- Các gương mặt có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014 gồm hai thanh niên 17 tuổi, những người chiến đấu chống Ebola, Giáo hoàng Francis I và Tổng thống Nga.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Cô gái Nobel – Người truyền cảm hứng 

{keywords}

Malala Yousafzai

Giải Nobel năm nay ghi nhận một kỷ lục. Đó là việc cô gái Pakistan Malala Yousafzai trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử, nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình. 

Malala Yousafzai nhận giải Nobel Hòa bình 2014 cùng với Kailash Satyarthi người Ấn Độ. Cô gái 17 tuổi từng bị Taliban bắn trọng thương vào đầu tháng 10/2012, vì đấu tranh quyền cho các bé gái đi học.  

Những nỗ lực của cô gái trẻ đã truyền cảm hứng trên khắp thế giới và Malala trở thành gương mặt tiêu biểu không thể không nhắc tới trong năm 2014. 

Malala chia sẻ: "Mục đích duy nhất của tôi là đấu tranh vì quyền lợi được đến trường của các em gái. Việc mọi người quay lưng lại với tôi, không có nghĩa là tôi sẽ chấm dứt cuộc đấu tranh này. Tôi nghĩ, việc quan trọng là đào tạo thế hệ tương lai để tạo ra thay đổi. Vì thế, tôi không được phép để bản thân mất đi hy vọng đó".

Joshua Wong – Gương mặt biểu tình 

{keywords}

Joshua Wong

Joshua Wong, sinh tháng 10/1996, đeo kính, dáng người mảnh khảnh đã được tạp chí Time lấy làm ảnh bìa cho gương mặt đại diện cuộc biểu tình của Hong Kong, Trung Quốc.

Năm 2011, khi mới 15 tuổi, bất bình trước đề xuất về chương trình học mới của các trường công lập tại Hong Kong, Wong thành lập một nhóm sinh viên biểu tình mang tên Scholarism. Phong trào này đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng.

Dũng sĩ chống Ebola  

{keywords}

Những dũng sĩ Ebola

Tạp chí Time năm nay chọn "những dũng sĩ Ebola" làm nhân vật của năm 2014. Đây là các bác sĩ, y tá, nhân viên lái xe cứu thương và những người phản ứng đầu tiên đã và đang đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến với dịch Ebola.  

Họ là những người đã cống hiến hết mình, để ngăn dịch bệnh lan truyền trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Tới nay, đã có hơn 17.000 ca nhiễm Ebola và hơn 6.000 người đã thiệt mạng trong đại dịch này. 

Giáo Hoàng Francis I – Người hàn gắn 

{keywords}
Giáo hoàng Giáo hội Công giáo La mã Francis I

Đức Giáo hoàng Francis I đã có một năm hoạt động không ngừng nghỉ, nhằm hàn gắn những chia rẽ giữa các tôn giáo và thậm chí là bất đồng của các quốc gia.  

Giáo hoàng Francis đã đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cử hành thánh lễ tại Nhà thờ Cơ đốc Thánh thần và gặp gỡ Bartholomew I – Trưởng lão đứng đầu Giáo Hội Chính Thống, cũng như hội kiến với các nhà lãnh đạo Hồi giáo trong chuyến công du này.  

Người đã kêu gọi một cuộc đối thoại liên tôn giáo nhằm chống lại chủ nghĩa cuồng tín và bỏ thủ cực đoan trong chuyến thăm tới Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ; kêu gọi thúc đẩy mới cho hòa bình ở Trung Đông, nói rằng khu vực này "từ lâu nay đã trở thành sân khấu cho các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn". 

Giáo hoàng Francis trong các phát biểu của mình cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết về hòa giải và đối thoại giữa các tôn giáo, cũng như lên án những ai nói rằng, ‘tất cả những tín đồ Hồi giáo đều là kẻ khủng bố’. 

Trong động thái chính trị ‘chấn động’ vừa qua là việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ sau hơn 5 thập kỷ, một nghị sĩ Mỹ đã tiết lộ vai trò của Giáo hoàng Francis I trong các cuộc hội đàm bí mật giữa hai bên.  

Vladimir Putin – Người quyền lực 

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục được coi là người đàn ông quyền lực nhất thế giới trong năm 2014. Hầu như những chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin đều có sức tác động lớn tới địa chính trị và môi trường an ninh toàn cầu trong năm nay. 

Tháng 2/2014, Tổng thống Putin đã cho thấy sức mạnh của Nga thông qua Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông tại Sochi. Với chi phí tổ chức lên tới 51 tỷ USD, Olympic Sochi trở thành kỳ thế vận hội tốn kém nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Nhiều nhà phân tích đánh giá, việc tổ chức thành công Thế vận hội Sochi là một thắng lợi lớn của Tổng thống Putin trong con đường phục hưng quyền lực của nước Nga. 

Hồi tháng 7, Tổng thống Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS và hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Khối này tham vọng xây dựng nên các hệ thống tài chính cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Thế giới và khẳng định sức mạnh của các cường quốc kinh tế mới nổi.  

Một trong những bước đi gây sốc và cũng tranh cãi nhất của ông, là việc sáp nhập Crưm vào Nga. Hành động này đã góp phần làm cuộc khủng hoảng ở Ukraina thêm trầm trọng. Mỹ và phương Tây ra hàng loạt đòn trừng phạt nặng nề, nhằm vào kinh tế Nga, tạo đà cho các cuộc chạy đua vũ trang mới, khiến mâu thuẫn Đông – Tây ở mức xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và thay đổi mạnh mẽ cục diện quan hệ quốc tế. 

Lê Thu