“Quảng Ninh sẽ đạt được mục tiêu sớm hơn cả nước, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015” - Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang nhận định.

Theo Thứ trưởng, có 2 lí do chính giúp Quảng Ninh đạt được mục tiêu sớm này.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua của Quảng Ninh luôn duy trì phát triển với tốc độ khá, đạt 8,8%, GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 3.000 USD, thu ngân sách luôn trong top 5 toàn quốc.

Thứ hai, Quảng Ninh đã duy trì được tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn so với bình quân chung cả nước, kể cả về giá trị công nghiệp theo cách tính trước đây, cũng như chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp theo cách tính ngày nay và tăng trưởng khá vững chắc. Hiện nay, tỉnh đã hình thành trung tâm công nghiệp nặng. Ngoài công nghiệp khai thác than chiếm tỷ trọng chủ yếu, công nghiệp điện hiện đại trên 10% công suất của cả nước. Các ngành công nghiệp nặng cơ bản như: Công nghiệp xi măng, đóng tàu, cơ khí mỏ… chiếm tỷ lệ khá lớn.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua, công tác đầu tư phát triển công nghiệp thương mại của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 3 năm 2011-2013 tăng 2,7%/năm, trong đó khu vực nhà nước tăng 4,66%/năm; khu vực ngoài nhà nước tăng 0,59%/năm, khu vực có vốn FDI tăng 1,41%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn 9 tháng 2014 đạt 21.952 tỷ đồng, tăng 8,6% cùng kỳ; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,39% so với cùng kỳ.

Về thu hút FDI của Quảng Ninh trong lĩnh vực công nghiệp đã có những chuyển biến, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp trọng điểm (như điện lực, công nghiệp chế biến, phụ trợ, du lịch, dịch vụ...), trong đó lớn nhất là dự án Nhiệt điện Mông Dương II của Mỹ. Cơ cấu theo ngành nghề của các dự án FDI tiếp tục được phát triển đúng hướng: Ngành công nghiệp chiếm 71,05% số vốn trong tổng số 100 dự án FDI còn hiệu lực (tháng 9/2014) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực FDI cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến và phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh như công nghiệp chế biến thực phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, đất hiếm, sản xuất điện...

{keywords}
Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện Mông Dương II tháng 10/2014.

Về lĩnh vực thương mại, Quảng Ninh cũng là tỉnh có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nằm trong nhóm tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước, sức mua không ngừng tăng lên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân trong 3 năm 2011-2013 là 20,3%/năm.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Với mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp và cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai, Quảng Ninh đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư. Bên cạnh việc tập trung khai thác những lợi thế, tiềm năng của tỉnh trong lĩnh vực than, điện, du lịch, dịch vụ, thương mại biên giới... Hiện nay tỉnh đang nỗ lực thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ y tế.

D.Minh
(tổng hợp)