- Sau 2 năm đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã được chính thức ký kết ngày 5/5, tại Hà Nội. Nông sản có thế mạnh của Việt Nam sẽ thêm cơ hội lớn vào thị trường Hàn Quốc.

Bộ Công Thương cho biết, với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.

Về kinh tế, thương mại, đầu tư, tương tự như nội dung cam kết WTO hay các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang - Jick thay mặt Chính phủ hai nước Việt - Hàn ký kết FTA (Ảnh: Bộ Công Thương)

Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí,...

Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang,... (thuế suất những mặt hàng này rất cao, từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc).

Hiệp định này gồm 17 Chương, 208 Điều, 15 Phụ lục và 1 Thỏa thuận thực thi quy định. Đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015.

Nhờ vậy, hiệp định sẽ tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Ví dụ với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm, đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.

Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện,... Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.

Tuy nhiên, Hiệp định cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, khi cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước. Các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ phải nhận thức đầy đủ hơn về tiến trình hội nhập nói chung và việc thực hiện Hiệp định VKFTA nói riêng, qua đó mới có thể khai thác hiệu quả các lợi ích cũng như hạn chế những tác động bất lợi của Hiệp định.

Trong 22 năm qua, thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc tăng từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 28,8 tỷ USD năm 2014, tăng 57 lần.

Từ năm 2011, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành đối tác lớn thứ 2 cung cấp hàng hoá cho Việt Nam, chỉ đứng sau trung Quốc. Sau năm 2015, hai nước phấn đấu đạt 30 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều.

Năm 2014, Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Phạm Huyền