4h sáng, người đàn ông 65 tuổi đột ngột ngất xỉu khi đang đi xe đạp trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhận tin báo của người dân, kíp cấp cứu gồm bác sĩ Hoàng Văn Hải và điều dưỡng Đỗ Thị Thủy, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lập tức tiếp cận hiện trường.

Lúc này, bệnh nhân đã ngừng thở, ngừng tim. Một số người thương xót: “Ông ấy không qua khỏi rồi”.

Nhanh chóng xác định tình trạng của người bệnh, bác sĩ Hải ra hiệu cho điều dưỡng Thủy bắt đầu cấp cứu ngừng tuần hoàn. Trong khi nữ điều dưỡng khai thông đường thở, hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng oxy và lấy thuốc, bác sĩ Hải tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bệnh nhân.

{keywords}
Bác sĩ Hoàng Văn Hải, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Liên

Lực ép nhanh, mạnh, liên tục khoảng 100-120 lần/phút. Trời còn tối, thêm tư thế quỳ gối xuống mặt đường khiến việc thao tác của anh Hải gặp không ít khó khăn. Cứ thấm mệt, bác sĩ và điều dưỡng lại đổi vị trí cho nhau, đảm bảo quá trình ép tim không bị ngắt quãng.

Sau khoảng 30 phút căng thẳng, người đàn ông 65 tuổi tái lập tuần hoàn, thở trở lại. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, kíp nhanh chóng đưa bệnh nhân lên xe. Chiếc xe cấp cứu lao đi giữa màn đêm, chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất là Bệnh viện 108.

Người đàn ông tưởng như không còn hy vọng sống, sau đó đã hồi phục diệu kỳ.

Tình huống trên diễn ra cuối tháng 9, là một trong những ca cấp cứu ngừng tuần hoàn được các y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội thực hiện gần đây. Từ đầu năm tới nay, có 11 trường hợp ngừng tim, ngừng thở ngoại viện tương tự đã được cứu sống.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Hải, các ca ngừng tuần hoàn đơn vị tiếp nhận hầu hết là người có bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Ngoài ra, một số người do tập luyện thể thao, vận động quá sức khiến đáp ứng của tim bị quá tải. Bệnh nhân ngừng tuần hoàn có ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai. Với mỗi đối tượng, bác sĩ sẽ áp dụng những cách ép tim khác nhau để cấp cứu.

Quy trình chung sau khi tiếp cận trường hợp bất tỉnh, mất ý thức đột ngột là nhanh chóng kiểm tra tình trạng thở và mạch. Nếu xác định bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, các bác sĩ sẽ lập tức ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện, hỗ trợ hô hấp (khai thông đường thở, bóp bóng oxy) và cho bệnh nhân dùng thuốc.

Khó khăn rất lớn với anh Hải và các đồng nghiệp khi cấp cứu ngừng thở, ngừng tim ngoại viện là tư thế thao tác. “Trong bệnh viện, bệnh nhân nằm trên giường, bác sĩ đứng kế bên có thể thoải mái di chuyển, vừa tầm thực hiện các động tác ép tim, bóp bóng,…. Tuy nhiên, với cấp cứu ngoại viện, chúng tôi phải quỳ xuống mặt đường để làm việc. Tư thế này rất mỏi và bất tiện để thao tác”, bác sĩ Hải tâm sự.

Bệnh nhân tái lập tuần hoàn sau cấp cứu không hẳn đã an toàn. Khi di chuyển, nhất là theo địa hình dốc như từ nhà cao tầng xuống xe cấp cứu, người bệnh dễ xuất hiện cơn ngừng tim, ngừng thở trở lại, buộc các bác sĩ tiếp tục can thiệp.

Trên xe cứu thương, kíp vẫn liên tục ép tim, bóp bóng. Xe chòng chành do lao đi rất nhanh, không gian lại chật chội. Tuy nhiên, nhân viên y tế chỉ dừng can thiệp khi bệnh nhân đã tái lập tuần hoàn hoặc đã tới bệnh viện.

Làm cấp cứu ngoại viện, áp lực lớn nhất với anh Hải và đồng nghiệp đến từ việc “đơn phương độc mã” giành sự sống cho bệnh nhân. Kíp chỉ có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, không có phương tiện hiện đại hỗ trợ, cũng không thể gọi thêm bác sĩ khác vào giúp đỡ. Chỉ một sơ suất nhỏ, hy vọng cứu sống bệnh nhân có thể bằng không.

