"Ông anh cả Vietnam Airlines làm anh mà lại bắt nạt “con ruột” Jetstar, và “đì” VietJet thậm tệ!”

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã nhận xét như vậy khi nói về cách hành xử trong thời gian qua của Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia đại diện cho Việt Nam.

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an ninh hàng không 6 tháng đầu năm 2014 vừa được tổ chức sáng 28/7, bên cạnh những góp ý cụ thể vào nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã chân tình và nghiêm khắc nhắc nhở Vietnam Airlines về chuyện hãng này “chèn ép”, hành xử không xứng tầm đối với các đàn em sinh sau đẻ muộn.

Theo Bộ trưởng Thăng, Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn, đóng vai trò là "anh cả" của ngành thì phải hành xử đúng vai trò dẫn dắt để thị trường vận hành lành mạnh. Thay vì cạnh tranh theo kiểu giành “ưu tiên” từ chiếc xe thang, xe bus cho đến quyền được ra đường băng trước, hạ cánh trước như báo chí đã từng phản ánh.

Đã từ lâu, Vietnam Airlines được xem là bộ mặt của hàng không Việt Nam. Đi kèm với đó tất nhiên là rất nhiều những đặc quyền cũng như sự hỗ trợ không mệt mỏi của Nhà nước và các ban ngành liên quan. Nhưng có lẽ những người có trách nhiệm ở Vietnam Airlines quên mất rằng “một cánh én không thể làm nên mùa xuân”.

Từ khi xuất hiện các hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam vào năm 2007, người dân đã có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với máy bay, một phương tiện di chuyển hiện đại và rất an toàn. Cũng nhờ những gương mặt mới mà ngành hàng không nước ta đã từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Đến năm ngoái, lượng khách nội địa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển đã tăng vọt thêm khoảng 4 triệu lượt khách so với năm trước đó. Riêng quý I/2014 con số này cũng tăng 21% so với cùng kỳ.

{keywords}

Trên truyền thông thế giới, đánh giá sự xuất hiện của hàng không tư nhân đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hàng không Việt Nam như một sự hiện diện của nền kinh tế thị trường.

Trong bối cảnh nói trên, nếu Vietnam Airlines làm tròn vai trò “anh cả” trong việc dẫn dắt các hãng “đàn em” để cùng nhau phát triển trong suốt thời gian qua thì cục diện ngành hàng không Việt Nam bây giờ có lẽ đã không như bây giờ. Trong số 5 hãng bay tư nhân đã từng thành lập và hoạt động ở Việt Nam, gồm Vietjet, Air Mekong, Trãi Thiên Air Cargo, Indochina Airlines và Blue Sky Airway, chỉ còn duy nhất mỗi VietJet là có khả năng phát triển nhưng đang vật lộn với cơ chế độc quyền và phân biệt đối xử.

Hiện tại, người dân chỉ còn 2 sự lựa chọn khi muốn đi máy bay giá rẻ là VietJet và Jetstar Pacific (liên doanh giữa Vietnam Airlines và Jetstar). Tuy nhiên, hành khách của các hãng này tiếp tục là nạn nhân của quyền “ưu tiên” kiểu Vietnam Airlines, khi mà máy bay của hãng “đàn em” luôn phải nhường cho “anh hai” trả khách và ra đường băng trước. Những quyền lợi kì lạ như vậy đã góp phần tăng cao tỷ lệ trễ/hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam.

Không nói đâu xa, hành khách nào đã từng đi máy bay của hãng Vietjet hay Jetstar có lẽ đều đã có lần phải ngồi đợi 30-45 phút sau khi hạ cánh mới được bước xuống sân bay. So với thời gian quay đầu chuẩn mà các hãng bay giá rẻ trên thế giới đang thực hiện, từ 22-25 phút, rõ ràng hàng không của Việt Nam đang tụt hậu. Nhưng VietJet vẫn khá may mắn khi còn tồn tại được trên thị trường, khi mà đã có khá nhiều hãng bay tư nhân khác phải “dẹp tiệm”.

Có nhiều lý do khác nhau khiến cho các hãng hàng không tư nhân của Việt Nam dần “biến mất”. Tuy nhiên, có lẽ cũng ít nhà đầu tư nào muốn tiếp tục bỏ vốn vào ngành hàng không Việt Nam khi mà tính “độc quyền” và những sự “ưu tiên” vẫn tồn tại trong suốt thời gian qua. Ngay cả hãng bay tư nhân duy nhất còn lại là VietJet cũng đã phải “vượt lên chính mình” mới trụ vững và phát triển.

“Chúng ta đang có hình ảnh về hàng không Việt Nam tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, nên phải hành động, phải giữ gìn và phát triển, phải nâng cao trách nhiệm, khắc phục hạn chế trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh như vậy trong hội nghị vừa qua của ngành.

Muộn còn hơn không. Rõ ràng, chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc các hãng hàng không Việt Nam phải cùng nhau hợp tác để mang đến ngày càng nhiều lợi ích cho người dân, thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến bộ máy hoạt động chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Vietnam Airlines cũng như các cơ quan và doanh nghiệp hàng không khác có liên quan.

Ngành hàng không Việt Nam chỉ có thể cất cánh thực sự khi mà các hãng hàng không được quyền cạnh tranh một cách sòng phẳng thông qua chất lượng và giá cả phù hợp. Còn đối với Vietnam Airlines, nắm vai trò “anh cả” là cánh chim đầu đàn, có lẽ đã đến lúc những người có trách nhiệm cần thay đổi tư duy và hành động để có thể cùng với các hãng “đàn em” chung tay đưa ngành hàng không Việt Nam phát triển trước mốc “mở cửa bầu trời” vào năm 2015. Chỉ có như vậy, các hãng hàng không Việt Nam mới có thể giữ vững thị trường, tăng khả năng cạnh tranh khi bầu trời Việt Nam đã mở cho các hãng nước ngoài sẽ vào khai thác trong tương lai rất gần.

Đình Hùng