- Điều chỉnh theo lương cơ bản, từ 15/1/2019, giá nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng trung bình khoảng 10%.

5 đối tượng được miễn hoàn toàn viện phí từ tháng 12 năm 2018

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 39 thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Thông tư có hiệu lực từ 15/1/2019 (thay thế Thông tư 15, ngày 30/5/2018).

Mức phí trên được áp dụng thống nhất với bệnh nhân trả viện phí trực tiếp và bệnh nhân BHYT.

Bộ Y tế giải thích, do mức lương cơ sở đã tăng từ 1,15 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng từ tháng 7/2018, trong khi giá dịch vụ y tế có tính chi phí tiền lương nên các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công như tiền khám bệnh, phẫu thuật, tiền giường bệnh... sẽ tăng thêm khoảng 10% sau đợt điều chỉnh lần này.

{keywords}
Nhiều giá dịch vụ y tế liên quan đến nhân công sẽ tăng trong đầu năm tới

 

Theo đó, tiền khám bệnh tại các tuyến tăng 10%, dao động từ 26.000-37.000 đồng/lượt khám. Cụ thể, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tăng từ 33.100 đồng lên 37.000 đồng. Giá khám bệnh tại bệnh viện hạng 2 từ 29.600 đồng lên 33.000 đồng. Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 tăng từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng.

Giá ngày giường điều trị cũng tăng tương ứng, trong đó tiền ngày giường cho bệnh nhân hồi sức tích cực, ghép tủy, ghép tạng, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tăng lên 753.000đ/ngày (cao hơn gần 70.000đ/ngày so với hiện hành). Tại bệnh viện hạng 1, giá giường tăng từ 615.600 đồng lên 678.000 đồng.

Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên 441.000 đồng. Ở bệnh viện hạng 4, giá dịch vụ này là 242.000 đồng, tăng gần 21.000 đồng so với giá cũ.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính, Bộ Y tế cho biết, trong khoảng 1.900 dịch vụ được tính giá mới, chỉ các dịch vụ sử dụng nhiều nhân công mới tăng cao, còn lại các dịch vụ như siêu âm thông thường, chụp cộng hưởng từ... chỉ tăng khoảng 1%.

Theo ông Liên, các trường hợp người nghèo, nhóm đối tượng chính sách không bị ảnh hưởng do BHYT chi trả 100%. Các đối tượng cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 2% nên tác động không đáng kể.

Với những trường hợp có thẻ BHYT còn lại (đồng chi trả 20%) sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên ông Liên cho rằng không quá nhiều, nhất là những người tham gia BHYT 5 năm liên tiếp sẽ được chi trả số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm không có thẻ BHYT, hiện chiếm khoảng 15%, do đó Bộ Y tế khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT để hưởng nhiều quyền lợi khi khám chữa bệnh.

Thúy Hạnh