{keywords}
Tỷ lệ phủ vắc xin ở Campuchia cao thứ 2 khu vực. 

Theo tờ The Diplomat, tính tới ngày 6/9, hơn 2/3 dân số Campuchia đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19, và 53% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ. Đây là tỷ lệ tiêm phòng cao nhất ở Đông Nam Á, không kể Singapore – đã hoàn thành việc tiêm chủng cho hơn 3/4 dân số.

Campuchia triển khai tiêm phòng Covid-19 nhanh hơn nhiều nước láng giềng giàu có khác như Malaysia (49% dân số), Brunei 25%, Thái Lan 11%...

Thông thường, mức độ tiêm chủng ở Đông Nam Á gần như tương quan với mức độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Campuchia là một ngoại lệ. Nước này có GDP tính trên đầu người thấp thứ hai trong khối ASEAN, song lại có tỷ lệ tiêm chủng bình quân đầu người đứng thứ hai khu vực.

Dù việc triển khai vắc xin làm nảy sinh một số tác động không mong muốn, song Campuchia đang trên đà hoàn thành kế hoạch tiêm phòng sớm hơn 8 tháng so với mục tiêu đề ra, báo cáo của hãng cố vấn và đầu tư có trụ sở tại Phnom Penh là Mekong Strategic Partners cho hay.

Việc triển khai vắc xin của Campuchia không chỉ nhanh hơn các nước Đông Nam Á mà còn vượt cả những quốc gia giàu có hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ.

Theo báo cáo của Mekong Strategic Partners, Campuchia sẽ đạt mức độ tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ cho 70% dân số vào ngày 21/9 năm nay. Trong khi đó, để đạt được mức tiêm chủng đầy đủ trên, Philippines phải tới 22/3/2022 mới hoàn thành, Indonesia và Thái Lan là 22/7/2022...

Phnom Penh hiện cũng là một trong số các thủ đô có tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cao nhất thế giới, với khoảng 99% dân số trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ.

Theo báo cáo trên, những yếu tố đó đã đặt Campuchia vào thế thuận lợi để có thể chấm dứt phong toả và tái kích hoạt nền kinh tế sớm hơn nhiều quốc gia khác.  

Điều gì đã giúp Campuchia thành công trong chiến dịch triển khai vắc xin? Đó là, nước này có vị trí địa lý và dân số tương đối nhỏ - 16,5 triệu người. Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận kế hoạch triển khai rõ ràng và đơn giản của Chính phủ Campuchia dựa trên vị trí thay vì độ tuổi.

Ngoài ra, Campuchia cũng yêu cầu một bộ phận lớn của cộng đồng, gồm cả lực lượng vũ trang, công chức phải tiêm vắc xin. Các nỗ lực tiêm vắc xin của Chính phủ Campuchia cũng có thể triển khai tốt do số người do dự tiêm vắc xin ở đây thấp hơn nhiều quốc gia khác.

Điều quan trọng hơn nữa là Campuchia đã mua đủ vắc xin để tiêm chủng cho người dân. Theo báo cáo của Mekong Strategic Partners, Campuchia đã mua vắc xin bằng mọi cách, gồm cả thông qua COVAX, lẫn quyên góp song phương và mua trực tiếp từ một số quốc gia.

Phần lớn vắc xin mà Campuchia nhận được tới giờ, 27 triệu trên tổng số 30 triệu liều, là do Trung Quốc cung cấp. Các vắc xin bất hoạt do Sinopharm và Sinovac sản xuất đã giúp giảm số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 ở Campuchia, ngay cả khi biến thể Delta vẫn tiếp tục lây lan.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất 

Hoài Linh

Campuchia tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 3 cho dân

Campuchia tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 3 cho dân

Nhà chức trách Campuchia tuyên bố sẽ bắt đầu tiêm bổ sung mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3 cho người dân bằng sản phẩm của AstraZeneca hoặc vắc xin do Trung Quốc sản xuất nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).