“Người thân bệnh nhân hoặc người dân hiếu kỳ cũng thường vây kín xung quanh khi chúng tôi thực hiện cấp cứu. Cản trở tầm nhìn là một chuyện, nhiều người còn liên tục thúc ép, đòi chuyển bệnh nhân tới viện ngay. Nếu không vừa ý, họ sẵn sàng chửi bới, đe dọa bác sĩ. Bởi vậy, chúng tôi luôn phải giữ cái đầu lạnh và tinh thần thép”, bác sĩ Hải kể.

{keywords}
Không gian chật chội của xe cấp cứu khiến các bác sĩ khá khó khăn khi thực hiện các thao tác - Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, tỷ lệ thành công của các ca cấp cứu ngừng tuần hoàn rất thấp, chỉ dưới 10%, thậm chí 2 - 3%.  Sau thời gian “vàng” khoảng 3 phút từ khi ngừng tim, cơ hội cứu bệnh nhân càng khó hơn.

Thế nhưng, bác sĩ 115 có động lực đặc biệt để vượt mọi cái khó. Ông Thắng chia sẻ, tất cả gói gọn trong hai chữ: “niềm tin”. “Một người ngừng tim, nhân viên y tế nói không thể can thiệp, họ chắc chắn sẽ tử vong. Nhưng nếu bác sĩ tự nhủ bệnh nhân chưa tử vong, tức là họ còn hy vọng. Chúng tôi nỗ lực cấp cứu với niềm tin như vậy”, bác sĩ Thắng nói.

Về lý thuyết, ép tim 30 phút mà không hiệu quả, bác sĩ có thể dừng cấp cứu. Tuy nhiên thực tế, các bác sĩ thường can thiệp dài hơn thời gian trên lý thuyết. “Vẫn có vài trường hợp ép tim tới khoảng 40, 60 phút thì bệnh nhân lại tái lập tuần hoàn. Đó là lý do anh em luôn cố gắng thêm dù đã rất mệt”, bác sĩ Thắng kể.

{keywords}
Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Liên
{keywords}
Động lực đặc biệt của các bác sĩ gói gọn trong hai chữ: “niềm tin” - Ảnh: Lê Anh Dũng

Bởi tính nguy kịch của bệnh nhân phải cấp cứu ngừng tuần hoàn, cứu thành công một ca bệnh là hạnh phúc không thể đong đếm với các bác sĩ.

Bác sĩ Thắng rất nhớ trường hợp người phụ nữ 48 tuổi được ông cùng đồng nghiệp tiếp nhận vào 6 năm trước. Người phụ nữ đang ngồi trong nhà thì ngã quỵ rồi bất tỉnh, khi bác sĩ tới nơi phát hiện đã ngừng tim. Gia đình bà vô cùng sửng sốt, đau đớn vì mọi việc quá bất ngờ.

Nỗ lực ép tim cho bệnh nhân tại nhà, trên xe cứu thương thời gian dài nhưng chưa có kết quả, kíp cấp cứu vẫn không bỏ cuộc. Cuối cùng, người phụ nữ hồi tỉnh, bất chợt giật phắt ống nội khí quản được đặt trong miệng.

“Cô điều dưỡng vui quá hét rất to, tới nỗi tài xể tưởng có chuyện gì gấp, phải vội tấp xe vào lề đường. Tôi cũng nhảy lên vì mừng, đập cả đầu vào nóc xe”, bác sĩ Thắng mỉm cười kể.

{keywords}
Tại bệnh viện, bác sĩ 115 sẽ tiếp tục hỗ trợ cấp cứu nếu nhân lực tại viện tạm thời chưa đủ - Ảnh: Lê Anh Dũng

Xe dừng tại bệnh viện, bác sĩ 115 tiếp tục hỗ trợ cấp cứu nếu nhân lực tại viện tạm thời chưa đủ. Họ chỉ rời đi khi chắc chắn bệnh nhân đã nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Dù đã có nhiều kinh nghiệm, nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vẫn thường xuyên đi học thêm tại trường đại học Y và các bệnh viện lớn để nâng cao hơn nữa khả năng phản xạ. Bởi với ca bệnh nặng, đặc biệt là ca ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngoại viện kịp thời và chính xác rất quan trọng để giúp họ giữ mạng sống, tránh những biến chứng nặng nề về sức khỏe sau này.

Nguyễn Liên

Nữ điều dưỡng trẻ mắc 2 bệnh ung thư di căn

Nữ điều dưỡng trẻ mắc 2 bệnh ung thư di căn

Mắc 2 bệnh ung thư giai đoạn cuối, 4 ung thư khác do di căn, Thủy vẫn rất kiên cường, lạc quan. Sự “gan lỳ” của người phụ nữ trẻ trước sóng gió cuộc đời khiến mọi người đều kinh ngạc.