Tổ chức Giám sát nhân quyền cho biết, người giúp việc gia đình ở UAE đang bị lạm dụng khủng khiếp.


{keywords}

RT đưa tin, theo một báo cáo của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW), người giúp việc gia đình tại Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đang bị lạm dụng tình dục, thân thể và bị đối xử tàn tệ khủng khiếp. Ngoài ra họ còn bị tịch thu hộ chiếu theo hệ thống bảo trợ thị thực - kafala.

HRW ước tính, khoảng 146.000 nữ giúp việc đã tới UAE từ các nước như Philippines, Indonesia, Ấn Độ hoặc Bangladesh. Họ tới UAE cùng với những lời hứa về điều kiện làm việc tốt, lương cao, và cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo đói ở quê nhà.

Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ trên cho hay, các lao động bị ép làm việc quá mức hoặc thậm chí bị đánh đập, lạm dụng tình dục, trong khi không thể rời bỏ nhà chủ vì đã bị thu hộ chiếu.

HRW đã bí mật phỏng vấn 99 người ở UAE và đưa ra bản báo cáo dày 79 trang nhan đề "Ta đã mua ngươi".

"Tôi dậy và bắt đầu nấu nướng, rồi dọn dẹp, giặt quần áo, rồi lại nấu nướng. Không nghỉ ngơi, không nghỉ một chút nào... vì bà chủ liên tục chửi mắng. Tôi khóc và xin được quay lại công ty giới thiệu việc làm, song bà ta nói với tôi: 'tao đã mua mày rồi", một nữ giúp việc người Indonesia, 23 tuổi, làm việc tại Dubai cho hay.

"Sau hai tuần làm việc, bà chủ bắt đầu đánh đập tôi", một ôsin khác kể. "Bà ấy đấm tôi vào ngực. Bà ấy dùng móng tay cào cổ tôi, tát vào mặt tôi. Tôi bị thâm tím hết cổ. Đôi khi, bà ấy còn giật tóc tôi".

Tính tổng cộng, hơn hai chục người giúp việc kể với HRW rằng, chủ lao động đã đánh đập hoặc lạm dụng tình dục họ. Một lao động cho biết, bị gẫy tay khi bị chủ vặn tay lúc bị hãm hiếp.

"Đa phần những người giúp việc mà HRW phỏng vấn cáo buộc chủ lao động đã chửi mắng họ, gọi họ là đồ con lừa hay con vật gì đó", báo cáo của tổ chức trên cho hay.

Những vấn đề trên nảy sinh do hệ thống bảo trợ visa - còn gọi là kafala của UAE, vốn thiết lập sự ràng buộc giữa những lao động di cư và người bảo trợ visa. Điều này đồng nghĩa với việc lao động di cư không thể đổi chủ.

"Hệ thống bảo trợ của UAE xích những người giúp việc vào chủ của họ và khiến những lao động này bị cô lập, dễ bị lạm dụng đằng sau những cánh cửa đóng kín", Rothna Begum, nhà nghiên cứu về quyền phụ nữ ở Trung Đông của HRW cho hay.

"Không có luật lao động bảo vệ người giúp việc, chủ lao động có thể làm mọi thứ, bắt làm quá mức, trả lương thấp và lạm dụng những phụ nữ giúp việc".

HRW yêu cầu phải sửa đổi hệ thống kafala, để những người giúp việc có thể đổi chủ mà không bị trục xuất.

Hệ thống kafala hiện cũng được Lebanon, Ảrập Xêút, Jordan và những nước vùng Vịnh, trong đó có Qatar sử dụng.

  • Hoài Linh