Thông tin về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được dư luận quan tâm.

Để hiểu rõ hơn về quy trình, thủ tục và những vấn đề liên quan đến hạn chế hoạt động khi bị hoãn xuất cảnh, PV VietNamNet đã trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Theo ông Hải, việc tạm hoãn xuất cảnh được căn cứ vào các điều luật gồm: điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019.

Các trường hợp bị hoãn xuất cảnh gồm hai nhóm người nước ngoài ở Việt Nam và công dân Việt Nam.

Đối với công dân Việt Nam, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đáng chú ý, những người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

{keywords}
Luật sư Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: H.N

"Ngoài ra, người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh", luật sư Nguyễn Thanh Hải thông tin thêm. 

Về trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân Việt Nam, ông Hải cho biết, đầu tiên, người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm gửi văn bản theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người bị tạm hoãn xuất cảnh (trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 36 của Luật này).

Trong thời gian tạm hoãn xuất cảnh, khi có đủ căn cứ để hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Luật này gửi văn bản hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người đã bị tạm hoãn xuất cảnh biết.

Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện ngay việc tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh sau khi tiếp nhận quyết định của người có thẩm quyền.

Theo luật sư Hải, khi có quyết định tạm hoãn xuất nhập cảnh, người bị tạm hoãn sẽ bị hạn chế hoạt động xuất nhập cảnh, ngoài ra đối với từng trường hợp tạm hoãn, người tạm hoãn sẽ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan. Ví dụ như nếu người bị tạm hoãn là bị can, bị cáo, người bị tạm hoãn đó còn phải tuân thủ đúng quy định tại bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.

Đoàn Bổng

Người gửi tin nhắn 'lệnh truy nã' đối diện mức phạt nào?

Người gửi tin nhắn 'lệnh truy nã' đối diện mức phạt nào?

Trước việc nhiều người dân nhận được tin nhắn với nội dung "lệnh truy nã", luật sư Nguyễn Thanh Hải (đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ các tình huống pháp lý liên quan đến sự việc trên.