- Nếu mong muốn thay đổi một điều gì đó lớn hơn sự sợ hãi, khi đó bạn sẽ khởi nghiệp được. Ngược lại, nếu sợ hãi lớn hơn mong muốn thay đổi thì tôi khuyên các bạn không nên khởi nghiệp.

Giáo sư Shlomo Maital, đến từ Israel, người có kinh nghiệm giảng dạy hơn 20 năm về khởi nghiệp chia sẻ về sự sáng tạo và khởi nghiệp với doanh nhân Việt Nam.

Thất bại là vinh quang

Kinh nghiệm tốt để khởi nghiệp, theo giáo sư Shlomo Maital, trước tiên cần có trí tưởng tượng thật phong phú. Hãy hình dung ra những gì đời sống cần mà chưa có ai đáp ứng, để đáp ứng. Tiếp đến là bắt đầu. Hãy biến những gì bạn tưởng tượng trở thành hiện thực. Cuối cùng là mở rộng. Khi đã biến sự tưởng tượng thành hiện thực, thì hãy nhanh chóng mở rộng nó, để đạt tới quy mô. Câu hỏi cần đặt ra khi muốn khởi nghiệp là làm thế nào để tốt hơn những người khác, những công ty khác và những quốc gia khác.

Việc khởi nghiệp luôn rất khó khăn và có nhiều rủi ro. Nếu coi thất bại là điều xấu hổ, sỉ nhục, không thể chấp nhận được thì khó có thành công. Tuy nhiên, nếu các bạn định nghĩa thất bại như một bước đi tới thành công, thì các bạn sẽ có cơ hội thành công rất lớn - vị giáo sư nói.

{keywords}
Tại Israel, thất bại trong khởi nghiệp được coi là vinh quang

Tại Israel, thất bại được xã hội chấp nhận và thậm chí, còn được tán dương với cụm từ "thất bại vinh quang". Giáo sư Shlomo Maital kể câu chuyện xảy ra năm 2007, một người tên là Shai Agassi sáng lập ra dự án Better Place với tham vọng sản xuất xe hơi điện để loại trừ sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Dự án này cuối cùng không thành công, nhưng tại Israel, không có bất cứ ai nói về thất bại của Shai Agassi. Đây được coi là "thất bại vinh quang", bởi những người tham gia dự án này học được rất nhiều về công nghệ mới và sau đó đã đứng ra thành lập các DN công nghệ khác.

Khi thất bại, bạn đừng buồn nản mà ngược lại nên vui vì nó. Sau khi đã bình tĩnh trở lại, bạn nên xem xét đánh giá lại vì sao mình thất bại, sau đó hãy thử lại một lần nữa, một lần nữa, một lần nữa... xem như thế nào. Khi khởi nghiệp, các bạn không chỉ có cơ hội thành công mà có cả cơ hội thất bại. Nhưng người ta sẽ học được nhiều điều từ thất bại hơn là thành công. “Thất bại, sẽ mất tiền, tôi hiểu và không ai muốn thất bại, nhưng không vì vậy mà sợ thất bại, hãy nên có dự trù ngân sách dành cho các thất bại”, giáo sư Shlomo Maital nói.

Đề cao sự sáng tạo

Một câu chuyện đáng suy ngẫm: Israel, mới lập quốc cách đây 60 năm, với vô vàn khó khăn. Là điểm duy nhất tại Trung Đông không có một giọt dầu nào, sa mạc khô hạn, không có tài nguyên, chỉ với 7 triệu dân... nhưng đến nay, Israel đang nằm trong top 10 quốc gia công nghệ cao của thế giới.

“Vấn đề ở đây là chúng tôi có tài nguyên chất xám. Khi bị cấm vận, các nước không bán máy bay chiến đấu cho Israel, chúng tôi phải tự sản xuất và rất kinh ngạc là chúng tôi còn làm tốt hơn những người khác”.

{keywords}

Việt Nam: "Đừng phàn nàn về những khó khăn nữa mà hãy khởi nghiệp".

Tài nguyên thiên nhiên càng sử dụng nhiều sẽ càng cạn kiệt, nhưng có thứ tài nguyên càng sử dụng lại càng có nhiều hơn, đó chính là chất xám, là con người. Chính vì vậy cần phải đẩy mạnh, khích lệ sự sáng tạo. Không có sáng tạo thì không thể khởi nghiệp. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, đây là nguồn tài nguyên lớn, cần tận dụng tốt để phát triển, giáo sư Shlomo Maital nói.

Thế giới đang bị đe dọa và lo lắng bởi một loại virus Ebola ở châu Phi, còn Isarel thì lại vô cùng yêu mến một loại virus, đó là virus khởi nghiệp.

Giáo sư Shlomo Maital đưa ra một ví dụ về công ty RAD tại Israel. Công ty này được thành lập năm 1981. Sau một thời gian hoạt động, ông Yehuda Zisapel - Chủ tịch RAD, khuyến khích các nhân viên sáng tạo, xuất sắc hãy rời khỏi công ty RAD để khởi nghiệp cho riêng mình với chính sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính từ RAD. Đến nay, đã có 128 công ty được thành lập với khoảng 15.000 nhân viên tạo thành mạng lưới gắn kết hỗ trợ nhau từ ý tưởng ban đầu của ông Yehuda Zisapel.

Hãy khuyến khích họ thành lập công ty riêng nếu họ đủ mạnh. Hãy động viên họ làm bất cứ điều gì họ thích, thậm chí là cạnh tranh với chính bạn. Việc cạnh tranh luôn mang lại những điều tích cực và giúp chính công ty phát triển tốt hơn, Giáo sư Shlomo Maital nhấn mạnh.

GDP của Việt Nam hiện nay là 2.000 USD/người/năm. Nếu một thập kỷ nữa được đẩy lên 10.000 USD/người/năm thì Việt Nam sẽ gia nhập cuộc chơi trên thế giới và các bạn trẻ có thể làm được điều này. Đừng phàn nàn về những khó khăn nữa mà hãy khởi nghiệp. Các bạn đừng chỉ chấp nhận những nhà máy sản xuất giầy, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế ra các sản phẩm, rồi thuê sản xuất. Muốn đạt được như vậy, vai trò của những người trẻ và sự sáng tạo rất quan trọng. Những người trẻ, ở Isarel, họ chỉ cần một cái balo, một laptop và ý tưởng, ngồi quán cà phê hay công viên là có thể khởi nghiệp.

Trần Thủy (ghi)