Chiến lược Thái Bình Dương của chính quyền ông Biden sẽ đối mặt với một phép thử lớn vào cuối năm nay, khi Ấn Độ thực hiện hợp đồng vũ khí gây tranh cãi trị giá 5 tỷ USD với Nga – một thương vụ mà có thể khiến Mỹ buộc phải tung đòn trừng phạt dù đang cố gắng kéo Delhi lại gần hơn.

Thỏa thuận Ấn Độ mua 5 hệ thống phòng không S-400 của Nga từ lâu đã là một vấn đề khiến Washington không hài lòng, nhưng với thời hạn bàn giao dự kiến vào tháng 12, Nhà Trắng sẽ phải sớm quyết định cách thức xử lý mối quan hệ phức tạp giữa hai nước.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với thử thách lớn liên quan đến các hợp đồng vũ khí của Ấn Độ với Nga. Ảnh: Reuters 

Theo Politico, chính quyền Biden có thể sẽ viện đến Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được ban hành năm 2017 nhắm đến các quốc gia thực hiện các giao dịch vũ khí lớn với Nga, nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Cho đến nay mới chỉ 2 quốc gia bị cấm vận theo đạo luật này là Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, hai nước đã mua cùng loại hệ thống S-400 mà Ấn Độ sắp nhận được.

Theo giới phân tích, tiền lệ này đang đẩy chính quyền Tổng thống Biden vào tình thế khó xử đối với Ấn Độ, một đồng minh quan trọng của Mỹ.

"Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi dường như đã quyết định sẽ tiếp tục thương vụ với Nga, và họ đã không lùi bước trong ba năm qua bất chấp bị đe dọa trừng phạt", báo Politico dẫn bình luận của Giám đốc Chương trình Nam Á Sameer Lalwani của Trung tâm Stimson. "Họ đã trù tính mọi điều, họ thực hiện cam kết và tái khẳng định cam kết. Chúng ta cứ việc chơi 'trò đá gà' này bao nhiêu lâu tùy thích, nhưng chúng ta sẽ gánh hậu quả ngày càng tồi tệ hơn".

Tuần trước, Thủ tướng Modi đã có mặt ở Washington để gặp gỡ Tổng thống Biden cùng các nhà lãnh đạo khác của Bộ tứ (Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ) và thảo luận về một loạt các vấn đề của khu vực. Tuy nhiên, chủ đề S-400 không có trong nghị trình của họ.

Ấn Độ mua vũ khí của Mỹ, Nga, Pháp và Israel trong nhiều năm qua. Thời gian gần đây, các chính quyền kế tiếp nhau ở Washington ra sức thúc ép Ấn Độ đừng làm khách hàng của Nga. Phía Moscow vẫn giành được một số hợp đồng lớn, bán các chiến hạm và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho lực lượng vũ trang Ấn Độ. Tuy nhiên, hệ thống S-400 đã trở thành một chủ đề nổi cộm và gây tranh cãi gay gắt.

Năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chiến cơ F-35, đồng thời áp đặt cấm vận theo đạo luật CAATSA sau khi Ankara nhận được hệ thống S-400 đầu tiên từ Nga. Trong thời gian dài, Washington và các đồng minh NATO đã cảnh báo Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không nên hoàn tất thỏa thuận đó. Tuy nhiên, giới chức Ankara vẫn rất quyết đoán. Mới tuần trước, ông Erdogan thông báo chuẩn bị mua thêm một hệ thống S-400 nữa và tuyên bố "không ai có thể can thiệp việc chúng tôi mua hệ thống phòng thủ nào, mua từ nước nào và ở cấp độ nào".

R. Clarke Cooper, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị - quân sự dưới thời chính quyền Trump và hiện đang làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng chính phủ Ấn Độ "chắc chắn đã theo dõi kỹ tất cả những diễn biến trên, và trong cả quá trình chúng tôi cũng liên tục cảnh báo họ". Theo ông, thông điệp dành cho Delhi sau khi ký kết hợp đồng với Nga năm 2018 là: "Tiếp nhận S-400, bạn có nguy cơ gây nguy hiểm cho khả năng tương tác với Mỹ, và các bạn có thể gây nguy hiểm cho các đối tác khác".

Đạo luật CAATSA năm 2017 được ban hành sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crưm ở miền đồng Ukraina, với mục đích ngăn các nước mua vũ khí của Nga và trừng phạt ngành công nghiệp vũ khí của nước này. Tuy nhiên, do quy mô xuất khẩu vũ khí của Nga tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các chính quyền của ông Trump và ông Biden đã phải cố gắng cân bằng đạo luật này trong đối xử với các đồng minh.

Ấn Độ là một nhân tố then chốt của nỗ lực cân bằng đó, và cách thức Washington xử lý các hợp đồng của Delhi với Nga sẽ tác động lớn đến các nước khác.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Ấn Độ hiện là một thị trường lớn cho các nước xuất khẩu vũ khí, chiếm tới 9,5% các hoạt động nhập khẩu vũ khí toàn cầu năm 2020, chỉ đứng sau Ảrập Xêút. Và hàng tỷ đôla mua vũ khí tiếp tục đổ đến Nga.

Theo giới phân tích, dù chọn trừng phạt hay miễn trừ, chính quyền Biden đang đối mặt với thách thức phải tìm ra cách tránh xử lý vấn đề này hết lần này đến lần khác.

Theo kế hoạch, năm 2023, Ấn Độ sẽ nhận được hai chiếc đầu tiên trong 4 tàu khu trục mới từ Nga, và năm 2025, nước này sẽ bắt đầu thuê tàu ngầm thứ 3 chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga. Tất cả những hợp đồng lớn này đều đã được ký kết. 

Hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez đã gửi một lá thư tới Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, trong đó cảnh báo "nếu Ấn Độ vẫn cứ mua S-400, điều này sẽ tạo ra giao dịch quan trọng, và có thể bị trừng phạt, với ngành quốc phòng của Nga… Khả năng Ấn Độ hợp tác với Mỹ về phát triển và mua sắm các công nghệ quân sự nhạy cảm sẽ bị hạn chế".

Năm 2016, chính quyền Obama xác định Ấn Độ là đối tác quốc phòng lớn, cho thấy Washington muốn xích lại gần Delhi hơn và thúc ép đất nước châu Á không mua vũ khí Nga nữa.

Giới phân tích nhận định, Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng to lớn của nước này sẽ không từ bỏ các thỏa thuận với Ấn Độ nhưng phía Delhi cũng sẽ không quay lưng trong quan hệ với Nga. Điều đó có nghĩa là Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng sẽ sớm phải quyết định họ sẵn sàng chấp nhận ở mức độ nào.

Thanh Hảo

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ bàn giao F-35 hoặc đền bù 1,4 tỷ USD

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ bàn giao F-35 hoặc đền bù 1,4 tỷ USD

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu Mỹ nhanh chóng bàn giao số tiêm kích tàng hình F-35 có trong một thỏa thuận giữa hai nước, hoặc phải đền bù số tiền 1,4 tỷ USD mà Ankara đã trả trước.