- Nhiều ngân hàng liên tục thông báo lợi nhuận ấn tượng nhưng không chia cổ tức với lý do tái cấu trúc, dành tiền để nâng cao năng lực. Chuỗi tháng ngày ngậm cổ tức kéo dài quá lâu khiến nhiều người nghi ngờ tình trạng sức khỏe của NH.

Cho dù gặp sự phản ứng dữ dội từ các cổ đông nhỏ lẻ, ĐHCĐ thường niên 2015 của Techcombank vẫn thông qua việc không chia cổ tức năm 2014 nhằm dành toàn bộ lợi nhuận vào việc tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh.

Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank thừa nhận đây không phải là lần đầu tiên Techcombank gặp phải phản ứng của cổ đông nhưng cũng không ngần ngại lật bài ngửa cho biết, dự kiến trong 3-5 năm tới sẽ tiếp tục không chi trả cổ tức.

Với tuyên bố này, cổ đông nắm cổ phiếu Techcombank dài hạn sẽ mất gần 10 năm đầu tư không được đồng lãi nào.

Sự ấm ức và phản ứng dữ dội của nhiều cổ đông không phải vô lý khi Techcombank liên tục báo cáo tăng trưởng, lợi nhuận ở mức cao và hầu hết các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Năm 2014, Techcombank ghi nhận hơn 1,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 61% so với năm 2014 và đạt 120% kế hoạch năm.

Kế hoạch cho năm 2015 cũng rất ấn tượng. Lợi nhuận dự kiến tăng 40%. Thù lao cho HĐQT và BKS dự kiến cũng tăng mạnh nhưng NH tiếp tục trình phương án không trả cổ tức.

{keywords}
Nhiều ngân hàng trốn cổ tức

Trong nhiều năm qua, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cũng báo cáo lợi nhuận cao nhưng chi trả cổ tức ở mức rất thấp, 4% cho 2014. Đây là mức lợi tức thấp hơn lãi suất tiết kiệm nhưng theo một đại diện NHNN còn cao nhất nhì khối NH trên địa bàn TP.HCM.

MaritimeBank là một trong những NH nói “không” cổ tức cho cổ đông trong 2 năm qua và có khả năng sẽ lờ cổ tức trong năm 2015 dù NH này vẫn đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 2013 và hơn 164 tỷ đồng năm 2014.

Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đã tăng trưởng ấn tượng trở lại nhưng cũng triền miên không có cổ tức trong nhiều năm qua. Nhiều NH như VietBank, VPB, BVB… vẫn chưa thấy cổ tức bóng dáng cổ tức ở đâu, cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Một vấn đề được nhiều nhà đầu tư đặt ra là: việc các NH thường xuyên không trả cổ tức là đã bỏ qua lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ. Thậm chí, một số NĐT nghi ngờ về tình trạng sức khỏe thật sự của các NH.

Trên thực tế, trong năm vừa qua, rất nhiều NH đã quyết định không chia cổ tức hoặc chia ở mức rất thấp do hoạt động kinh doanh yếu kém và đang trong quá trình tái cơ cấu như Southern Bank, OceanBank, PGBank…

Khối nợ xấu khổng lồ trên vai các NH đã khiến họ phải tìm mọi cách để xử lý, trích lập dự phòng. Tình trạng có thể đã rất căng thẳng, đến mức NHNN buộc phải vận dụng các cơ sở pháp lý của Luật TCTD để hạn chế các NH trong việc chi trả cổ tức nhằm hướng các NH tập trung xử lý triệt để nợ xấu, phòng ngừa rủi ro.

Chưa chia cổ tức để tạo nguồn phòng ngừa rủi ro là cần thiết nhưng đó là với các NH yếu kém. Còn với các NH liên tục công bố kết quả kinh doanh ấn tượng, lợi nhuận nhiều, nợ xấu thấp thì việc không trả cổ tức trong nhiều năm liền là một điều khá bất thường.

{keywords}
NH biết rõ nợ xấu thực tế cao hơn rất nhiều so với các con số công bố.

Một chuyên gia tài chính NH cho rằng, cạnh tranh khi hội nhập là một điều tốt. Nó giúp các NH buộc phải vươn lên. Năng lực về vốn rất quan trọng nhưng có nhiều cách tăng quy mô. Sáp nhập hoặc niêm yết cổ phiếu, huy động vốn trên TTCK… là các giải pháp. NHNN đã có cả một đề án tái cơ cấu và theo kế hoạch sẽ có hàng chục vụ M&A.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, quy mô đôi khi cũng không là bắt buộc bởi nhiều NH nhỏ nhưng hoạt động rất hiệu quả.

Trào lưu không chia hoặc chia cổ tức rất thấp và trì hoãn niêm yết cổ phiếu diễn ra phổ biến ở cả NH hoạt động tốt lẫn yếu kém. Nó khiến nhiều người mường tượng về một bức tranh sức khỏe của các NH không hề sáng sủa.

Trên thực tế, nợ xấu ở nhiều NH vẫn là những con số hết sức bí ẩn đối với các NĐT, nhất là đối với các NH chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn. Nhiều NH như Southern Bank cho đến thời điểm này vẫn chưa công bố BCTC 2014. Một số NH hoãn chậm ĐHCĐ, lập lờ trong sáp nhập hợp nhất…

Một chuyên gia tài chính cho rằng, nhiều NH biết rõ nợ xấu thực tế cao hơn rất nhiều so với các con số công bố. Nhiều khoản cho vay biết trước sẽ không trả được nợ, như với một số dự án cho vay mua, đóng tàu biển hay một số dự án BĐS đắp chiếu không thể tiếp tục triển khai do chủ đầu tư đã tiêu hết vốn góp của khách hàng trong khi không thể vay thêm từ NH để tiếp tục dự án.

Điều đó có nghĩa là, không ít các NH báo lãi nhưng trên thực tế rất có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn tiềm ẩn. Do vậy, các cổ đông nhỏ lẻ không nắm được không nắm được thông tin có thể sẽ tiếp tục phải kéo dài chuỗi ngày tháng không có thu từ đồng vốn đầu tư.

Lê Hà