Cuộc khủng hoảng xoay quanh chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vừa leo thang lên một nấc mới rất nguy hiểm và đáng sợ.

Trong suốt nhiều năm, các nỗ lực thuyết phục hoặc gây áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân tiếp tục diễn ra. Triều Tiên được cho là phải mất nhiều năm nữa mới đạt tới năng lực chế được các đầu đạn vừa với tên lửa đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách xa. Nhưng thực tế không như vậy.

{keywords}

Ông Kim Jong Un coi phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa là chìa khóa để tự vệ. (Ảnh: Reuters)

Khó có thể đánh giá chính xác năng lực vũ khí mà Triều Tiên đang sở hữu. Quốc gia này tự nhận sở hữu những tên lửa bắn tới đất Mỹ - với hai vụ thử gần đây đã khiến các chuyên gia phương Tây tin hơn vào điều này.

Trong sách trắng quốc phòng mới nhất, Nhật Bản cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã đạt tới năng lực thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để đặt vừa lên một tên lửa tầm xa. Phía giới chức Mỹ giờ cũng tin Triều Tiên đã chế được các đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ vừa với tên lửa tầm xa nhưng chưa rõ chúng được thử nghiệm hay chưa.

Theo hãng tin BBC, năng lực hạt nhân tầm xa hoạt động đối với Triều Tiên hiện giờ không còn là vấn đề "nếu" mà là "khi nào". Và "khi nào" đó có thể nằm ngay trong vài năm tới.

Sớm nay, chính quyền ông Kim Jong Un tuyên bố đang "cân nhắc kỹ" kế hoạch tấn công Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội Triều Tiên mô tả kế hoạch tấn công sẽ được thực hiện theo nhiều hướng và liên tục, vào bất cứ lúc nào, ngay khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un ra quyết định.

Ít giờ trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố với Bình Nhưỡng rằng Washington sẽ đáp trả bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào Mỹ bằng "lửa và sự cuồng nộ".

Ngày 8/8, ông Trump hoan nghênh cách thức các nước ứng phó với chương trình tên lửa Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu tán thành lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter: "Sau nhiều năm thất bại, các nước đang cùng nhau giải quyết dứt khoát các mối đe dọa từ phía Triều Tiên. Chúng ta cần phải cứng rắn và kiên quyết".

Cùng ngày 8/8, một quan chức Nhật Bản cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nhất trí hợp tác song phương để đối phó với các chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.

Giữa cuộc khẩu chiến Mỹ - Triều, hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng nước này tiết lộ, 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ đã được huấn luyện trên bầu trời bán đảo Triều Tiên vào đầu tuần. Hai chiến cơ này được điều động từ Guam tới tham gia cuộc tập trận hỗn hợp thường lệ với các chiến đấu cơ Hàn Quốc.

Theo hãng tin BBC, giai đoạn phát triển vượt bậc của Triều Tiên trùng với thời điểm nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và điều này là sự tình cờ của lịch sử. Nhưng trong khi cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên leo lên một mức nguy hiểm mới, nó cũng có thể tạo ra một tia hy vọng thay đổi.

Những bước tiến dài trong tham vọng phát triển vũ khí của Triều Tiên có nghĩa là nước này sẽ sớm đạt tới năng lực đe dọa Mỹ bằng một cuộc tấn công hạt nhân. Đây là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi và các lựa chọn hành động mà chính phủ ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang đối mặt hiện nay rất khó khăn.

Một trong số đó là đương đầu với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên bằng mọi biện pháp có thể: siết chặt cấm vận, tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực, và sẵn sàng tham chiến nếu cần thiết.

Tất nhiên vẫn còn một chiến lược khác, đó là ngoại giao. Dù quá khứ chứng tỏ không hiệu quả nhưng ngoại giao vẫn là con đường đang được tìm kiếm. Nhưng liệu có chỗ cho một kiểu ngoại giao nào đó hoạt động? Và rồi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên sẽ đi đến đâu?

Có thể nói, tất cả những hướng lựa chọn kể trên đều không có gì mới, trong khi tình hình thực tế có nguy cơ thay đổi mỗi khi khủng hoảng Triều Tiên leo lên một nấc mới. Trong khi đó, hai nước Mỹ - Triều tiếp tục đe dọa tấn công nhau.

Thanh Hảo