Chính phủ đã đồng ý ứng trước 30 ngàn tỷ đồng của tài khóa năm 2013 để thúc đẩy tiến độ các dự án phát triển có khả năng hoàn thành sớm sau khi nhận được đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Số tiền ứng trước này bao gồm hai khoản: 15 ngàn tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước, và 15 ngàn tỷ đồng từ vốn trái phiếu chính phủ, và tập trung cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, các dự án sử dụng ODA và trái phiếu chính phủ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn bổ sung này sẽ chỉ dùng cho các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng chưa có vốn để thanh toán; các dự án sẽ hoàn thành trong năm 2012 và có thể hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2013.

Trao đổi với PV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: "Số tiền bổ sung này rất cần thiết để đẩy nhanh việc hoàn thiện các dự án có thể đưa vào sử dụng ngay. Điều này sẽ kích thích tiêu thụ vật liệu, tạo công ăn việc làm và kích thích sản xuất".


Ông khẳng định rằng, số vốn này sẽ được giám sát chi tiêu kỹ để không bị dàn trải, lãng phí, như Chỉ thị 1792 của Thủ tướng đã yêu cầu.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tính cả số tiền ứng trước này, trong nửa cuối năm nay mỗi tháng sẽ có khoảng 22-23 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công được chi tiêu vào nền kinh tế.

Được hỏi, nới lỏng tài khóa như vậy, cùng với tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tăng 2% mỗi tháng trong nửa cuối năm nay có thể gây lạm phát, ông Vinh khẳng định đã cân nhắc kỹ. Ông nói: "Chúng tôi đã tính toán rất kỹ càng bởi lo ngại lạm phát quay trở lại".

Ông giải thích thêm, số vốn đầu tư công dự kiến 22-23 ngàn tỷ đồng mỗi tháng sẽ giúp giải quyết vấn đề tồn kho và cải thiện tổng cầu của nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước lũy kế từ đầu năm đến 15-6-2012 ước đạt 73,6 ngàn tỷ đồng, bằng 40,9% kế hoạch năm.

Việc chậm giải ngân nguồn vốn này đang bị cho là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho ngành sản xuất nói chung, trong bối cảnh đầu tư tư nhân cũng rất khó khăn.

Ông Vinh nói: "Đến nay, một trong những biện pháp thúc đẩy sản xuất, kích thích tăng trưởng là phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vì sẽ giúp tăng tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu, nhân công... Đây là giải pháp cần phải thực hiện quyết liệt".

Theo kế hoạch tài khóa năm 2012 đã được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ được tiêu 180 ngàn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, và 45 ngàn tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư phát triển.

Theo thông lệ, kế hoạch tài khóa năm 2013 sẽ chỉ được Quốc hội phê duyệt vào tháng 11 hàng năm.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chi ngân sách nhà nước tăng liên tục qua các năm, bình quân mỗi năm 20%, kể cả năm 2008 (tăng 18,9%) và năm 2011 (tăng 20,4%) là các năm thực hiện chính sách thắt chặt để kiềm chế lạm phát.

(Theo TBKTSG)