Mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Reunion là của máy bay MH370; Nghi phạm chính trong vụ đánh bom ở Bangkok vẫn chưa bị bắt... nằm trong số các tin thế giới quan trọng 24 giờ qua.

Nổi bật

Công tố viên Pháp Francois Mollins xác nhận, phần cánh máy bay được tìm thấy trên đảo Reunion của Pháp ở Ấn Độ Dương là của chiếc Boeing số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

{keywords}

 

Mảnh vỡ kể trên được tìm thấy hôm 29/7. Các nhà chức trách Malaysia cho rằng, màu sơn và dữ liệu bảo dưỡng trên mảnh vỡ này khớp với chiếc máy bay MH370 của họ đã mất tích từ ngày 8/3/2014.

Hãng tin CNN dẫn lời ông Mollins cho biết, một kỹ sư của Cơ quan Không gian và Quốc phòng Airbus (ADS-SAU) của Tây Ban Nha – người trực tiếp làm ra bộ phận này cho Boeing đã nhận diện được ba con số trên cánh tà này thuộc dãy số của máy bay Boeing 777 MH370.

"Từ chính điều này mới có thể xác nhận chắc chắn rằng, cánh tà tìm thấy ở đảo Reunion hôm 29/7/2015 khớp với của máy bay số hiệu MH370", ông nói.

Trước đó, vào ngày 6/8, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã xác nhận mảnh vỡ thuộc về máy bay MH370, nhưng lời khẳng định của ông bị nhiều người nghi ngờ.

Các nhà chức trách Pháp đã mở chiến dịch tìm kiếm các mảnh vỡ trên đảo Reunion và khu vực lân cận sau khi bộ phận cánh tà được phát hiện.

MH370 đã mất tích ngày 8/3/2014 khi chở 239 người đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Đến nay mọi chi tiết về số phận của chiếc Boeing 777 này vẫn là điều bí ẩn. Phần cánh máy bay này là bằng chứng đầu tiên của MH370 được phát hiện trong hơn một năm qua.

Tin vắn

- Cảnh sát Thái Lan ngày 4/9 cho biết, cả hai đối tượng nam giới bị bắt giữ nhiều khả năng không phải là nghi phạm chính trong vụ đánh bom đền Erawan ở Bangkok hồi tháng trước. Phát ngôn viên Prawut Thawornsiri xác nhận, kết quả xét nghiệm AND của hai người nước ngoài bị tình nghi liên quan tới vụ nổ không trùng khớp với mẫu AND mà họ thu thập được.

- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng cáo buộc phương Tây là nguyên nhân chính khiến cuộc khủng hoảng di cư không có hồi kết.

- Cảnh sát Hungary thông báo nước này đã đóng cửa khẩu biên giới chính với Serbia, sau khi có khoảng 300 người di cư trốn thoát khỏi một trại tị nạn gần khu vực này.

- Hãng tin Channel News Asia dẫn lời chuyên gia về tái bảo hiểm cho rằng, vụ nổ tại kho cảng Thiên Tân, Trung Quốc, vào tháng trước có thể gây ra thiệt hại về bảo hiểm lên tới 3,3 tỉ USD, gần gấp đôi so với dự tính của các chuyên gia.

- Giới chức Afghanistan cho biết, hơn 300 nữ sinh thuộc hai trường học ở nước này đã phải nhập viện trong tuần này vì ít phải khí lạ.

- Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, Nhật Bản đã trao công hàm phản đối bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov khi tuyên bố tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước đã được giải quyết. Ngoại trưởng Nhật cũng mong đợi một cuộc đối thoại và hối thúc Nga giải quyết vấn đề trên tinh thần xây dựng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

- Sputnik đưa tin Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, các nước thành viên của khối không nên từ chối đối thoại với Nga, bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa Moscow và phương Tây vì tình hình Ukraina.

- Hai chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ đã có hành trình lịch sử tới Estonia, đánh dấu lần đầu tiên các máy bay tối tân này hạ cánh xuống quốc gia vùng Baltic.

- Gần 1.000 người ở Sierra Leone đã bị cách ly sau cái chết của một phụ nữ 67 tuổi bị nhiễm Ebola.

- Các tay súng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đánh sập 3 tháp thiêu tại thành cổ Palmyra.

- Phát biểu trong một diễn đàn kinh tế quốc tế tại thành phố Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ sớm thảo luận về việc tham gia các chiến dịch quân sự chống IS. Lời nói này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tuyên bố sẽ xác minh thông tin Nga đang triển khai binh sỹ ở Syria.

- Sáng 4/9, một máy bay không người lái đã rơi xuống sân vận động giữa một trận đấu tại giải Mỹ mở rộng, và cảnh sát New York đã phải vào cuộc.

- Hơn 15 triệu cử tri Maroc đăng ký sẽ tham gia cuộc bầu cử địa phương, để lựa chọn khoảng 32.000 ghế trong các chính quyền, cơ quan hành chính khu vực và địa phương của nước này.

Tin ảnh

{keywords}

Hàng nghìn người di cư đã vượt biên từ Hy Lạp sang Macedonia, với hy vọng đến được Tây Âu. (Ảnh: Getty).


Trong cuộc họp ngày 4/7, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), vốn vẫn chia rẽ về việc chia sẻ gánh nặng người nhập cư, đã nỗ lực đạt được một phản ứng về cuộc khủng hoảng này.

Theo Liên Hợp Quốc, các nước châu Âu phải nhận tới 200.000 người tị nạn như một phần của "chiến lược chung" để thay thế cách tiếp cận "dần dần" đối với cuộc khủng hoảng di cư.

Antonio Guterres, Giám đốc Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc, nói rằng EU phải huy động "sức mạnh toàn diện" cho cuộc khủng hoảng này, gọi đó là "thời khắc quyết định".

Phát ngôn

Ngày 4/9, Tổng thống Nga Putin kêu gọi Kiev và Donbass đàm phán, nhấn mạnh rằng tương lai của Ukraina phụ thuộc vào nỗ lực của chính người dân để giải quyết những điểm khác biệt của họ.

Theo ông Putin, việc Ukraina sửa đổi Hiến pháp để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho khu vực phía đông nam đất nước (Donbass) nên được đưa ra sau các cuộc đàm phán với Cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR).

Khi được đề nghị dự đoán về tình hình ở Ukraina sẽ tiến triển như thế nào trong tương lai, nhà lãnh đạo Nga nói: "Điều đó không phụ thuộc vào chúng ta, mà phụ thuộc vào sự kiên nhẫn của Ukraina, của những người Ukraina – liệu người dân Ukraina sẽ chịu đựng được sự hỗn loạn này trong bao lâu".

"Thực sự ở Ukraina không có những nhà quản lý trung thực và có khả năng hay sao? Tất nhiên là có", ông nói thêm.

Sự kiện

5/9/1905 – Chiến tranh Nga-Nhật kết thúc, khi Điều ước Portsmouth được ký kết với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt.

5/9/1944 – Bỉ, Hà Lan và Luxembourg tạo thành liên minh Benelux.

5/9/1972 – Nhóm người Palestine có biệt danh “Tháng Chín Đen” tấn công và bắt giữ 11 vận động viên Israel đang tham gia Thế vận hội tại Munich, Đức.

  • Thanh Hảo