90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus. 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virut ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Đó là mục tiêu 90-90-90 mà các hoạt động phòng chống HIV/AIDS hướng tới vào năm 2010. Theo đó, HIV dù vẫn là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có thuốc chữa khỏi, chưa có vaccine phòng tránh, nhưng vẫn không phải là "dấu chấm hết" với những người không may nhiễm bệnh. Họ thậm chí vẫn hoàn toàn có thể có cuộc sống bình thường.

Điều trị ARV, HIV không còn là “án tử”

TS. Hoàng Đình Cảnh- Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết trước đây HIV được gọi là “căn bệnh thế kỷ”, nếu nhiễm HIV thì coi như mang “án tử” nên không ít người khi biết mình bị HIV đã tự tử hoặc có hành động quá khích.

Hiện nay, với các loại thuốc và phương pháp điều trị hiện đại, HIV không còn là “án tử” nữa, người nhiễm HIV vẫn có thể có cuộc sống như bình thường và khỏe mạnh. Thực tế đã chứng minh rõ ràng, người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV ở Việt Nam vào tháng 12/1990 là một phụ nữ 30 tuổi. Đến nay sau gần 30 năm, người phụ nữ này vẫn sống khỏe mạnh do dùng thuốc kháng virus ARV đều đặn và có cuộc sống tích cực, lạc quan.

Cùng với đó, còn nhiều trường hợp người nhiễm HIV khác ở nước ta vượt qua được sự mặc cảm về bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống, làm được nhiều công việc đóng góp cho xã hội. “HIV không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ. Cái đáng sợ nằm ở sự thiếu hiểu biết về HIV và thái độ khi đối diện với nó, cũng như thái độ của cộng đồng với người bệnh”, ông Cảnh chia sẻ.

{keywords}
Nếu tuân thủ chỉ định và hướng dẫn điều trị của thầy thuốc, người bệnh sẽ không lây bệnh cho vợ hoặc chồng của mình, trong khi đó vẫn có thể có được những đứa con mạnh khỏe.

Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết thêm, nếu người bị nhiễm HIV được xác định sớm và điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc kháng virus ARV thì sau 3 tháng nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm sẽ bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm đo tải lượng HIV thì không còn phát hiện nữa.

Như vậy, người bệnh đã khỏe mạnh giống như người không bị nhiễm HIV và không còn lây nhiễm HIV cho người khác. Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, người dân và cộng đồng cần hiểu đúng về HIV để không có tâm lý hoang mang và kỳ thị với người bệnh, vì nhiều khi sự kỳ thị có thể giết một người còn nhanh hơn cả virus HIV.

Số liệu mới nhất từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam đang có hơn 130.000 bệnh nhân HIV được điều trị bằng thuốc ARV, chiếm 58% người nhiễm HIV được phát hiện. Với việc số người được tiếp cận với thuốc ARV tăng nhanh, hiệu quả điều trị tại Việt Nam trong 10 năm qua đã giúp khoảng 150.000 người nhiễm HIV thoát khỏi tử vong và dự phòng cho khoảng 450.000 người không nhiễm HIV.

Tháng hành động 2018: nhắm mục tiêu 90-90-90

Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2018 diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12, nhằm tăng cường các hoạt động Dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS...

{keywords}
Nhiều hoạt động truyền thông diễn ra trong Tháng Hành động phòng, chống HIV/AIDS 2018.

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, nhiều hoạt động đã được diễn ra trong Tháng hành động 2018.

Các hội nghị, hội thảo sẽ được tổ chức, theo các chủ đề: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng; đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; huy động và đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; Chi trả các chi phí điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT; kiểm điểm việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, tại trường học và nơi làm việc; kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Y tế về tăng cường các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế...

Các buổi gặp những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV cũng sẽ diễn ra nhằm truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; lợi ích của BHYT với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế....

Các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng, các cuộc thi đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS cũng sẽ diễn ra khắp nước để quảng bá rộng khắp kiến thwucs phòng chống, điều trị HIV/AIDS.

 Q.H