếu chuẩn bị xuất cảnh

Cựu nhà báo Zhu Xinxin nay là nhà báo tự do, nói với báo Epoch Times, rằng khi có quá nhiều "quan trần trụi" và "quan vượt biên", Đảng Cộng sản TQ đang bị thiếu cán bộ trầm trọng: "Đó là lý do tại sao có chủ trương mới là thu hồi hộ chiếu của cán bộ. Đó là một yếu tố tâm lý vì sợ hãi".

Zhu nói: "Các cán bộ xem tấm hộ chiếu như là phao cứu sinh. Nay "phao cứu sinh" cũng bị kiểm soát. Họ không thể trốn thoát được nữa".

"Trên" cho phép mới được "du hí"

Chuyện cấm "đầy tớ nhân dân" đi nước ngoài một cách "vô tư" đang diễn ra ở nhiều nơi tại TQ. Một nhân viên công ty du lịch nọ ở Thâm Quyến chuyên về tổ chức du lịch Mỹ và các nước châu Âu, cho biết "nói chung là cán bộ bị cấm đi nước ngoài theo ý muốn".

Ngay cả khi là khách du lịch nước ngoài, họ cũng phải làm "đúng quy trình" xin phép. Chỉ không cấm các chuyến thăm nước ngoài được tài trợ công khai.

Một trong các hậu quả trực tiếp của chủ trương mới này là các công ty du lịch mất số lượng khách đáng kể.

Một quan chức cấp vụ ở Changchun (tỉnh Cát Lâm) nói chính quyền đã ra thông báo, lưu ý các cán bộ phải báo cáo thủ trưởng để được phép xuất cảnh ra nước ngoài, bất kể họ tính đến nước nào. Nhưng các cán bộ địa phương có thể giữ hộ chiếu.

Một nữ nhân viên công ty du lịch nọ ở Changchun, xác nhận: "Cán bộ ở thành phố này phải có sự chấp thuận của "trên" và có sự xác nhận của cơ quan trước khi có thể bắt đầu làm thủ tục xin cấp visa".

Tại thành phố Tieling (tỉnh Liêu Ninh), tất cả cán bộ từ cấp phó trở lên đều phải nộp lại hộ chiếu cho chính quyền. Bất kỳ quan chức nào tính đi nước ngoài thì trước tiên phải có sự chấp thuận từ "trên", theo Epoch Times.

Cô Liu, nhân viên của một công ty ở Tieling cho báo Epoch Times biết: "Quan chức dân sự phải nộp hộ chiếu cho một phòng của chính quyền thành phố. Nếu người ấy muốn ra nước ngoài thì phải có lý do chính đáng. Ngay cả cán bộ muốn chỉ là khách du lịch nước ngoài cũng phải báo cáo thủ trưởng của họ, thì mới có thể nhận lại hộ chiếu của mình".

Nữ nhân viên Tian của công ty trên cũng giải thích: "Khi thu hồi hộ chiếu, chính quyền lấy lý do chặn cán bộ dùng công quỹ để đi du hí. Thực tế, họ sợ các cán bộ chẳng bao giờ về nước một khi có cơ hội ra nước ngoài. Chúng tôi đã nghe từ lâu chuyện cấm này".

Các công ty du lịch ở Tieling đều lỗ to, theo nhân viên Yang của Công ty Feiyang Travel Agency: “Từ đầu năm đến giờ, rất ít đầy tớ nhân dân có thể đi du lịch".

 (Theo Epoch Times/ Một Thế Giới)