Đầu tuần này, các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin Oxford - AstraZeneca có hiệu quả lên tới 90% khi tiêm một nửa liều sau đó là cả liều. Tỷ lệ hiệu quả đó ngang bằng với các ứng cử viên vắc xin Covid-19 khác được Pfizer và Moderna công bố hồi đầu tháng. Trong nhóm được tiêm đủ hai liều, vắc xin có hiệu quả 62%. Kết hợp lại, các nhà sản xuất thuốc cho biết, loại vắc-xin này hiệu quả 70%.

{keywords}

Ảnh minh họa: University of Oxford

Ngày 25/11, Đại học Oxford thông báo một số lọ vắc xin được sử dụng trong cuộc thử nghiệm không có nồng độ phù hợp nên một số tình nguyện viên đã tiêm một nửa liều.

Trường đại học nói họ đã thảo luận vấn đề này với các cơ quan quản lý và sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn muộn với hai nhóm. Sự cố sản xuất đã được khắc phục.

Giám đốc điều hành của AstraZeneca cho biết có khả năng sẽ có một cuộc thử nghiệm bổ sung sau các kết quả gần đây. Tuy nhiên, phát ngôn viên của hãng khẳng định thử nghiệm giai đoạn cuối "không phải là một thử nghiệm hoàn toàn mới".

Tuyên bố ban đầu của Đại học Oxford và AstraZeneca không đề cập đến lỗi dùng thuốc. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển phi ung thư của AstraZeneca, Mene Pangalos, nói rằng lý do cho một nửa liều là tình cờ và may mắn.

Tin tức về sai sót trong liều lượng được đưa ra khi thế giới đang tập trung phát triển vắc xin Covid-19 để giúp chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1,4 triệu người.

Cách thức thông báo kết quả của vắc xin Oxford đã dẫn đến các thắc mắc của các chuyên gia.

"AstraZeneca - Oxford nhận điểm kém về tính minh bạch và nghiêm ngặt khi công bố kết quả thử nghiệm vắc xin", Natalie Dean, Phó giáo sư Đại học Florida, đánh giá.

“Một điểm nhầm lẫn khác đến từ quyết định gộp kết quả từ hai nhóm người nhận được các mức dùng thuốc khác nhau để đạt hiệu quả trung bình 70%”, ông David Salisbury, Viện Quan hệ quốc gia Hoàng gia (Anh) nói.

“Bạn đã thực hiện hai nghiên cứu về việc sử dụng các liều lượng khác nhau và đưa ra kết hợp không đại diện cho liều lượng nào cả”.

Các chuyên gia cũng đánh giá số lượng người dùng liều thấp tương đối nhỏ (2.741 người). Như vậy, khó khẳng định hiệu quả có thật như vậy không. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra, thử nghiệm chỉ là thử nghiệm và những phát hiện tình cờ là bình thường.

Nicola Stonehouse, Giáo sư Đại học Leeds, cho biết: “Đây là một lỗi rất may mắn. Đôi khi các thử nghiệm không diễn ra theo cách bạn nghĩ".

Nhưng vị chuyên gia này cảnh báo, cho đến nay chỉ có một bản tóm tắt kết quả, không phải dữ liệu thực tế. Cơ quan quản lý sẽ phải theo dõi nghiêm ngặt để đảm bảo kết quả không làm suy giảm niềm tin của công chúng vào nỗ lực tiêm chủng cho hàng tỷ người.

An Yên (Theo AP, Reuters)

Người sáng chế vắc xin Covid-19 giá rẻ: Ba con trai đều tiêm thử nghiệm

Người sáng chế vắc xin Covid-19 giá rẻ: Ba con trai đều tiêm thử nghiệm

Các cậu con trai sinh ba 21 tuổi xung phong tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 do mẹ và nhóm các nhà khoa học ở Anh nghiên cứu.