F0 tự test, tự báo, tự theo dõi

Ngày 25/11, anh H. (phường 22, quận Bình Thạnh) liên hệ với trạm y tế phường thông báo đã dương tính với nCoV. Nhân viên y tế sau khi lưu thông tin cá nhân, thông báo với anh H. quận đã hết túi thuốc C (Molnupiravir ). Trạm chỉ có sẵn túi thuốc A (vitamin và paracetamol).

{keywords}
Người dân phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM đến lấy mẫu test nhanh tại trạm y tế.

Anh H. nhận thấy các thuốc thuộc túi A đều rất dễ tìm, trong nhà có sẵn, nên nhân viên y tế không cấp thêm. Người này dặn anh tự theo dõi tại nhà, gọi điện thoại cho bác sĩ nếu cần.

“Tôi liên hệ số điện thoại đó nhưng không được”, anh H. cho biết.

Gia đình anh H. đang sống tại 1 chung cư tại quận Bình Thạnh, cùng với vợ và mẹ gần 80 tuổi.  Anh băn khoăn vì đã làm đúng các quy trình ngành y tế khuyến cáo khi phát hiện dương tính, nhưng những gì F0 nhận được chỉ vỏn vẹn là một cuộc điện thoại.

“Không có ai xuống test lại cho tôi và người thân dù bà là yếu tố nguy cơ, không ai kiểm tra hay tư vấn”, anh cười.

Để chắc chắn, anh phải liên hệ một phòng khám tư xuống tận nhà lấy mẫu xét nghiệm PCR cho 3 thành viên và đang chờ kết quả. Trong thời gian này, anh tìm tòi những kinh nghiệm các F0 cách ly tại nhà đã khỏi bệnh để làm theo.

“Nói chung, mình tự làm hết”, F0 này cho biết.

Trạm lưu động có cũng như không

Phường 22, quận Bình Thạnh hiện có 500 F0 tại nhà. Theo thông báo của Sở Y tế TP.HCM, mỗi trạm y tế lưu động sẽ theo dõi từ 50-100 F0 tại nhà. Như vậy, về lý thuyết, phường này cần có tối đa 5 trạm y tế lưu động.

{keywords}
Xếp hàng chờ đến lượt test nhanh.

Nhưng thực tế, chị Ngô Thị Minh Thu, Trưởng Trạm y tế phường 21, quận Bình Thạnh cho biết, chỉ có 1 trạm lưu động được thiết lập. Đáng nói, không có bác sĩ hay nhân viên y tế nào là nhân sự tăng cường hay điều động từ tuyến trên. Chính bác sĩ của trạm y tế phường đảm nhận luôn y tế lưu động.

“Trạm lưu động nói là 4 nhân sự nhưng 2 nhân sự của trạm y tế cố định rồi, 2 tình nguyện viên nữa. Nguồn lực của mình, công việc vẫn thế, không có thời gian mà làm”, chị Thu cho biết.

Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng, quản lý 500 F0 cách ly tại nhà trong tổng dân số 50.000 dân. Số F0 vẫn có xu hướng tăng thêm.

Theo trạm trưởng, trước đây phường 22 có 5 trạm y tế lưu động phân chia phụ trách theo khu phố, rất hiệu quả, không chồng chéo. F0 cách ly tại nhà được điện thoại thăm hỏi mỗi ngày, thăm khám trực tiếp, xử trí mọi việc rất nhanh. Nhờ vậy, y tế cơ sở bớt đi gánh nặng.

{keywords}
Trạm y tế có 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng theo dõi 500 F0 cách ly tại nhà.

Còn lúc này, trạm lưu động cũng chính là trạm y tế phường. Người dân đổ dồn về một nơi nên không thể không quá tải. Vừa test nhanh triệu chứng, vừa test F0 hoàn thành cách ly, điều tra truy vết… trạm còn gánh thêm việc tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 và tiêm cho người lao động ngoại tỉnh sống trên địa bàn.

Nhân lực đã thiếu nay càng thiếu hơn.

