- Bộ Y tế ra công văn khẩn trước tình hình dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, lan ra 13 tỉnh, thành phố.

Chiều nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gửi công văn khẩn tới UBND 63 tỉnh, thành phố, yêu cầu chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người.

Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh cúm A (H7N9) tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố (Vân Nam, Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Giang Tô...) với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%).

{keywords}
Cúm gia cập có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam rất lớn

Riêng trong 2 tháng, đã ghi nhận hơn 340 trường hợp mắc tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013. Trong đó tháng 1, quốc gia này có ít nhất 79 trường hợp tử vong, gấp 4 lần so với cùng kỳ những năm trước.

Nếu tính tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận gần 1.200 trường hợp mắc.

Trong khi đó tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia) là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta cũng đang xuất hiện ổ dịch H5N1.

Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Do đó, Bộ Y tế nhận định khả năng dịch xâm nhập vào nước ta là rất cao.

Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, đặc biệt tại chợ đầu mối.

Đồng thời giao các Sở NN&PTNT giám sát dịch bệnh, chủ động trên các đàn gia cầm và kịp thời thông báo cho ngành y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bệnh cúm A(H7N9) ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do vi rút cúm A(H7N9) trên gia cầm lây sang người, bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh cúm A(H7N9) có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H7N9) ở người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

5. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

- Đối với với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9) WHO đưa ra một số khuyến cáo như sau:

1. Không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm;

2. Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm;

3. Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi;

4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng;

5. Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh cá nhân tốt;

6. Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do cúm A (H7N9) và được khám, chẩn đoán để xác định.

(Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

 

T.Hạnh