Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là một điểm nóng về địa chính trị, giờ đây lại đóng vai trò then chốt trong cuộc đối đầu về ảnh hưởng giữa các cường quốc khu vực và phương Tây xung quanh việc NATO triển khai các tên lửa. Một lần nữa, Ankara lại trở thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Hình minh họa tên lửa Patriot đang chờ được triển khai

Một điều xui khiến tới cuộc khủng hoảng mới này (và cũng khiến người ta nhớ lại tới Chiến tranh Lạnh) là việc Ankara viện tới NATO triển khai các tên lửa Patriot tới các tỉnh miền nam nước này, dọc biên giới kéo dài 900km với Syria. Lý lẽ của việc triển khai tên lửa này là nhằm chống lại khả năng Syria phóng các tên lửa chứa vũ khí hóa học sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Nga, Iran và Syria lập tức phản đối sáng kiến này.

"Moscow đã rất lo ngại về việc NATO triển khai hệ thống chống phi cơ tại Thổ Nhĩ Kỳ" - Tổng Tham mưu trưởng của Nga là Valery Gerasimov nói trong các cuộc đối thoại tuần qua với Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Knud Bartles.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich cũng cảnh báo rằng "các kho vũ khí bổ sung" dọc biên giới có thể 'gia tăng thêm căng thẳng'.

Tuy nhiên, việc triển khai tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ là việc không còn bàn cãi nữa khi mà Đức, Hà Lan và Mỹ đều thông qua kế hoạch này.

Câu hỏi có thể đặt ra là: Việc Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn phỏng tỏa các mối đe dọa tiềm tàng phát sinh từ quốc gia láng giềng đang chìm trong nội chiến có gì sai? Và họ có gì đáng trách khi chỉ tận hưởng quyền lợi của một thành viên NATO?

Một số chuyên gia phân tích quân sự độc lập đã cảm thấy rất bối rối trước cách mà các quan chức NATO giải thích việc sử dụng Patriot vì mục đích phòng thủ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot không được sử dụng nhằm ngăn các đợt nã pháo nếu như chúng được phóng ra từ lãnh thổ Syria nhằm vào đất Thổ Nhĩ Kỳ. Các tên lửa Patriot được sử dụng để đánh chặn và tiêu diệt các tên lửa cũng như bắn hạ máy bay.

Nhưng hệ thống Patriot này sẽ đánh chặn loại tên lửa nào mà Tổng thống Syria Assad hiện đang sở hữu, và tại sao ông Assad lại trang bị các tên lửa này với loại khí độc chết người là sarin (giả dụ ông ấy sở hữu các loại vũ khí này thật)?

Cái cớ để NATO triển khai Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ chưa thật sự thuyết phục hoàn toàn. Nhưng nếu động cơ thật sự của hành động này không phải để đánh chặn Syria, thì tại sao NATO lại hối hả đặt các hệ thống đánh chặn tên lửa trong khu vực như vậy, nhất là một khu vực đã quá tải các loại vũ khí chết người? Điều gì sẽ xảy ra nếu như động thái này có một nghị trình bí mật?

"Thổ Nhĩ Kỳ đã giải thích yêu cầu của họ với NATO chủ yếu là do họ cần phòng thủ trước một cuộc tấn công mà Syria có thể tiến hành. Tuy nhiên các hành động này còn có thể có động cơ thứ hai, đó là một sự chuẩn bị tấn công quân sự nhằm vào Iran" - một nguồn tin ngoại giao Nga nói trên nhật báo Kommersant.

Nếu như chỉ tính đến khoảng cách giữa khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang triển khai Patriot với biên giới Iran thì lo ngại của Moscow e là hơi quá. Tuy nhiên, các tên lửa Patriot này lại có thể dễ dàng di chuyển từ vùng này sang vùng khác trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả vùng biên giới phía đông với Iran.

"Đây là các đơn vị di động nên có thể di chuyển tới bất kỳ nơi nào ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các đơn vị đó có thể di chuyển tới nơi cách Tebriz của Iran 500km, một số người cho rằng Tebriz là các cơ sở hạt nhân bí mật của Iran" - Dmitry Polikanov, Phó Chủ tịch của Trung tâm PIR tại Moscow, nhận định.

"Khi tính đến khả năng Mỹ muốn sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm lá chắn tên lửa, các tên lửa Patriot có thể được đặt ở đó vĩnh viễn. Thổ Nhĩ Kỳ muốn hiện đại hóa các vũ khí của mình và đã bắt đầu có các nỗ lực cho các hệ thống vũ khí tương tự. Trong bối cảnh đó, hầu hết các loại súng ống này đều có vẻ như đang chĩa về phía Iran" - Polikanov nói.

Ông Polikanov nói thêm rằng bất kỳ một sự gây hấn nào cũng có thể trở thành cái cớ cho một cuộc chiến. Và việc lắp đặt các tên lửa chống phi cơ của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng nghĩa với việc Iran sẽ không còn khả năng đáp trả nếu bị tấn công.

Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Iran là Tướng Hassan Firouzabadi nói rằng bài học từ cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba năm 1962 có thể sẽ quay trở lại và ám ảnh thế giới.

"Mỗi một tên lửa Patriot này đều là một dấu đen trên bản đồ thế giới, và nhằm gây nên chiến tranh thế giới. Họ đang lên các kế hoạch cho chiến tranh thế giới, và điều này là rất nguy hiểm cho tương lai của nhân loại và tương lai của chính châu Âu" - Tướng Firouzabadi cảnh báo.

Căng thẳng lâu nay giữa Ankara và Tehran đã trở nên nghiêm trọng thêm khi mà vào phút chót, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã hoãn chuyến thăm rất được kỳ vọng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này của Tehran được cho là một dấu hiệu cho thấy Iran ngày càng bất mãn với việc triển khai tên lửa Patriot trên đất láng giềng.

  • Lê Thu (theo RT)