Nước Mỹ đang trải qua một dịp cuối tuần sóng gió. Tổng thống Donald Trump bị giục trưng bằng chứng người tiền nhiệm từng nghe lén ông. Người biểu tình ủng hộ và phản đối ông Trump đụng độ nhau ở nhiều nơi.

BBC đưa tin, Tổng thống Donald Trump đã được đề nghị cung cấp chứng cứ cho tuyên bố rằng người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Barack Obama, nghe lén ông trong chiến dịch tranh cử. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse nói cáo buộc này là "nghiêm trọng", ông Trump nên giải thích việc này, nêu rõ làm sao ông biết.

{keywords}

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Hôm 4/3, ông Donald Trump viết trên Twitter: "Tôi vừa mới hay ông Obama đã ra lệnh 'nghe lén' tại Tháp Trump ngay trước khi tôi giành chiến thắng". Nhà lãnh đạo mới của Mỹ gọi người tiền nhiệm là "một người tồi tệ", và nói vụ việc này có thể tạo ra một bê bối lớn.

Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra chi tiết nào để chứng minh cho cáo buộc của mình.

Một phát ngôn viên của cựu Tổng thống Mỹ khẳng định, ông Obama chưa bao giờ ra lệnh giám sát bất kỳ một công dân Mỹ nào. Một số thành viên Dân chủ thì cho rằng, các thông điệp mới nhất mà Tổng thống Trump đưa lên Twitter có mục đích đánh lạc hướng sự chú ý khỏi câu chuyện về Nga.

Trước đó, người dẫn chương trình phát thanh Mark Levin Show đặt ra một số cáo buộc, trong đó nói rằng chính quyền Obama "đã tìm kiếm, và rốt cuộc đã có được, quyền nghe lén" chiến dịch của ông Trump năm ngoái.

Các bản tin báo chí cho biết, FBI từng xin lệnh từ tòa án giám sát tình báo nước ngoài (Fisa) để theo dõi các thành viên trong nhóm Trump bị nghi thường xuyên liên lạc với người Nga. Lệnh này lúc đầu bị từ chối nhưng sau đó được chấp thuận vào tháng 10, dù không có xác nhận chính thức nào.

Theo luật, việc nghe lén chỉ có thể được chấp nhận nếu có lý do để tin mục tiêu theo dõi là một gián điệp cho thế lực bên ngoài. Ông Obama không có quyền ban hành một lệnh như vậy.

Ben Rhodes - Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Obama – cũng đề cập đến cáo buộc của ông Trump trên Twitter: "Không tổng thống nào có thể ra lệnh nghe lén. Những hạn chế đó được thực thi để bảo vệ người dân Mỹ khỏi những người như ông".

Trong bối cảnh dư luận nóng lên quanh cáo buộc nghe lén mà ông Trump đưa ra, nước Mỹ lại chứng kiến đụng độ bùng phát giữa các phe phái chính trị đối lập nhau ở Berkeley, California, khi những người ủng hộ và chống đối Tổng thống Trump lao vào nhau chiều 4/3 (giờ địa phương).

Những người tham gia "Cuộc tuần hành vì Tổng thống Trump" để biểu thị ủng hộ với Tổng thống đã gặp nhóm phản đối ở khu Berkeley.

Hàng chục nhà hoạt động đối lập mặt đối mặt, hét vào mặt nhau những khẩu hiệu như "Nước Mỹ không phát xít, không phân biệt chủng tộc" và "Xây dựng tường", sau đó lao vào ẩu đả. Cảnh sát nhanh chóng có mặt tại hiện trường nhưng không kịp ngăn cản hai bên.

Khoảng nửa tiếng sau, một cuộc xung đột khác nổ ra và tiếp nối bởi các cuộc đụng độ nhỏ hơn, đa phần đều liên quan tới những người chống ông Trump.

Trong khi đó, báo Politico và CNN đưa tin, ông Trump sắp ký một sắc lệnh mới cấm nhập cảnh đối với người dân một số nước đông dân Hồi giáo. Sắc lệnh đầu tiên đã bị tòa án Mỹ tạm dừng.

Mỹ đã trải qua một cuối tuần không yên ả, tiếp sau một loạt các rắc rối phủ bóng lên chính quyền Trump.

Thanh Hảo