Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc viêm mũi dị ứng (VMDU) nằm ở mức cao với khoảng 12,3% dân số, bệnh đang có xu hướng gia tăng với nguyên nhân chính là do sự ô nhiễm không khí, môi trường sống thay đổi…

Dễ chuẩn đoán nhầm

Biểu hiện của VMDU rất đa dạng và đôi khi dễ nhầm với các bệnh khác. Ví dụ chảy mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ngứa mũi là các triệu chứng cơ bản của viêm mũi nhưng cũng là biểu hiện của cúm, viêm đường hô hấp trên… Tình trạng đỏ mắt, ngứa và chảy nước mắt dễ nhầm với viêm kết mạc dị ứng. Mẩn ngứa dễ nhầm với viêm da cơ địa…

Ngoài ra, ngay cả khi các triệu chứng này kết hợp, bác sĩ tai - mũi - họng cũng thường ít chú ý đến biểu hiện ở mắt và ngược lại. Hậu quả là chẩn đoán chưa đủ, chẩn đoán sai… dẫn tới điều trị sai, kết quả không khả quan như mong đợi.

Bệnh dai dẳng vì điều trị không đúng cách. Ảnh minh họa: Internet.
Theo Báo cáo của GS. Glenis Kathleen Scadding - bệnh viện Tai - Mũi - Họng Hoàng gia Anh, chủ tịch Hội Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, 42% bệnh nhânVMDU mắc ít nhất một triệu chứng mức độ vừa và nặng trên mũi, một triệu chứng vừa và nặng trên mắt. Các triệu chứng VMDU gây phiền toái cho 93% bệnh nhân trong thời gian ban ngày và 47% bệnh nhân trong thời gian ban đêm.

Không hết bệnh vì chủ quan

Cũng theo GS Glenis Scadding: “Các nguyên nhân chính gây ra những thách thức mới trong điều trị VMDU là sự chủ quan trong nhận thức về tầm quan trọng của căn bệnh này, nhìn nhận về các triệu chứng của căn bệnh chưa đầy đủ, sử dụng thuốc chưa hợp lý. Công tác giáo dục bệnh nhân về cách phòng ngừa căn bệnh chưa được làm tốt. Ngoài ra, bệnh nhân VMDU thường sợ hoặc ngần ngại dùng thuốc, tự ý bỏ thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ”.

Với tâm lý chủ quan, bệnh nhân VMDU thường tự ý dừng thuốc khi thấy hết biểu hiện bệnh đến khi các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi xuất hiện trở lại mới dùng thuốc tiếp, khiến việc điều trị kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự tuân thủ điều trị thấp của bệnh nhân còn bởi cách sử dụng dụng cụ hiện tại gây khó khăn cho bệnh nhân (khó sử dụng, gây đau, chảy xuống họng…), khó dùng cho trẻ nhỏ, phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân có cả triệu chứng mũi và mắt.

Không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng lâu dài

Để điều trị hiệu quả, trước hết bệnh cần được chuẩn đoán chính xác. Khi chuẩn đoán cần dựa vào các yếu tố tiền sử các bệnh dị ứng của bản thân và gia đình như nổi mề đay, hen phế quản (suyễn), nhức nửa đầu… Khi chuẩn đoán cũng cần thận trọng để không nhầm với các bệnh khác có biểu hiện bệnh tương tự.

Tuỳ mức độ bệnh, bệnh nhân VMDU nên áp dụng cách điều trị riêng.

Đối với các trường hợp nhẹ bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng histamine. Đối với các trường hợp vừa và nặng, thuốc xịt mũi tại chỗ chứa corticoid điều trị hiệu quả bản chất viêm của VMDU, kiểm soát các triệu chứng bệnh ở cả mũi và mắt.

Ngoài các tác động trực tiếp ở mũi, cơ chế tác dụng trên mắt được hiểu là do đặc tính ái lực cao với thụ thể glucocorticoid, thuốc ức chế mạnh mẽ cơ chế phản xạ thần kinh mũi - mắt, do đó làm giảm các chất trung gian gây triệu chứng bệnh ở cả mắt. Hiện nay, dụng cụ xịt mũi cũng đã được cải tiến tiện lợi và an toàn cho người sử dụng.

Ngoài ra, bệnh nhân VMDU cần tránh các chất gây dị ứng do hít bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang khi đi đường, tại nơi làm việc phải có trang phục bảo hộ để tránh bụi, khói, hơi thuốc, giải mẫn cảm (tìm đúng chất gây dị ứng thì tỷ lệ thành công sẽ cao, tuy nhiên không dễ vì có vô số dị nguyên), rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

VMDU tuy không nghiêm trọng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến đời sống xã hội, giấc ngủ, học hành, công việc và tác động đáng kể về mặt kinh tế.

Điều đáng lưu ý là nhiều nghiên cứu và những bằng chứng lâm sàng cũng đã chứng minh mối liên quan chặt chẽ giữa VMDU và các bệnh khác của đường hô hấp như viêm xoang, viêm tai giữa, polyp mũi và đặc biệt là bệnh hen suyễn. VMDU do vậy không thể chủ quan coi thường mà rất cần được nhận thức đúng đắn mức nguy hại, phòng ngừa và điều trị triệt để.

  • Ngọc Minh