Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự mà không thông báo trước tại vùng biển giữa Indonesia và Australia, buộc Australia phải tung máy bay do thám để theo dõi tình hình.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Cuộc tập trận sau đợt tuần tra của Trung Quốc tại khu vực bãi cạn James ngoài khơi Sarawak được cho là dấu hiệu thể hiện rõ nhất mong muốn của Bắc Kinh nhằm đóng vai trò lớn hơn nữa trên biển và trải rộng tiềm lực hải quân.

Cuộc tập trận diễn ra năm ngày giữa khu vực đảo Java và Christmas bắt đầu từ ngày 29 tháng Giêng bao gồm các hoạt động diễn tập chống cướp biển, tìm kiếm và cứu nạn, kiểm soát thiệt hại và tập trận chiến đấu.

Mặc dù cho rằng hoạt động này không có gì đáng lo ngại, song các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng họ đang tìm kiếm vai trò lớn hơn tại Ấn Độ Dương, nơi mà họ đang ra sức tranh thủ các quốc gia vùng duyên hải và xây dựng cầu cảng.

“Những cuộc tập trận này chứng thực cho các lợi ích đang mở rộng của Trung Quốc, và ý chí bảo vệ các lợi ích này tại Ấn Độ Dương” – ông Ristian Atriandi Supriyanto thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam phát biểu trên tờ The Straits Times của Singapore.

“Hoạt động này cũng có thể mang theo thông điệp ngầm rằng Trung Quốc muốn được các quốc gia khác, đặc biệt là Ấn Độ, Mỹ và Australia, coi là một cường quốc ở Ấn Độ Dương cùng với sự hiện diện của hải quân tại nơi đây” -ông Ristian Atriandi Supriyanto nói thêm.

Tàu đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc là Changbaishan và các tàu khu trục Wuhan và Haikou đóng tại vịnh Aden đã tới Ấn Độ Dương, sau đó đi qua eo biển Lombok và Makassar để tập trận thêm ở Thái Bình Dương.

Đô đốc Iskandar Sitompul – phát ngôn viên của Lực lượng vũ trang Indonesia – cho biết Jakarta không được biết về cuộc tập trận này, nhưng do hoạt động này diễn ra ở vùng biển quốc tế nên không nhất thiết phải thông báo.

Ông Sitompul nói thêm, các tàu chiến này có thể tự do đi lại thông qua đường biển của Indonesia như bình thường.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston nói rằng quân đội nước này đã tiến hành theo dõi các tàu Trung Quốc và cho hay mọi hoạt động đều theo ‘tiêu chuẩn’.

Một số nhà phân tích đã liên hệ động thái này của Bắc Kinh với chiến lược ‘tái cân bằng’ trong khu vực, một điểm mà Ngoại trưởng Mỹ sẽ nhấn mạnh khi ông tới thăm Bắc Kinh và Jakarta cuối tuần này.

Còn nhà bình luận quân sự Wu Ge cho rằng Trung Quốc muốn dấy lên ‘cảnh báo đầu tiên’ cho Australia trong bối cảnh có những lo ngại về hợp tác quốc phòng mới đây với Mỹ, chẳng hạn như việc cho thêm quân Mỹ đóng tại căn cứ của Australia ở Darwin.

“Thông điệp ở đây là: ‘Chúng tôi có khả năng tiến sát tới anh’ và mục đích là khiến Australia bắt đầu nghĩ tới việc liệu Mỹ - ở rất xa so với Trung Quốc – có khả năng bảo vệ họ một cách tương xứng hay không” – tờ Strait Times trích lời ông Wu.

Lê Thu (theo Asia One)