Ngày 16/7, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) chia sẻ về trường hợp mang thai hộ sinh con tại bệnh viện. Bé gái là con vợ chồng chị P.T.H.N. (cư trú Đồng Nai) chào đời khỏe mạnh ngày 9/7. Người mang thai hộ là em chồng chị N.

Chị N. kể, vợ chồng chị kết hôn năm 2008. Sau đám cưới, vì muốn sinh con ngay nên họ bồi bổ cơ thể để chờ ngày đón nhận tin vui. Tuy nhiên, mong mỏi ấy cứ vơi dần theo thời gian.

Năm 2014, chị N. cùng chồng đi khám để tìm nguyên nhân. Các kết quả chụp chiếu cho thấy, chị có khối u lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, ứ dịch nặng hai ống dẫn trứng. Không tin vào kết quả, chị đi khám thêm nhiều lần nữa, nhưng ở đâu cũng cùng một kết luận.

Ca phẫu thuật nội soi cắt bỏ ống dẫn trứng và u nang 2 buồng trứng của chị tại Bệnh viện Hùng Vương thành công. Trong năm 2015, 2016, chị thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm 2 lần nhưng thất bại.

Đến lần thứ ba, chị đã thành công. Chị N. cho biết, ngày xét nghiệm máu sau chuyển phôi, hai vợ chồng vui mừng khôn xiết. Nghĩ rằng, sau 10 tháng, hai vợ chồng sẽ chào đón em bé, anh mua quần áo, đồ chơi dần cho con. Thế nhưng, sau hai tháng mang thai, chị không giữ được con.

{keywords}
Bé gái mới sinh ở bên hai người mẹ. Ảnh: BVCC.

Phương pháp cuối cùng anh chị phải chọn là tìm người mang thai hộ. Sau nhiều ngày làm hồ sơ, vợ chồng chị tìm được người mang thai hộ là em gái của anh. Khi nhận được tin chuyển phôi của chị vào tử cung người mang thai hộ, vợ chồng chị vừa mừng vừa lo lắng. “Đó là một trong hai phôi còn sót lại của tôi”, chị N. nói.

Những lo lắng của anh chị đã được đền đáp khi kết quả xét nghiệm sinh hóa cho thấy phôi thai đã thụ trong tử cung của người mang thai hộ với chỉ số beta cao. Phôi thai, tim thai bắt đầu lớn dần, cử động trong tử cung người mẹ mang thai hộ.

Chị N. cho biết, quá trình mong ngày gặp con của chị có nhiều lo lắng. Người mang thai hộ bị đái tháo đường, cao huyết áp, phải nhập viện điều trị khi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đang có diễn biến phức tạp. “Phải đi lại giữa Đồng Nai và TP.HCM thăm khám và làm sao để đảm bảo an toàn phòng chống dịch rất khó khăn”, chị N. kể.

Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, ca mang thai hộ của vợ chồng chị N. là trường hợp thành công đâu tiên của bệnh viện, sau khi chính thức được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Em bé chào đời là nỗ lực của cả cặp vợ chồng hiếm muộn, người mang thai hộ và đội ngũ y bác sĩ của Khoa Hiếm muộn.

“Chúng tôi rất xúc động khi mang đến niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp họ thực hiện thiên chức làm cha mẹ mà họ đã mong đợi từ rất nhiều năm. Đây là bước khởi đầu để chúng tôi có thể tiếp tục chương trình mang thai hộ và sẽ đem lại nhiều hạnh phúc hơn nữa cho các cặp vợ chồng hiếm muộn nói chung và những cặp vợ chồng hiếm muộn có chỉ định mang thai hộ nói riêng…” bác sĩ Tuyết chia sẻ.

Tú Anh

Sản phụ Bắc Ninh mắc Covid-19, bé gái sinh non từng nguy kịch

Sản phụ Bắc Ninh mắc Covid-19, bé gái sinh non từng nguy kịch

Bé gái chào đời khi mới được 35 tuần tuổi. Sau sinh trẻ bị suy hô hấp nặng, nguy cơ tử vong cao.