Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm.

Thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều địa phương liên tục ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền, trong đó phát hiện nhiều vi phạm.

Tại Hà Nội, Ban chỉ đạo 389 của thành phố cho biết, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều DN, cơ sở sản xuất mỹ phẩm núp bóng đông y gia truyền không đăng ký chất lượng.

{keywords}
Cơ quan chức năng tại Hà Nội thu giữ mỹ phẩm không có nguồn gốc

Ngày 22/6, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (tên thường gọi Ngọc Tú Nature Beauty), tại huyện Thanh Trì đã phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm đông y dưỡng da, trị mụn, kem chống nắng, sữa rửa mặt... không giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm; không giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất hàng hoá.

Được biết hơn một năm qua DN này đã tổ chức sản xuất mỹ phẩm đông y sau đó tiêu thụ tại các cửa hàng spa tại Hà Nội và một số tỉnh, thành; đồng thời mở 246 đại lý bán hàng online trên mạng.

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành số 2 TP Hà Nội về an toàn thực phẩm đã kiểm tra tầng 5 nhà 45, ngõ 9, Hoàng Cầu, quận Đống Đa đã phát hiện 7 loại mỹ phẩm rửa mặt, kem trị nám gắn mác đông y gia truyền Nguyệt Tâm Đường, Ngọc Sơn Đường chất lượng không bảo đảm... Chủ cơ sở khai nhận mua nguyên liệu qua mạng sau đó sang chiết vào các lọ, túi và đóng gói, dán tem rồi thông qua mạng xã hội để tiêu thụ.

{keywords}
Mỹ phẩm giả được bày bán công khai tại các chợ

Trong ngày 7/6, Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện một kho tập kết cất giữ 20.000 sản phẩm sữa tắm, dầu gội đầu, sữa dưỡng thể... đông y gia truyền.

Tại TP.HCM, tổ công tác 334 (Bộ Công thương) phối hợp với Chi cục QLTT TP.HCM cũng đã ra quân tổng kiểm tra trên 70 cơ sở, điểm kinh doanh mỹ phẩm, TPCN, thuốc y học cổ truyền đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm.

Tại nhà thuốc Y học dân tộc tư nhân Vĩnh Xuân (313 Nguyễn Trãi, P.7, Q.5) chuyên bán các loại cao đơn hoàn tán ngoại nhập và nội địa, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm là TPCN do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.

Khi đoàn kiểm tra nhiều cửa hàng tại chợ sỉ thuốc Tây ở Q.10, cũng đã thu giữ 14 thùng TPCN; chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Minh Sang.

Sẽ siết chặt quản lý

Trước tình trạng bát nháo nói trên, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ký công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường giám sát, phát hiện dược phẩm, mỹ phẩm giả.

Trước đó, ngày 19/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Để thực hiện nghiêm túc, kịp thời Chỉ thị của Thủ tướng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ Dược, Phòng Quản lý hành nghề, Phòng Y tế quận huyện trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn về việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược, mỹ phẩm; chú trọng kiểm tra việc mua bán thuốc, mỹ phẩm có hóa đơn chứng từ hợp pháp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, thông tin sản phẩm (tên sản phẩm, dạng bào chế, số đăng ký, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, số lô, hạn dùng...).

Đồng thời, phối hợp với ban chỉ đạo 389 của địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ sản xuất, buôn bán, mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép sản xuất, lưu hành.

Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, theo quy định hiện hành, đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm không phép.

Cục Quản lý Dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm chủ động rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý thuốc và mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá thuốc, chất lượng thuốc...

Thiên Thư