Nhiễm virus viêm gan B (HBV) là một vấn đề sức khỏe toàn cầu ảnh hưởng đến hơn 350 triệu người trên thế giới. Riêng ở Việt Nam đã có đến khoảng 10-20% dân số bị nhiễm.

Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến các biến chứng nặng như suy gan, xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.

Vậy bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B khi nào cần theo dõi, chưa cần điều trị, khi nào cần bắt đầu nên điều trị, khi nào dừng điều trị, ... hiện đang là mối quan tâm của nhiều thầy thuốc và bệnh nhân.

Tại Hội nghị “Ứng dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý chuyên khoa Truyền nhiễm” được Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức vào ngày 06/ 11/ 2015, công trình nghiên cứu khoa học “Sự kết hợp mức độ qHBsAg và HBV DNA để xác định “người mang HBV không hoạt động thật” trong số những bệnh nhân nhiễm HBV mạn được xem là “người mang HBV không hoạt động” do PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật trình bày sẽ giải đáp một số vấn đề cập nhật nhất hiện nay trong chẩn đoán, theo dõi, điều trị và tiên lượng viêm gan B mạn.

Xác định tỷ lệ người mang HBV không hoạt động thật

{keywords}
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật báo cáo tại hội nghị.

PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: “Trước đây, để xác định người mang HBV không hoạt động, người ta chỉ dựa vào tải lượng virus thấp (HBV DNA <104 coppies/mL, ALT bình thường và HBeAg âm tính). Gần đây, giá trị qHBsAg định lượng đã được bổ sung thêm để chẩn đoán người mang virus không hoạt động thật đối với genotype B và C (gặp chủ yếu ở Việt Nam) là < 100 IU/mL”.

Từ tháng 1/2014 đến 5/2015, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã nghiên cứu 204 mẫu huyết tương từ các bệnh nhân viêm gan mạn được được khám và điều trị, gồm 106 nam và 98 nữ, tuổi từ 18 đến 64.

Mục tiêu của nghiên cứu này là kết hợp mức độ của qHBsAg và HBV DNA để đánh giá tỷ lệ “người mang HBV không hoạt động thật” trong số những bệnh nhân viêm gan B mạn được xem là “mang HBV không hoạt động”.

Những mang HBV không hoạt động được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 gồm 103 bệnh nhân chưa từng được điều trị HBV và nhóm 2 gồm 101 bệnh nhân đã được điều trị bằng những thuốc tương tự nucleos(t)ide (NAs) 48 tuần.

qHBsAg và những kết luận cần theo dõi

{keywords}
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, trong Ban Chủ tọa giải đáp thắc mắc của các quý vị.

Từ các kết quả thu được, các tác giả của công trình nghiên cứu đã đi đến một số kết luận quan trọng như:

(1) Tỷ lệ người mang virus không hoạt động “thật” (với 4 tiêu chuẩn: HBV DNA<104 copies/mL, ALT<40 IU/L, HBeAg (-) tính và qHBsAg <100 IU/mL) trong số những người viêm gan B mạn chưa điều trị được xem là mang HBV không hoạt động chỉ là 30,10%.

(2) Tỷ lệ người mang HBV không hoạt động “thật” trong số những người viêm gan B mạn được điều trị NAs 48 tuần được xem là mang HBV không hoạt động cũng chỉ là 26,73%.

(3) Không có sự tương quan có ý nghĩa giữa qHBsAg và HBV DNA ở những bệnh nhân này. Như vậy, qHBsAg là một thông số sinh học không thể thiếu được trong chẩn đoán trạng thái mang HBV không hoạt động thật.

Các kết luận này thể hiện rằng: nếu không đánh giá đúng được trạng thái người mang virus không hoạt động “thật” trong số những người viêm gan B mạn chưa điều trị hoặc đã được điều trị được xem là mang HBV không hoạt động mà không có biện pháp can thiệp thì nguy cơ tái phát, nguy cơ xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan sẽ còn rất cao.

Với sự tập hợp của các kiến thức trong nhiều lĩnh vực Hóa sinh, Huyết học, Miễn dịch, Vi sinh, Sinh học Phân tử, … cùng với các kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh, Mô bệnh học, … trong trong thực tế lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC mong muốn cùng các đồng nghiệp nâng cao chất lượng chẩn đoán, theo dõi hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh viêm gan B mạn.

Đồng thời, Hội nghị còn mang đến những chia sẻ, trao đổi quý báu về những biện pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, giang mai, bệnh sán lá, sán dây,...

Thanh Loan