- Được phát hiện thoát vị bẹn quá muộn, nhiều trẻ đã bị hoại tử ruột, hoại tử buồng trứng hết sức đáng tiếc.

Có u cục ở bẹn, nghĩ ngay đến thoát vị

Cô con gái 4 tuổi Đỗ Bảo Nhi của chị Lê Thị Hồng Nhung (Thường Tín, Hà Nội) hàng ngày vẫn ăn uống, đi học vui vẻ. Cách đây gần 1 tháng, trong lúc tắm cho con, chị Nhung thảng thốt phát hiện bên bẹn phải của con có một cục u lớn, cứng.

"Tôi theo dõi 1 tuần liên tục thấy khối u phập phồng, khi chạy nhảy thì tụt xuống, bình thường lại nổi lên. Lạ là dù có u nhưng con không đau, không khóc", chị Nhung chia sẻ.

Khi đi khám tại tuyến dưới, bé Nhi được chẩn đoán bị thoát vị bẹn và được chuyển tiếp lên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) để điều trị và được xếp lịch mổ vào ngày 29/6.

{keywords}
Trường hợp ruột sa gây thoát vị bẹn ở bé trai

Cũng vô tình phát hiện hạch ở bẹn con, chị Nguyễn Công Thị Loan (Đan Phượng, Hà Nội) kể, ban đầu mỗi khi con trai Ngọc Kiên (1 tháng tuổi) vặn mình hoặc đi vệ sinh, chị thấy con quấy khóc nhiều hơn, nhưng nghĩ là do bé khó chịu.

"Đến khi thay tã cho con, tôi thấy một bên bẹn con bị sưng, hôm sau bên còn lại cũng sưng, khi ấn tay vào thì thấy u cứng. Hoảng hốt nghĩ con mắc bệnh trọng, tôi cho con đi khám thì phát hiện bé bị thoát vị bẹn 2 bên, tinh hoàn trái đã có dịch", chị Loan kể.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, thoát vị bẹn là một dị tật do ống bẹn và ống phúc tinh mạc không bịt kín ngay khi trẻ chào đời, khiến các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống, tạo thành một khối phồng tại vùng bìu bé trai hoặc gần âm hộ bé gái.

Nhiều người vẫn nhầm tưởng thoát vị bẹn chỉ gặp ở bé trai, nhưng trên thực tế, bé gái cũng bị thoát vị bẹn. Tỉ lệ bé trai bị cao hơn từ 3-10 lần.

Thoát vị bẹn chiếm 0,8-4,4% bệnh lý ở trẻ em. Càng sinh non, tần suất mắc bệnh càng lớn. Có trẻ có biểu hiện bệnh từ ngay khi sinh, đặc biệt ở những trường hợp sinh non như bé Ngọc Kiên nói trên (sinh non 35 tuần nhưng cũng có nhiều trường hợp 3-4 tuổi mới phát hiện.

PGS Sơn cho hay, đây là một bệnh lý bẩm sinh, không tự hết nhưng rất nhiều trường hợp vẫn đến mổ muộn vì gia đình cho rằng bệnh có thể tự khỏi.

Có thể hoại tử ruột nếu phát hiện muộn

Theo PGS Sơn, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thoát vị bẹn, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng có thể chui vào ống phúc tinh mạc và bị nghẹt tại đó hoặc gây tổn thương tinh hoàn do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép.

"Nếu để quá lâu sẽ dẫn đến hoại tử ruột, hoại tử buồng trứng hết sức nguy hiểm", PGS Sơn cảnh báo.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhi Nguyễn Thu Hoa (6 tháng tuổi, Hà Nội), do đến nhập viện quá trễ, một buồng trứng của bé đã bị xoắn vào bên trong bao thoát vị gây mủn nát khiến các bác sĩ buộc phải cắt bỏ. Trong khi nếu được phát hiện sớm, bác sĩ chỉ cần mổ tháo xoắn buồng trứng.

{keywords}
PGS Sơn đang mổ nội soi 1 lỗ cho bệnh nhi bị thoát vị bẹn

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật kinh điển với thoát vị bẹn ở trẻ là mổ rạch 2-3cm tại bẹn. Phương pháp tiên tiến nữa có mổ nội soi 3 lỗ, 2 lỗ trên bụng và 1 lỗ kim khâu.

Tuy nhiên cả 2 cách này vẫn nhìn thấy sẹo. Từ đó PGS.TS Trần Ngọc Sơn nghiên cứu mổ nội soi 1 lỗ điều trị thoát vị bẹn tại vị trí rốn bệnh nhân (đặt cả trocar quan sát và hỗ trợ cuộc mổ).

Từ 20/6 đến nay, đã có tới hơn 20 trẻ được phẫu thuật bằng phương pháp mới này. Thời gian phẫu thuật cho mỗi ca thoát vị bẹn 2 bên chỉ khoảng 45 phút, bệnh nhân có thể ra viện vào hôm sau.

Phương pháp này có thể áp dụng kể cả với trẻ sơ sinh, trừ những trường hợp sinh non hoặc cân nặng dưới 2kg.

T.Hạnh