Được thực hiện như quá trình lấy máu xét nghiệm thông thường, xét nghiệm Troponin-I siêu nhạy (hsTnI) với độ chính xác rất cao và rút ngắn thời gian giúp các bác sĩ phát hiện sớm nhồi máu cơ tim.

Phát hiện sớm giảm thiểu di chứng

Đã từng vài lần phải đưa mẹ chồng vào bệnh viện cấp cứu vì e ngại cụ bị nhồi máu cơ tim, chị Trịnh Thị Yên Chi (TP.HCM) cho biết: “Mỗi khi cụ nói thấy trong người mệt mỏi, đau thắt ngực, gia đình luôn phải gấp rút đưa cụ vào bệnh viện vì rất sợ nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, chỉ riêng việc xác định có phải nhồi máu cơ tim không cũng đã là cả quá trình đầy căng thẳng cho bệnh nhân lẫn người nhà.

Trước đây, mẹ chồng tôi phải ở lại bệnh viện ít nhất 6 tiếng đồng hồ, thực hiện nhiều xét nghiệm chẩn đoán khác nhau. Thú thật, chỉ riêng quá trình chờ đợi mệt mỏi và quá nhiều xét nghiệm này cũng khiến bệnh nhân muốn… mệt tim theo!”

{keywords}

Thực tế, trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, vấn đề thời gian luôn được đặt ra. Mỗi phút, mỗi giờ phát hiện sớm đều vô cùng quý giá, có thể quyết định đến cả chuyện “sinh tử” của bệnh nhân. Thêm vào đó, việc nhanh chóng loại trừ các nguyên nhân gây mệt mỏi, khó thở, đau thắt ngực… không phải do nhồi máu cơ tim bằng số lượng xét nghiệm tối thiểu nhất cũng rất quan trọng. Bởi lẽ, điều này giúp người nhà bệnh nhân đỡ vất vả và bản thân bệnh nhân cũng tránh được sự mòn mỏi chờ đợi để thực hiện các xét nghiệm bổ sung.

Chính vì thế, sự ra đời của xét nghiệm Troponin-I siêu nhạy (hsTnI) ARCHITECT của Abbott được đánh giá là một bước tiến lớn trong lĩnh vực chẩn đoán nhồi máu cơ tim.

Tạp chí y khoa uy tín The Lancet đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy xét nghiệm Troponin-I (hsTnI) siêu nhạy có thể phát hiện nhanh chóng và chính xác nguy cơ nhồi máu cơ tim, giúp xác định đến 2/3 số bệnh nhân nhập viện do đau thắt ngực không phải nhồi máu cơ tim, cho phép xuất viện sớm.

Xét nghiệm này được thực hiện thông qua việc lấy máu (như các xét nghiệm máu thông thường mà bệnh nhân từng thực hiện). Cơ sở chẩn đoán của Troponin-I siêu nhạy (hsTnI) dựa trên ngưỡng Troponin. Có thể hiểu, Troponin là một dấu ấn sinh học chỉ tăng khi có tổn thương cơ tim.

PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim Mạch Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hướng dẫn mới nhất về xử trí cơn đau ngực cấp của Hiệp hội Tim mạch châu  Âu khuyến cáo chọn lựa troponin tim (siêu nhạy) là xét nghiệm quan trọng cho hỗ trợ chẩn đoán, kết hợp lâm sàng, điện tâm đồ. Thế hệ xét nghiệm troponin tim siêu nhạy mới nhất hiện nay giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp được sớm hơn, giúp bác sĩ tiên lượng trước mắt và lâu dài tốt hơn cho người bệnh”.

Nhanh chóng, siêu nhạy, giảm thiểu thời gian và sự lo âu

BS Anoop Shah, ĐH Edinburgh, cho biết: “Việc sử dụng ngưỡng Troponin xác định nguy cơ nhồi máu cơ tim đem lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bệnh nhân cảm thấy an tâm khi được bác sĩ chẩn đoán nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim thấp. Khi được xuất viện, bệnh nhân không phải quay lại bệnh viện và thực hiện nhiều xét nhiệm không cần thiết khiến họ lo lắng”.

Cũng cần nói thêm, hiện nay, Troponin-I siêu nhạy (hsTnI) là xét nghiệm duy nhất đạt tiêu chí siêu nhạy của Liên đoàn Hóa Sinh Lâm sàng Quốc tế (IFCC): Độ sai biệt tại ngưỡng chẩn đoán nhỏ hơn 10% hệ số biến thiên (CV); Đo đạc được troponin tim ở ít nhất 50% cá thể khỏe mạnh từ ngưỡng phát hiện tới ngưỡng chẩn đoán.

Cũng theo PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, xét nghiệm này còn có ưu điểm là có ngưỡng cắt theo giới tính, cho phép phân định rõ ràng và chính xác hơn nồng độ Troponin I ở nam và nữ riêng biệt, giúp thuận lợi hơn trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim ở nữ giới, điều mà những xét nghiệm trước đó không có được.

Chỉ trong vòng 1-3 tiếng thực hiện xét nghiệm Troponin-I siêu nhạy (hsTnI), hầu hết bệnh nhân đến cấp cứu đã có thể yên tâm ra về với kết quả an toàn (không phải nhồi máu cơ tim).

Với những bệnh nhân thật sự đang gặp tình trạng nguy hiểm, xét nghiệm với kết quả chính xác và rút ngắn thời gian nói trên cũng giúp bác sĩ tận dụng được khoảng thời gian vàng để cấp cứu kịp thời, giảm thiểu những rủi ro cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

Tại Việt Nam, xét nghiệm này đang được sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện lớn và đã mang đến những hiệu quả rõ rệt, như một giải pháp chẩn đoán quan trọng cho bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch.

Nhồi máu cơ tim, “sát thủ” nguy hiểm

- Theo số liệu của WHO năm 2013, trên thế giới đã có 17,5 triệu người tử vong do bệnh lý liên quan đến tim mạch, trong đó có 2,5 triệu người chết do nhồi máu cơ tim.

- Việc phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và cấp cứu kịp thời có thể quyết định sự sống chết của bệnh nhân.

- Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, biểu hiện điển hình thường gặp là có cảm giác đau căng và thắt chặt ở giữa ngực, sau xương ức. Triệu chứng đi kèm bao gồm: tim đập mạnh liên hồi, toát mồ hôi, buồn nôn, khó thở, mặt tái nhợt, chóng mặt và bất tỉnh. Tuy nhiên, ở một số người, không có triệu chứng rõ ràng, chỉ mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

- Nữ giới có tỷ lệ tử vong cao hơn, thậm chí gấp đôi nam giới trong nhồi máu cơ tim.

Hồng Quyên