Với lượng F0 tại nhà ngày càng tăng,  nhân sự y tế không thể đáp ứng. Chị Thu khẳng định, không thể nào gọi điện thăm khám hay xuống trực tiếp dù rất muốn chăm sóc bà con chu đáo.

Điểm thuận lợi là hầy hết F0 đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nên trạm tư vấn về các triệu chứng có thể xảy ra.  Trường hợp F0 bị tức ngực, khó thở hay bất thường, 2 tổ phản ứng nhanh của phường 22 sẽ đưa bình ô xy xuống khẩn cấp.

Thiế người, quá tải, y tế cơ sở còn ghi nhận nhiều F0 đang khiến công việc thêm phần vất vả. “Mình giăng dây, dán bảng cách ly nhưng họ vẫn chui ra ngoài đi lại tự do. Ý thức như vậy thì nguy cơ lây lan ngoài cộng đồng vẫn còn”, chị Thu bức xúc.

Trước phản ánh nhiều F0 không nhận được túi thuốc C, trạm trưởng trạm y tế cho biết, thuốc C thiếu là tình trạng chung của các địa phương. Quận Bình Thạnh đã hết thuốc gần 1 tuần, sau đó mỗi phường nhận được 10 túi thuốc C, chỉ ưu tiên trường hợp cần thiết vì không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh.

“Cao điểm chúng tôi tiếp nhận trên hơn 80 F0 mới phát sinh cách ly tại nhà. Chỉ mong người dân cố gắng ý thức vì cộng đồng”, chị Ngô Thị Minh Thu tâm tư.

Không riêng phường 22, quận Bình Thạnh, F0 tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức cũng khát thuốc C.  Gia đình anh Nguyễn Thanh Bình được y tế xuống tận nhà sau 1 ngày tìm mọi cách báo dương tính.

Trạm y tế lưu động đã test nhanh cho gia đình anh, với 2 F0 là vợ và con gái hơn 1 tuổi. Vì vợ anh đang có triệu chứng sổ mũi, đau đầu, nên gia đình muốn đăng ký sử dụng thuốc C Molnupiravir.

Tuy nhiên, nhân viên này cho biết, túi  thuốc C cuối cùng của phường đã phát cho F0 vào chiều 24/11. Người này cũng xác nhận số lượng F0 đang quá cao tại phường Phước Long B, nên trạm y tế lưu động phải đi đến rất nhiều nhà.

“Chậm trễ là khó tránh khỏi, mong gia đình anh chị thông cảm”, tình nguyện viên của Trạm y tế lưu động chia sẻ.

{keywords}
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM

Trong họp báo chiều 25/11, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, TP đang nỗ lực để gần 60.000 F0 tại nhà được tiếp cận y tế đầy đủ. Tuy nhiên, có những phường chỉ có 10 nhân viên y tế quản lý 170.000 dân, lực lượng mỏng nên  khó khăn.

Ông Hải cho biết, TP sẽ tăng cường nhân lực cho trạm y tế lưu động và trạm y tế cơ sở, có cơ chế giúp y tế cơ sở có thêm điều kiện hoạt động. Đồng thời, sẽ điều động Bộ tư lệnh TP.HCM cử thêm quân y, dân quân phối hợp cùng ngành y tế, bổ sung cho các trạm y tế lưu động.

“Nếu có những đơn vị làm chưa tốt, người dân không chờ đợi được, hãy gọi cho những nơi khác như Cấp cứu 115, Trung tâm Y tế quận huyện, UBND phường….”, ông Hải khuyến cáo.  

Trước đó, ngành y tế TP cho biết sẽ tăng cường các trạm y tế lưu động để quản lý F0 tại nhà. Tuy nhiên, nếu trạm y tế lưu động như cách thiết lập tại phường 22, quận Bình Thạnh, sẽ chỉ thêm khó khăn cho y tế cơ sở. 

Linh Giao

F0 ở TP.HCM than bị 'ngó lơ', y tế phường đuối sức

F0 ở TP.HCM than bị 'ngó lơ', y tế phường đuối sức

Nhiều F0 tại TP.HCM cách ly tại nhà rơi vào cảnh không được quan tâm do một số trạm y tế quá tải khi lực lượng chi viện không còn như trước đây.