- Bên cạnh cây ăn trái, cây ca cao đang mang lại thu nhập ổn định cho nông dân ở Bình Phước và khu vực Đông Nam Bộ.

Với mô hình trồng 600 cây ca cao xen 1 ha điều như hộ gia đình ông Lê Xuân Phiên xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, mỗi năm ước tính thu được khoảng gần 1 tấn ca cao hạt khô, 2 tấn điều , với tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ ngày trồng thâm canh ca cao - điều, thu nhập của gia đình tôi tăng lên khoảng 40-60 triệu đồng/năm..

“Khi trồng thêm 500 cây ca cao vào 1 ha điều và thâm canh cả hai cây, nông dân có thể tăng thu nhập lên gấp đôi đạt khoảng 80 triệu đồng trên 1 ha tính theo giá hiện nay của hai loại nông sản này”, ông Nguyễn Vĩnh Thành, Giám đốc ngành hàng ca cao Cargill Vietnam, cho biết.

Bà Lê Thị Phi Vân, chuyên viên nghiên cứu Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, Bình Phước là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển ngành ca cao, với điều kiện khí hậu, đất đai khá thích hợp cho cây ca cao sinh trưởng, phát triển và cho năng suất tốt, đặc biệt với diện tích cây điều hiện có rất lớn (khoảng 140.000 ha) là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình thâm canh ca cao - điều tại đây.

{keywords}

Ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đánh giá: “Mô hình thâm canh cây ca cao dưới tán điều trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao hơn so với trồng độc canh một loại cây và tiết kiệm được diện tích đất canh tác, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, phục vụ cho chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh”.

Hiện tỉnh Bình Phước đã lập quy hoạch cụ thể và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển trồng cây ca cao bền vững. Theo đó, chủ trương phát triển ca cao ở Bình Phước là đến năm 2020, diện tích thâm canh ca cao - điều khoảng 20-30 ngàn ha.

Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền, ngành ca cao ở Bình Phước cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức, công ty, tập đoàn trong và ngoài nước. Hiện Dự án PPP ca cao đã và đang điều phối các nguồn hỗ trợ từ các công ty và tổ chức như công ty Cargill, Grand Place Puratos, Mars, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính phủ Hà Lan, Tổ chức IDH The Sustainable Trade Initiative... Công tác hỗ trợ nhằm phát triển ca cao bền vững gồm khâu đầu tư giống, cam kết bao tiêu thu mua sản phẩm, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vườn trình diễn kỹ thuật, cho mượn phân bón...

Tại thị trường Việt Nam, hạt ca cao lên men đang đươc thu mua với giá khá hấp dẫn và ổn định từ đầu năm tới nay, dao động ở mức giá 55.000 đến 60.000 đồng/kg (chưa tính giá thưởng), tăng đáng kể so với mức 45.000 đồng/kg vào cuối năm 2013. Cây ca cao Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới do nhu cầu ca cao của thế giới ngày càng tăng, dự báo tới năm 2020 sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn.

Duy Anh