- Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm hạch vùng cổ, vùng dưới  hàm với nhiều hạch cùng xuất hiện kích thước to hoặc nhỏ, nhất là ở trẻ 3-12 tuổi. Khi tổ chức bạch huyết phát triển mạnh và rất nhạy cảm với các yếu tố nhiễm khuẩn (viêm lợi, amiđan...). Cha mẹ không nên quá quan tâm đến việc điều trị những hạch này vì chúng sẽ hết dần khi trẻ lớn và khỏe lên.

 


Vùng cổ và mặt có lưới hạch bạch huyết phong phú. Các nhóm hạch này có thể bị nhiễm khuẩn, nhất là nhóm dưới hàm, mang tai, bên cổ, má. Viêm hạch chiếm gần một nửa trong tổng số ca viêm nhiễm quanh xương hàm.

Nguyên nhân gây viêm hạch cổ, mặt cấp tính thường là tổn thương vùng răng miệng (viêm quanh răng, quanh cuống răng, lợi, niêm mạc miệng, biến chứng sau nhổ răng), do tổn thương ở da (loét da, nhọt ở da) hoặc do viêm amiđan, viêm họng. Viêm hạch cấp thường gặp ở trẻ em. Vùng hay bị viêm là dưới hàm và bên cổ vì hầu hết các đường bạch huyết vùng đầu cổ đều dẫn tới đó.

{keywords}

Trong chứng viêm hạch dưới hàm, người bệnh thấy đau ở vùng dưới hàm, nổi một hoặc vài cục hạch sưng, cứng ở mặt trong xương hàm dưới, lăn dưới tay. Da bình thường, sức khỏe ít bị ảnh hưởng, sốt nhẹ. Nếu cơ thể chống đỡ tốt và được điều trị tốt, triệu chứng trên chỉ kéo dài vài ngày, người bệnh bớt đau trong và ngoài miệng, hạch trở lại bình thường. Có trường hợp tiến triển sang quá trình làm mủ và viêm quanh hạch trong vài ngày sau với biểu hiện: đau tăng, vùng hạch viêm lan rộng, giới hạn không rõ. Viêm lan quá vùng dưới hàm; cử động miệng bị hạn chế, đau dữ dội, nhất là về đêm. Bệnh nhân mất ngủ, mệt mỏi, mạch nhanh, sốt cao 39 độ C. Da trở nên đỏ bóng, nóng. Dần dần, vùng dưới hàm nề cứng, sau đó mềm dần và hình thành ổ mủ.

Viêm hạch lan tỏa dọc bên cổ thường do chứng nhiễm khuẩn răng khôn hàm dưới hay viêm họng gây ra. Biểu hiện ban đầu là nổi một hay vài hạch nhỏ bên cổ, giới hạn rõ, di động; sau đó là sưng nề, cứng dọc cơ ức đòn chũm, giới hạn không rõ, ấn vùng sưng rất đau. Cổ vẹo về bên bệnh, đau khi cử động cổ, nuốt, nói khó. Bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, vật vã.

Chứng viêm hạch mủ bắt đầu bằng một cục u, sau đó sưng, có thể có mủ, giữa vùng sưng có thể ấn lõm. Trong phần mềm của má sờ thấy một dải cứng đi đến nơi gây thương tổn.

Nguyên nhân gây viêm hạch mang tai là nhiễm khuẩn răng miệng hoặc viêm tai, da, nhiễm virus. Hạch cứng, di động, sau đó viêm quanh hạch.

Chứng viêm hạch trong mang tai (giả viêm tuyến mang tai) có biểu hiện: sưng vùng tuyến mang tai, đau tự phát và khi sờ thấy giới hạn không rõ ràng, nước bọt tiết bình thường. Ở giai đoạn làm mủ, mủ lan tỏa ra cả vùng tuyến mang tai làm thành áp xe vùng mang tai.

Viêm hạch cổ, mặt mạn tính thường xảy ra sau những đợt viêm hạch tái phát nhiều lần nhưng cũng có trường hợp tiến triển mạn tính ngay từ đầu (hạch lao, giang mai, ung thư). Biểu hiện: hạch nổi to, di động, chắc, da bình thường, không đau, nhiều tổ chức xơ. Hạch tồn tại nhiều năm hoặc có những lúc viêm cấp, sau đó lại khỏi.

Về điều trị, cần chống viêm toàn thân và tại chỗ, nâng cao thể trạng đối với trường hợp viêm hạch cấp. Nếu có mủ, phải rạch dẫn lưu mủ phối hợp với kháng sinh.

Nguyễn Thu Hiền