Sự xuất hiện của Phố người Phi ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, là một hiện tượng rất khác thường ở Trung Quốc.

TIN BÀI KHÁC:

Vào những năm 1980 và 1990 của thế kỷ trước, người ta thường nói về dòng người Trung Quốc kéo nhau ra nước ngoài sinh sống. Giờ đây, 30 năm sau, đã có sự đổi khác rất lớn bởi dòng người nhập cư lại đổ xô tới đất nước đông dân số 1 thế giới này.

Với nhiều người Trung Quốc, Phố người Phi ở Quảng Châu chẳng khác nào một hình ảnh phản chiếu của các Phố người Hoa ở nước ngoài. Baohan Zhijie, tọa lạc ở trung tâm Quảng Châu, là con phố đông đúc nhất dành cho người da đen trong thành phố, nhờ địa thế thuận lợi.

Đối với những người châu Phi vừa chân ướt chân ráo tới Quảng Châu, họ đã có thể thấy rõ các lợi thế như có nhiều trung tâm mua sắm, chợ bán buôn, ga tàu điện ngầm và khách sạn xung quanh khu vực.

Hồi những năm 1980, những người Hồi giáo ở khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương bắt đầu đưa các thương gia Ảrập tới khu vực. Đến đầu thập niên 1990, những thương gia châu Phi đầu tiên đã mở cửa hàng trên phố. Sau đó, ngày càng nhiều người kéo đến thành phố, chủ yếu làm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, liên quan đến vận chuyển hàng hóa Trung Quốc tới châu Phi.

Ngôn ngữ ở Phố người Phi cũng rất đa dạng, đủ thứ tiếng ở các vùng Trung Đông, Nam Á, Nam Phi và châu Phi. Một số thậm chí từ các nhóm thổ dân Australia. Những người cư trú hợp pháp tại đây đã lên tới 20.000 người, trong khi con số trái phép vào khoảng 100.000 đến 200.000 người, theo các nguồn tin khác nhau.

Ban ngày, Phố người Phi tĩnh lặng như nhiều con phố khác ở Quảng Châu. Cuộc sống tấp nập thường bắt đầu từ 4h chiều, kéo dài đến 3h sáng hôm sau. Những người ở đây bắt đầu đổ ra đường. Theo phóng viên ảnh Li Dong của báo Global Times, rất khó chộp được hình ảnh của họ bằng ống kính, bởi nhiều người lo ngại sẽ bị cảnh sát chú ý và rồi lại vướng vào các vấn đề về thị thực hoặc hộ chiếu. 

Trong bài là một số hình ảnh mà Li Dong ghi lại được về Phố người Phi ở Quảng Châu.

Thanh Hảo